Làm chính sách ở Ngã ba Đông Dương

22/02/2016 08:18 AM


Ngọc Hồi là huyện vùng cao, cách thành phố Kon Tum khoảng 60km, có 47 km đường biên giới Lào, Campuchia và có đến 5/8 xã biên giới. Với dân số 54.200 người, trong đó hộ nghèo chiếm 10,72%, hộ dân tộc thiểu số chiếm 64%, nhìn chung, đời sống kinh tế của người dân còn khó khăn. Do địa hình cách trở với nhiều dân tộc cùng sinh sống nên việc đảm bảo an sinh xã hội, tuyên truyền và thực hiện các chính sách BHXH, BHYT cho bà con cũng còn gặp nhiều trở ngại, Trong điều kiện ấy, CCVC BHXH huyện luôn nhiệt tình, hết mình phục vụ để đảm bảo quyền lợi cho bà con, góp phần thực hiện công tác an sinh xã hội trên địa bàn. Em Y Suy Múi (sinh năm 1999, là người dân tộc Đăk Tang) có thẻ BHYT đăng ký nơi KCB ban đầu tại Trạm y tế Đăk Xú. Tuy nhiên, đến khi đi KCB ở Bệnh viện huyện thì phát hiện tên của em trên thẻ BHYT là Y Suy Mũi (không đúng với tên trong giấy khai sinh). Do đó, gia đình em đã nhờ UBND xã Đăk Xú xác nhận và gửi văn bản đến BHXH huyện đề nghị chỉnh sửa lại tên. Tiếp nhận thẻ sai thông tin, cán bộ BHXH Ngọc Hồi đã nhanh chóng cấp lại thẻ BHYT mới để em được KCB kịp thời.

Kiểm tra dữ liệu thẻ BHYT tại BHXH huyện

Tương tự, chị Y Binh (thôn Đăk Mế, xã Bờ Y) vừa mới làm thủ tục sửa thẻ BHYT cho con vui vẻ cho biêt: "Mình tới đây để sửa lại tên đệm cho con do cán bộ ở xã khi lập danh sách cấp thẻ BHYT ghi sai. Cán bộ BHXH ở đây làm việc nhiệt tình lắm, mình ngồi đợi một lát là có thẻ mới. Thế là con mình yên tâm đi chữa bệnh rồi.”.

Ông Nguyễn Văn Mười - Giám đốc BHXH huyện Ngọc Hồi cho biết, đặc thù của huyện là phần lớn dân số là người dân tộc thiểu số, với 17 dân tộc anh em cùng sinh sống. Cũng do đặc điểm này mà cán bộ thôn, xã thường không nắm bắt hết được ngôn ngữ ở địa phương nên việc chuyển thông tin về nhân thân của bà con để in thẻ BHYT dễ bị sai sót.

“Sai thông tin thẻ BHYT là rất dễ xảy ra do nhiều nguyên nhân khách quan. Tuy nhiên, chúng tôi xác định cơ quan BHXH phải phối hợp giải quyết gọn gàng, làm hết sức vì quyền lợi của người có thẻ BHYT. Đối với bệnh nhân cần thẻ BHYT, BHXH huyện quán triệt cán bộ phải giải quyết ngay trong điều kiện sớm nhất có thể để bệnh nhân được hưởng quyền lợi chứ không để kéo dài vài ba ngày theo quy trình. Đối với thẻ sai thông tin, BHXH huyện đề nghị các cơ sở y tế trên địa bàn tiếp nhận bệnh nhân như bình thường, sau đó người nhà bệnh nhân mang thẻ đến cơ quan BHXH chỉnh sửa thông tin, đổi thẻ. Trung bình hằng tháng BHXH huyện đổi thẻ BHYT cho khoảng 100 trường hợp như vậy” - ông Mười chia sẻ.

Bên cạnh đó, để đảm bảo việc KCB BHYT cho người dân trên địa bàn, BHXH huyện đã có nhiều cố gắng trong công tác giám định, hướng dẫn thực hiện việc KCB BHYT; phân công cán bộ giám định thường trực tại BVĐK huyện và các trạm y tế xã, thị trấn, Bệnh xá quân dân y 732 trên địa bàn… qua đó giám sát chi phí, đảm bảo quyền lợi KCB BHYT cho người dân.

Ông Trần Văn Lực - Giám đốc BHXH tỉnh Kon Tum, nhận định: do đặc thù riêng nên hoạt động của BHXH một số huyện trên địa bàn còn không ít trở ngại. Vượt qua khó khăn, BHXH những huyện xa, huyện miền núi như Ngọc Hồi, Ia H’Drai, Sa Thầy, Kon PLông… đã nỗ lực vươn lên trên các mặt công tác. Qua đó, góp phần vào những kết quả chung của BHXH tỉnh, thực hiện thắng lợi mục tiêu đảm bảo an sinh xã hội, ổn định chính trị - xã hội của vùng chiến lược Tây Nguyên./.

                                                                                                               Trần Đức

{loadposition baivietmoi}