Người tham gia BHYT luôn được đảm bảo thuận tiện và đầy đủ quyền lợi

15/11/2024 04:00 PM


Bên cạnh những điểm mới, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT đã có những điều đột phá theo hướng người dân có thể đi KCB ở bất kỳ đâu. Đồng thời, trong quá trình thực hiện, người tham gia BHYT luôn được đảm bảo thuận tiện và đầy đủ quyền lợi…

Báo cáo giải trình trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Đức Hòa cho biết, thời gian qua, BHXH Việt Nam đã phối hợp với Bộ Y tế và các cơ quan thuộc Chính phủ tham mưu, trình sửa đổi các điều của Luật BHYT. Đặc biệt, sau khi Dự án Luật được các ĐBQH cho ý kiến tại hội trường ngày 31/10, BHXH Việt Nam đã phối hợp với Ủy ban Xã hội để hoàn thiện Báo cáo này.

Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Đức Hòa báo cáo tại Phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Cũng theo Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Đức Hòa, luật lần này có 8 điểm mới và có những điều đã đột phá theo hướng người dân có thể đi khám ở bất kỳ cơ sở KCB nào. Việc này cơ bản đáp ứng được yêu cầu đề ra, người dân đã được tạo thuận lợi, nhất là trong vấn đề TTHC thông tuyến KCB...

Tuy nhiên, với đối tượng tham gia BHYT, hiện nay chúng ta cũng có nhiều đối tượng cần luật hóa và quy định cụ thể trong tổ chức thực hiện. Đặc biệt, cơ bản các đối tượng đã được đưa vào Dự thảo để đồng bộ với Luật BHXH năm 2024. Điều này giúp đảm bảo sự ổn định đối tượng và sự ổn định đó mới có thể giúp đảm bảo thực hiện được mục tiêu BHYT toàn dân, nhất là đối tượng yếu thế cần sự hỗ trợ của Nhà nước hoặc các quỹ xã hội.

Về phạm vi được hưởng BHYT tại Điều 21, Điều 22 cũng đã được mở rộng. Ví dụ, bây giờ hỗ trợ KCB từ xa cũng phù hợp với tiến độ về công nghệ, đặc biệt khi dịch Covid-19, chúng ta đã áp dụng phương thức này. Song, vấn đề khám bệnh gia đình, khám bệnh tại nhà hoàn toàn mới tại Việt Nam, nhưng trong Báo cáo của Chính phủ chưa có đánh giá rõ tác động hoặc cách thức tổ chức thực hiện đảm bảo tính khả thi.

Phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Đức Hòa cho biết thêm, Luật Khám bệnh, chữa bệnh đã có quy định đồng bộ với Luật BHXH, nên tới đây BHXH Việt Nam sẽ tham mưu và phối hợp cùng Bộ Y tế đề xuất tiếp tục rà soát để đảm bảo đồng bộ, đầy đủ theo các luật hiện hành. Bởi, nếu cơ quan quản lý quỹ BHYT không có chức năng kiểm tra, thì hiệu lực trong việc quản lý quỹ sẽ không đảm bảo...

“Có những nội dung trong quá trình tổ chức thực hiện, chúng tôi đã có văn bản kịp thời gửi Bộ Y tế để tổng hợp, báo cáo xin ý kiến Chính phủ để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Tuy nhiên, có những nội dung, sau khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến, chúng tôi sẽ cùng Bộ Y tế và Ủy ban Xã hội hoàn thiện làm sao phù hợp, đồng bộ giữa các điều của luật, cũng như giữa các luật với nhau...”- ông Hòa khẳng định.

Liên quan đến việc tham gia BHYT của HSSV, theo Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Đức Hòa, từ năm 1992 đến nay, việc thực hiện BHYT HSSV thông qua nhà trường và đã rất ổn định, với 99% HSSV tham gia. "Bây giờ chúng ta chưa đánh giá được khi đưa nhóm đối tượng này vào tham gia BHYT theo hộ gia đình, thì tỷ lệ này sẽ như thế nào? Mặt khác, việc thanh quyết toán với nhóm đối tượng này không khó khăn, chậm trễ, bởi cơ quan BHXH thanh toán thông qua hợp đồng với BV, nên HSSV và những người có thẻ BHYT đến BV là được BV thanh toán"- Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Đức Hòa chia sẻ thêm.

Tạp chí BHXH Việt Nam