BHYT và thông điệp từ một cô gái trẻ
04/11/2019 07:11 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Nữ sinh viên trường Đại học Ngoại thương Đặng Trần Thủy Tiên trong vòng thi sơ khảo "Duyên dáng Ngoại thương" 2019 vào chiều 27-10 - Ảnh: N.T
Ung thư ở tuổi 19
“Vào một ngày giữa mùa hè của tháng 6, em đi tắm và tình cờ khi sờ ngực thì thấy có cục hạch cứng; em lên mạng tìm đọc chỉ thấy họ bảo là còn trẻ, ít khả năng k vú mà chỉ là sơ thôi nên chủ quan quên bẵng đi. Một tuần sau, lên bệnh viện khám, bác sĩ chẩn đoán chỉ là sơ thui, chỉ định tiểu phẫu cắt u. Cẩn thận hơn đem gửi hạch đi sinh thiết và phát hiện đã ung thư đã giai đoạn 2a mất rồi. Quá bất ngờ, ngay cả với bác sĩ, em ít tuổi thế làm sao ung thư được lại còn là thể dễ tái phát. Lên Viện K khám lại, kết quả đúng là ung thư vú. Trời đất xung quanh em như sụp đổ. Rõ ràng là em còn rất trẻ mà…”
Ít ai ngờ rằng, đây lại là chia sẻ của một cô gái trẻ, mới chỉ 19 tuổi, sinh viên năm thứ hai, Đại học Ngoại thương, đang phải chiến đấu với căn bệnh ung thư vú, như em nói: đã được 04 tháng rồi. Đặng Trần Thủy Tiên - một cái tên thật đẹp, cũng tựa như vóc dáng cao, xinh xắn và khả ái của em. Ở độ tuổi của em, với sức sống của tuổi 19, chẳng ai có thể ngờ căn bệnh nan y có thể “ghé thăm”. Ngay cả với người trưởng thành, dù bản lĩnh đến đâu đi chăng nữa, đối mặt với một tin dữ như vậy đến với bản thân, thật khó có thể vững vàng cho được. Ấy vậy nhưng, vượt qua những cảm xúc ban đầu, cô sinh viên năm thứ hai lại mạnh mẽ hơn mọi sự tưởng tượng của chính những người thân trong gia đình: Em còn tham gia kỳ thi Duyên dáng Ngoại thương và đang chuẩn bị cho phần thi vòng trong; phần thi năng khiếu, em đang băn khoăn giữa tiết mục đàn hay thuyết trình… Gặp Thủy Tiên tại Bệnh viện K1, Hà Nội, có vẻ khá mệt vì trên tay còn gắn ống truyền hóa chất và vừa phải đi quãng đường xa từ Hải Phòng lên nhưng em vẫn luôn nở nụ cười trên môi trong suốt buổi trò chuyện. Cũng từ khi mắc bệnh, vào viện và chứng kiến nhiều hoàn cảnh bệnh tật thương tâm, suy nghĩ của cô gái trẻ này thay đổi, trưởng thành hơn. Em chia sẻ: trước đó em thức rất khuya, ngủ không đủ giấc, lười tập thể dục và ăn những món ăn không tốt cho sức khoẻ, bây giờ phải thay đổi hoàn toàn. Mọi người cũng thế, đừng nên chủ quan với sức khoẻ của bản thân mình, cố gắng thay đổi thói quen sinh hoạt không tốt cho cơ thể, ngủ sớm hơn và ăn uống lành mạnh. Bệnh tật không chừa một ai cả, từ già đến trẻ, phải quý trọng bản thân mình hơn.
Có BHYT đỡ đi nhiều phần…
Rời căn phòng bệnh để Thủy Tiên yên tĩnh hơn, chúng tôi gặp mẹ em ở ngoài hành lang Bệnh viện K1 - chị Trần Thúy Hà. Mở đầu câu chuyện, người mẹ với khuôn mặt có phần xanh xao (có lẽ vì phải lo lắng, theo con điều trị bệnh từ bao ngày nay) phân trần ngay vì nghĩ chúng tôi phải đợi lâu: Chị vừa sang BHXH quận Đống Đa làm thủ tục để Thủy Tiên được miễn đồng chi trả BHYT, chi phí khám, chữa bệnh của em đã vượt qua 06 tháng lương cơ sở. Thủy Tiên tham gia BHYT liên tục, từ hồi còn là học sinh cho đến nay; cả bố - mẹ đều là viên chức cơ quan nhà nước nên nhận thức rõ về BHYT và luôn chủ động tham gia cho các con. Bệnh tật, chẳng ai mong muốn cả, có BHYT thì đỡ đi nhiều phần chi phí, như Thủy Tiên, hiện giờ cứ một tuần phải từ Hải Phòng lên Hà Nội truyền hóa chất một lần, toàn thuốc đắt đỏ và cũng xác định sẽ điều trị dài lâu, nếu không có BHYT, quả thật thu nhập từ lương của hai vợ chồng khó mà xoay sở cho nổi. Nói rồi, người mẹ này tiếp tục cho chúng tôi xem những giấy tờ thủ tục BHYT đang cầm trên tay; nào là bản photo thẻ BHYT; biên lai thu tiền viện phí mới nhất (ngày 30/10); giấy tiếp nhận hồ sơ và hẹn trả kết quả thủ tục hành chính của BHXH quận Đống Đa, Hà Nội… Vừa xem lại những giấy tờ này, chúng tôi vừa được nghe lại câu chuyện những tháng vừa qua mà cô sinh viên trẻ Thủy Tiên đối mặt với bệnh nan y. Cũng qua lời kể của người mẹ, quá trình điều trị bệnh của con gái hiện lên với chúng tôi; nào là truyền hóa chất này, hóa chất kia, lộ trình điều trị thế nào, chia nhỏ đợt điều trị ra sao… chúng tôi càng hiểu hơn sự phức tạp của căn bệnh ung thư – điều mà chẳng ai có thể ngờ một sinh viên còn quá trẻ lại có thể mắc phải. Không nêu một con số cụ thể, nhưng với bấy nhiêu sự phức tạp cùng những loại thuốc, hóa chất đắt đỏ điều trị căn bệnh bệnh ung thư, chúng tôi biết, chi phí khám, chữa bệnh của Thủy Tiên chắc chắn không phải là một con số nhỏ. Bệnh của cháu được phát hiện sớm nên quá trình điều trị sẽ thuận lợi hơn, dù vậy vợ chồng chúng tôi cũng xác định sẽ phải bền bỉ trong một thời gian dài, thật may mắn là trên hành trình ấy Thủy Tiên và gia đình có sự đồng hành của BHYT. Với Thủy Tiên, may mắn hơn vì em có thời gian tham gia BHYT trên 5 năm liên tục nên sẽ không phải cùng chi trả nữa khi phần chi phí này đã quá 06 tháng tiền lương cơ sở.
Bệnh tật không chừa một ai
Là những người làm báo theo dõi mảng y tế và nhất là về BHYT, trong suốt quá trình tác nghiệp, chúng tôi gặp nhiều trường hợp mắc bệnh nặng và được Quỹ BHYT chi trả chi phí cao. Dù vậy, câu chuyện của cô sinh viên Đặng Trần Thủy Tiên quả thật gợi lên trong chúng tôi nhiều sự xúc động. Em còn quá trẻ. Điều đáng nói hơn, những người trẻ như em, không ít các bạn sinh viên còn đang quá thờ ơ với sức khỏe của chính bản thân mình: lối sống sinh hoạt, ăn, ngủ thiếu lành mạnh và tắc trách hơn là không tham gia BHYT dù mức đóng chỉ vài trăm nghìn đồng, được Nhà nước hỗ trợ một phần mức đóng. Cũng không ít các bạn trẻ còn đang giữ quan điểm hết sức chủ quan: mình còn trẻ, có ốm đau cũng chỉ qua loa, vài viên thuốc tự mua là xong. Nhưng câu chuyện của cô gái ở tuổi 19 như đã kể trên hẳn sẽ làm nhiều bạn trẻ phải suy nghĩ lại. Đúng lời của Thủy Tiên đã nhắn nhủ: Bệnh tật không chừa một ai cả, từ già đến trẻ, phải quý trọng bản thân mình hơn. Em cũng mong là những ai đang phải đương đầu với các căn bệnh hiểm nghèo như em hãy lạc quan hơn, dù chỉ còn một ngày được sống cũng hãy sống thật trọn vẹn và ý nghĩa”./.
Nguồn: Tạp chí BHXH
{loadposition baivietmoi}
Bảo hiểm xã hội tự nguyện
Hướng dẫn Cấp lại thẻ BHYT do hỏng, mất trên Cổng ...
Hướng dẫn đăng ký tài khoản trên Cổng Dịch vụ ...