Năm 2025, 95% người dân Việt Nam có Hồ sơ sức khỏe điện tử

14/11/2019 12:45 AM


(Ảnh minh họa) 

Nếu như Hồ sơ sức khỏe là tài liệu y tế ghi lại quá trình chăm sóc sức khỏe của 01 người từ lúc sinh ra cho đến khi mất đi, thì Hồ sơ sức khỏe điện tử (EHR) là bản tin học hóa của hồ sơ sức khỏe được lập, hiển thị, cập nhật, lưu trữ và chia sẻ bằng phương tiện điện tử. Ý nghĩa của Hồ sơ sức khỏe điện tử là giúp mỗi người dân biết và tự quản lý thông tin sức khỏe của mình liên tục, suốt đời, từ đó, chủ động phòng bệnh, chăm sóc sức khỏe. Khi đi khám, chữa bệnh – thông qua hồ sơ sức khỏe, người bệnh cung cấp cho bác sỹ Hồ sơ sức khỏe điện tử, tiền sử bệnh tật và quá trình khám, chữa bệnh một cách nhanh chóng, chính xác, đầy đủ, tạo thuận lợi cho việc chẩn đoán và điều trị của bác sỹ. Đối với công tác quản lý, triển khai Hồ sơ sức khỏe điện tử giúp ngành Y tế có dữ liệu sức khỏe của người dân đầy đủ, chính xác, kịp thời – căn cứ để hình thành cơ sở dữ liệu phục vụ việc tổng hợp, phân tích để ngành Y tế có chỉ đạo kịp thời về phòng, chống dịch bệnh; có báo cáo, hoạch định chính sách về công tác bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe người dân tốt hơn. Còn đối với BHYT, giúp thông tin khám, chữa bệnh BHYT thông suốt, minh bạch; việc quản lý chi phí khám, chữa bệnh BHYT dễ dàng hơn; góp phần hạn chế việc lạm dụng thuốc, xét nghiệm.

Mục tiêu của Kế hoạch Triển khai Hồ sơ sức khỏe điện tử ban hành kèm theo Quyết định số 5349/QĐ-BYT ban hành ngày 12/11/2019 của Bộ Y tế là triển khai Hồ sơ sức khỏe điện tử cho toàn dân, bảo đảm mỗi người dân có 01 Hồ sơ sức khỏe điện tử, từng bước hình thành cơ sở dữ liệu về sức khỏe người dân tại Trung tâm Dữ liệu Y tế Quốc gia. Cụ thể, xây dựng, hoàn thiện hệ thống Hồ sơ sức khỏe điện tử, đảm bảo quản lý đầy đủ thông tin theo quy định tại Quyết định số 831/QĐ-BYT ngày 11/03/2017 của Bộ trưởng Bộ Y tế về Ban hành mẫu Hồ sơ quản lý sức khỏe cá nhân phục vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu, cung cấp các giao diện tương tác với Bộ Y tế, Sở Y tế, cơ sở khám, chữa bệnh, chuyên gia y tế và người dân. Thu tập trực tiếp thông tin sức khỏe của người dân hoặc thu thập từ cơ sở khám, chữa bệnh vào Hồ sơ sức khỏe điện tử thông qua các tiêu chuẩn của ngành Y tế đã ban hành (Tiêu chuẩn quốc tế HL7, chuẩn định dạng dữ liệu đầu ra sử dụng trong quản lý, giám định và thanh toán chi phí khám, chữa bệnh theo Quyết định số 4210/QĐ-BYT ngày 20/09/2017 của Bộ trưởng Bộ Y tế). Hướng tới năm 2020, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai Hồ sơ sức khỏe điện tử, tối thiểu 80% người dân được lập hồ sơ sức khỏe điện tử, hình thành cơ sở dữ liệu sức khỏe người dân tại Sở Y tế, Trung tâm Dữ liệu Y tế Quốc gia; năm 2025, 95% người dân trên toàn quốc có Hồ sơ sức khỏe điện tử, được cập nhật thông tin sức khỏe thường xuyên và được kết nối với tất cả các cơ sở khám, chữa bệnh trên cả nước.

Để triển khai Hồ sơ sức khỏe điện tử, theo Kế hoạch Triển khai Hồ sơ sức khỏe điện tử ban hành kèm theo Quyết định số 5349/QĐ-BYT, sẽ tập trung xây dựng, hoàn thiện phần mềm hồ sơ sức khỏe; triển khai, xây dựng hệ thống mã định danh y tế cho người dân (bảo đảm mỗi Hồ sơ sức khỏe điện tử của người dân được cấp phát một mã định danh y tế, dự kiến hoàn thành năm 2020); quản lý thông tin, dữ liệu; triển khai hệ thống Hồ sơ sức khỏe điện tử, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ động tổ chức triển khai Hồ sơ sức khỏe điện tử trên địa bàn, bảo đảm tới cuối năm 2020, có ít nhất 80% người dân trên địa bàn tỉnh, thành phố được tạo lập Hồ sơ sức khỏe điện tử; xây dựng tài liệu chuyên môn và các văn bản hướng dẫn (xây dựng chuẩn kết nối liên thông Hồ sơ sức khỏe điện tử với hệ thống mã định danh y tế cho người dân và các hệ thống thông tin y tế liên quan, xây dựng quy chế sử dụng, quản lý, vận hành, bảo đảm an toàn thông tin hệ thống Hồ sơ sức khỏe điện tử, quy định về lập, cập nhật, khai thác Hồ sơ sức khỏe điện tử, xây dựng cơ chế tài chính để duy trì, vận hành hệ thống Hồ sơ sức khỏe điện tử).

Nguồn: Tạp chí BHXH


{loadposition baivietmoi}