Bảo hiểm xã hội tỉnh Kon Tum nỗ lực thực hiện các giải pháp nhằm mở rộng diện bao phủ, hướng đến mục tiêu bảo hiểm y tế toàn dân

31/07/2020 09:50 AM


Bảo hiểm y tế (BHYT) là một trong những chính sách lớn của Đảng và Nhà nước và chủ trương thực hiện mục tiêu BHYT toàn dân có ý nghĩa quan trọng trong việc đảm bảo an sinh xã hội, góp phần thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội. Do đó, những năm qua, Bảo hiểm xã hội tỉnh Kon Tum cùng với các cấp ủy, chính quyền, ngành, đoàn thể trên địa bàn tỉnh đã tích cực triển khai nhiều giải pháp thiết thực nhằm mở rộng, thu hút đối tượng tham gia BHYT.

Theo số liệu thống kê của BHXH tỉnh, năm 2003, khi BHYT sáp nhập vào cơ quan Bảo hiểm xã hội, số người tham gia BHYT trên toàn tỉnh khi đó chỉ có 30.088 người. Đến nay, toàn tỉnh đã có 485.932 người, tỷ lệ bao phủ BHYT đạt 91% dân số, cao hơn 0,7% so với mục tiêu đề ra của Chính phủ là 90,3% vào năm 2020 (Quyết định số 1167/QĐ-TTg ngày 28/6/2016 về việc điều chỉnh giao chỉ tiêu thực hiện BHYT giai đoạn 2016-2020).

Để có được kết quả này, thời gian qua, các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương đã quan tâm, chủ động đưa các chỉ tiêu phát triển BHYT vào các Nghị quyết, chương trình, kế hoạch hành động hàng năm gắn với việc triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội từng cấp.

Đặc biệt, để thực hiện mục tiêu BHYT toàn dân, ngày 18/7/2019, HĐND tỉnh đã thông qua Nghị Quyết số 18/2019/NQ-HĐND về mức hỗ trợ đóng BHYT trên địa bàn tỉnh. Theo đó, 5 nhóm đối tượng được ngân sách tỉnh hỗ trợ thêm mức đóng BHYT ngoài mức hỗ trợ của ngân sách Trung ương gồm: Hỗ trợ 30% đối với người thuộc hộ gia đình cận nghèo theo tiêu chí chuẩn cận nghèo theo quy định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; Hỗ trợ 30% đối với người thuộc hộ gia đình nghèo đa chiều không thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản 9 Điều 3 Nghị định số 146/2018/NĐ-CP (người thuộc hộ gia đình nghèo theo tiêu chí về thu nhập, người thuộc hộ nghèo đa chiều có thiếu hụt về bảo hiểm y tế theo Quy định tại Quyết định số 59/2015/QĐ-TTg ngày 19/11/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016-2020); Hỗ trợ 10% đối với học sinh, sinh viên; Hỗ trợ 10% đối với người thuộc hộ gia đình làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp có mức sống trung bình theo quy định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; Hỗ trợ 100% đối với người nhiễm HIV chưa có thẻ bảo hiểm y tế.

Việc tỉnh Kon Tum chủ động trích ngân sách địa phương hỗ trợ mức đóng BHYT ngoài mức hỗ trợ của Trung ương đã tạo điều kiện thuận lợi cho các nhóm đối tượng yếu thế, những người có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh được tiếp cận với các dịch vụ y tế một cách thuận lợi nhất, khắc phục những rủi ro bệnh tật và giảm gánh nặng chi phí khám chữa bệnh. Qua đó, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khoẻ nhân dân và thực hiện có hiệu quả mục tiêu giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh.

Với vai trò là cơ quan thực hiện chính sách BHYT trên địa bàn, thời gian qua, Bảo hiểm xã hội tỉnh đã tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp đảm bảo hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Theo đó, Bảo hiểm xã hội tỉnh phối hợp với các địa phương tích cực đa dạng hình thức tuyên truyền, vận động người dân, phổ biến chính sách về BHYT đến tận cơ sở nhằm mở rộng, phát triển đối tượng tham gia BHYT đối với mọi thành phần kinh tế, các tầng lớp dân cư. Đồng thời, Bảo hiểm xã hội tỉnh cũng bám sát, phối hợp với các cơ quan có liên quan kịp thời cấp thẻ BHYT cho những người thuộc diện được Nhà nước  hỗ trợ nhằm đảm bảo quyền lợi được chăm sóc sức khỏe, khám chữa bệnh của người dân. Từ nguồn quỹ kết dư, Bảo hiểm xã hội ưu tiên hỗ trợ mua thẻ BHYT cho hộ cận nghèo, học sinh người dân tộc thiểu số sống ở khu vực I, nhờ đó, số lượng đối tượng tham gia BHYT cũng được gia tăng.

Cùng với đó, thời gian qua, BHXH tỉnh cũng tích cực phối hợp ngành Y tế nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ y tế;  thực hiện tốt quy trình giám định, thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT; thường xuyên phối hợp các cơ sở khám chữa bệnh để kịp thời triển khai những thay đổi, bổ sung trong công tác giám định chi phí khám chữa bệnh bằng thẻ BHYT. 

Bên cạnh đó, tỉnh và ngành Y tế cũng chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng để góp phần hạn chế tình trạng quá tải tại các bệnh viện, đặc biệt là bệnh viện tuyến tỉnh; mua sắm nhiều trang thiết bị hiện đại; nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nâng cao y đức trong khám, chữa bệnh, nhất là khám chữa bệnh bằng thẻ BHYT. Từ đó, người dân được tiếp cận và thụ hưởng được các dịch vụ khám chữa bệnh hiện đại, chất lượng phục vụ được đổi mới; củng cố niềm tin để mọi người tích cực tham gia BHYT.

BHYT toàn dân là giải pháp chiến lược trong công tác chăm sóc, bảo vệ, nâng cao sức khỏe nhân dân và thực hiện phát triển kinh tế-xã hội của nước ta nói chung và tỉnh Kon Tum nói riêng. Với quyết tâm cao và sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị, tỉnh ta sẽ tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được để thực hiện thắng lợi mục tiêu BHYT toàn dân./.

Hoàng Thủy