BHXH tỉnh: Liên tục thúc đẩy Cuộc thi Sáng kiến cải cách TTHC và giao dịch điện tử; nâng cao hiệu quả giải quyết TTHC về BHXH, BHYT, BHTN

21/09/2015 01:51 AM


Tích cực triển khai thúc đẩy Cuộc thi

Theo báo cáo của Giám đốc BHXH tỉnh Kon Tum Trần Văn Lực: Ngay sau khi BHXH Việt Nam phát động cuộc thi, BHXH tỉnh Kon Tum đã ban hành Công văn số 148/BHXH-TCHC ngày 29/6/2015 triển khai hưởng ứng cuộc thi, yêu cầu các phòng nghiệp vụ, BHXH cấp huyện phổ biến, quán triệt đầy đủ nội dung, mục đích, ý nghĩa của cuộc thi đến toàn thể viên chức và người lao động trong đơn vị; khuyến khích, động viên, tạo điều kiện thuận lợi để mọi người tham gia đạt kết quả tốt; tổ chức Lễ phát động hưởng ứng cuộc thi với sự tham gia của toàn thể công chức, viên chức BHXH tỉnh và Giám đốc BHXH cấp huyện; niêm yết công khai Quyết định, Kế hoạch, Thể lệ cuộc thi tại trụ sở BHXH tỉnh, BHXH cấp huyện; phối hợp với cơ quan truyền thông đại chúng tuyên truyền rộng rãi đến các tổ chức, cá nhân trong và ngoài ngành về mục đích, ý nghĩa cuộc thi như phát thanh, đăng tải trên các Website BHXH tỉnh và LĐLĐ tỉnh, Cổng Thông tin điện tử của UBND tỉnh, treo băng rôn tuyên truyền tại trụ sở BHXH tỉnh, BHXH cấp huyện; tổ chức huấn luyện nghiệp vụ truyền thông BHXH, BHYT, BHTN lồng ghép với kỹ năng vận động hưởng ứng cuộc thi cho lãnh đạo và cán bộ BHXH cấp huyện để phổ biến sâu rộng trong mọi tầng lớp nhân dân.

Trưởng ban Pháp chế BHXH Việt Nam Lương Anh Tuấn (đứng) phát biểu kết luận

Nâng cao hiệu quả giải quyết TTHC

Để nâng cao hiệu quả giải quyết TTHC, BHXH tỉnh chủ động triển khai hàng loạt các hoạt động như: ký hợp đồng dịch vụ với Bưu điện tỉnh vào tháng 4/2015 và chính thức triển khai thực hiện chuyển phát nhận và trả hồ sơ TTHC BHXH tại đơn vị sử dụng lao động từ đầu tháng 5/2015, góp phần tiết kiệm thời gian, công sức và chi phí đi lại của đơn vị nên nhận được sự đồng thuận cao trong dư luận xã hội, nhưng một số ít đơn vị vẫn còn tâm lý lo ngại hồ sơ bị thất lạc nên còn nghe ngóng, thăm dò trước khi sử dụng đại trà dịch vụ này.

Bố trí viên chức có kinh nghiệm đảm nhiệm các vị trí tiếp nhận và trả kết quả tại BHXH tỉnh, BHXH cấp huyện, nâng cao hiệu quả tư vấn, hướng dẫn, đồng thời trang bị đầy đủ các phương tiện làm việc theo hướng hiện đại hóa hành chính, từng bước đáp ứng yêu cầu trong điều kiện mới.

Đề xuất UBND tỉnh ban hành Công văn số 438/UBND-VX ngày 12/3/2015 chỉ đạo các đơn vị triển khai giao dịch điện tử về BHXH, BHYT, BHTN; đồng thời chủ động phối hợp với Công ty TS24 tổ chức thành công gần 15 Hội nghị tập huấn phần mềm iBHXH cho trên 300 đơn vị sử dụng lao động do BHXH tỉnh quản lý, hơn 1.000 đơn vị do BHXH cấp huyện quản lý và tổ chức hội nghị tập huấn phần mềm iQLBH cho trên 50 công chức, viên chức BHXH tỉnh và BHXH cấp huyện.

Thành lập Tổ hỗ trợ, hướng dẫn và cài đặt phần mềm iBHXH cho đơn vị sử dụng lao động theo 3 hình thức là trực tiếp tại đơn vị sử dụng lao động, tại BHXH tỉnh và qua mạng internet. Tính đến cuối tháng 8/1015, có 465/1.524 đơn vị đã được cài đặt, lập dữ liệu điện tử đến cơ quan BHXH qua phần mềm iBHXH, đạt 30,51%, có 429/1.524 đơn vị đã thực hiện giao dịch qua mạng internet, đạt 28,15%, tiếp nhận 676/18.694 hồ sơ và trả kết quả 962/18.694 hồ sơ qua dịch vụ bưu chính, trong đó có 757/18.649 hồ sơ được thực hiện giao dịch qua mạng internet.

Để tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động trên mọi lĩnh vực của ngành trong thời gian tới, tại buổi làm việc, Giám đốc BHXH tỉnh Kon Tum Trần Văn Lực rất mong tiếp tục nhận được quan tâm sâu sát, kịp thời của BHXH Việt Nam và đề nghị lãnh đạo BHXH Việt Nam xem xét bổ sung biên chế cán bộ làm đầu mối thực hiện công tác pháp chế cho địa phương do hiện nay BHXH các tỉnh, thành phố chưa có cán bộ pháp chế chuyên trách; cần có quy định lộ trình riêng về thực hiện giao dịch điện tử đối với các tỉnh đặc thù của khu vực Tây Nguyên do phần lớn các doanh nghiệp hoạt động ở quy mô nhỏ, có trụ sở làm việc ở vùng sâu, vùng xa, số lao động rất ít, cơ sở vật chất nghèo nàn, chưa đáp ứng các điều kiện giao dịch điện tử trong giai đoạn hiện nay; đồng chí cũng nêu rõ, thời gian qua việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong cải cách TTHC cho thấy phần mềm iQLBH thường bị lỗi, hệ thống báo cáo thiếu chính xác, thời gian đồng bộ giữa 2 phần mềm iBHXH và iQLBH còn chậm, do đó, BHXH Việt Nam cần đôn đốc các nhà cung cấp dịch vụ I-VAN sớm xây dựng phần mềm kê khai hồ sơ tương thích với nhiều nhà cung cấp chữ kỹ số khác nhau để nâng cao hiệu quả ứng dụng, phục vụ tốt các đơn vị sử dụng lao động, đối tượng trong tham gia và thụ hưởng BHXH, BHYT, BHTN.

Phát biểu buổi làm việc, Trưởng ban Pháp chế BHXH Việt Nam Lương Anh Tuấn ghi nhận sự tích cực của BHXH tỉnh đã mang lại một số kết quả đáng khích lệ và yêu cầu thời gian tới BHXH tỉnh thực hiện tốt một số nội dung: Tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền Cuộc thi một cách cụ thể đến rộng rãi các cấp, ngành, tổ chức, cá nhân và các tầng lớp nhân dân, nhằm thu hút tối đa số người tham gia dự thi và số lượt bài thi, thực hiện các giải pháp vận động, khuyến khích để đạt mục tiêu 100% công chức, viên chức trong ngành tham gia; phối hợp với cơ quan bưu chính tổ chức tập huấn nâng cao kỹ năng cho cán bộ bưu chính trong thực hiện việc giao nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết TTHC trong lĩnh vực BHXH, BHYT, BHTN; tăng cường các nhóm giải pháp thúc đẩy tiến trình giao dịch điện tử trong lĩnh vực BHXH đạt mục tiêu theo lộ trình; thực hiện nghiêm Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 10/6/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước các cấp trong công tác cải cách TTHC./.

                                                                                                   Thái Đông Hải

{loadposition baivietmoi}