Tham gia BHYT hộ gia đình vừa là trách nhiệm vừa là cơ hội được chia sẻ với cộng đồng

27/02/2015 06:30 AM


 plSon 100215.jpg

Ông Phạm Lương Sơn

Phóng viên (PV): Thưa ông, hiện nay, nhiều người dân muốn mua BHYT hộ gia đình nhưng một lúc phải bỏ ra hàng triệu đồng để mua nên đa phần rất bức xúc. Vậy, phải hiểu BHYT theo hộ gia đình là BHYT tự nguyện hay bắt buộc?

Ông Phạm Lương Sơn: BHYT là loại hình bảo hiểm “lúc khỏe mua thẻ để tích lũy cho lúc ốm”, nhưng từ trước đến nay, đa số người dân Việt Nam đều “lựa chọn ngược” là đến lúc ốm hoặc ốm nặng mới đi mua BHYT. Sở dĩ phải "luật hóa" việc tham gia BHYT theo hộ gia đình là để khắc phục tình trạng nhiều gia đình chỉ chọn mua BHYT cho những người ốm, người bị bệnh mạn tính, chưa có ý thức mua cho toàn bộ thành viên trong gia đình để phòng khi ốm đau và chia sẻ rủi ro cho người khác. Điều này dẫn đến việc quỹ BHYT cho đối tượng tự nguyện luôn bội chi; mục đích chia sẻ rủi ro của bảo hiểm chưa đạt được. Bởi vậy, người dân khi phải bỏ hàng triệu đồng mua BHYT cho cả gia đình, Nhà nước đã có các phương án để hỗ trợ gia đình nghèo, khó khăn, chia thành nhiều loại đối tượng để hỗ trợ tiền mua thẻ BHYT. Hiện có tới 13 nhóm đối tượng được cấp thẻ miễn phí như: Trẻ em dưới 6 tuổi, người nghèo, thân nhân người có công, cán bộ xã, phường nghỉ hưu… Ngoài ra còn có 3 nhóm đối tượng được hỗ trợ một phần như người cận nghèo được hỗ trợ 70% tiền mua thẻ, thậm chí, nhiều tỉnh còn chi thêm ngân sách để hỗ trợ thêm 10-30% còn lại; hỗ trợ 50% cho đối tượng học sinh, sinh viên; nông, ngư, diêm dân có mức thu nhập trung bình cũng được hỗ trợ 30%...

PV: Tại sao Luật Sửa đổi bổ sung một số điều của Luật BHYT lại bổ sung quy định hộ gia đình tham gia BHYT?

Ông Phạm Lương Sơn: Luật đã quy định để đạt được BHYT toàn dân, đến thời điểm này phải làm hai việc, thứ nhất là bắt buộc phải mua chứ không còn là trách nhiệm chung chung nữa và thứ hai là phải mua theo hộ gia đình, vì gia đình là tế bào của xã hội và bản chất của BHXH không phải quỹ tương trợ, mà đó là cơ chế tài chính để chia sẻ rủi ro giữa cộng đồng những người tham gia. Vậy thì ngay bản thân trong hộ gia đình các thành viên phải có trách nhiệm đối với nhau, sau đó có trách nhiệm với cộng đồng, rồi từ đó cộng đồng mới có trách nhiệm với cá nhân. Bởi vậy, quy định mới của BHYT nhằm mục đích khuyến khích tất cả người dân tham gia BHYT để cùng chia sẻ quyền lợi, trách nhiệm cho cá nhân và xã hội. Số tiền người thứ hai trong hộ gia đình mua BHYT tự nguyện chỉ bằng 70% số tiền người thứ nhất đóng, còn người thứ ba, thứ tư lần lượt có mức đóng là 60% và 50% so với mức đóng của người thứ nhất. Số tiền đóng giảm dần nhằm khuyến khích hộ gia đình cùng tham gia.

PV: Khi mua BHYT hộ gia đình, người dân bức xúc vì thủ tục rắc rối trong khi cán bộ xã, phường lại lúng túng trong việc hướng dẫn và giải thích cho người dân về chế độ, quyền lợi và những thủ tục phải làm. Ông có ý kiến gì về vấn đề này?

Ông Phạm Lương Sơn: Theo báo cáo của BHXH các tỉnh, thành phố, hầu hết đã triển khai tập huấn cho các đại lý. Nhưng trong quá trình thực hiện, họ vẫn còn áp dụng máy móc khi mà danh sách đăng ký tham gia theo hộ gia đình có một số thông tin như: Họ và tên, mã thẻ BHYT đối với những thành viên tham gia theo hình thức khác, có một số trường hợp người đại diện không nhớ mã thẻ. Ngay cả các cơ sở y tế cũng gặp không ít lúng túng khi triển khai Luật BHYT sửa đổi, trong đó có quy định đối với 47 nhóm bệnh chỉ cần xin giấy chuyển tuyến 1 lần. Trước đây, người bệnh muốn chuyển tuyến phải xin giấy từ tuyến 3 lên tuyến 2 rồi mới tới tuyến 1, nhưng trong trường hợp tuyến 2 không làm được, bệnh nhân có thể được chuyển thẳng từ tuyến huyện lên tuyến Trung ương. Với 47 nhóm bệnh gồm: Lao (các loại), phong, HIV/AIDS, ung thư, đái tháo đường, suy tuyến giáp, tim (có can thiệp, sau phẫu thuật van tim, đặt máy tạo nhịp), phổi tắc nghẽn mạn tính... người bệnh chỉ cần giấy chuyển tuyến 1 lần trong 1 năm (dương lịch) và tái khám theo lịch hẹn của bác sĩ thì sẽ được quỹ BHYT chi trả theo quy định.

Bởi vậy, cần đơn giản hóa nhất thủ tục hành chính khi người dân muốn tham gia BHYT theo hộ gia đình (theo nhóm 5). Đành rằng khi đăng ký mua BHYT kê khai ra phải cung cấp đủ thông tin bao gồm họ và tên, mã thẻ BHYT của người đã tham gia theo hình thức khác. Thậm chí có cả những thông tin về nhân thân, nhưng trong trường hợp người đại diện hộ gia đình đó không nhớ hết hoặc vì lý do bất khả kháng như thành viên trong hộ gia đình đi công tác xa, đi học xa, đi du lịch hay vì bất kỳ lý do nào khác thì người đại diện đó có thể tự khai và chịu trách nhiệm, cam kết về độ chính xác, độ tin cậy về những thông tin đã được khai. Trách nhiệm của cơ quan BHXH và UBND cấp xã là hậu kiểm. Khi hậu kiểm mà phát hiện những sai sót thông tin quy định, chúng ta hoàn toàn có chế tài để xử lý kể cả việc thu hồi thẻ.

PV: Nếu trong cùng gia đình đều có thẻ bảo hiểm nhưng thời giangia hạn khác nhau trong năm thì phải tính thế nào, thưa ông?

Ông Phạm Lương Sơn: Trước hết, xác định là thẻ có giá trị đến đâu thì vẫn tiếp tục sử dụng thẻ đến đó. Chúng tôi đang nghiên cứu một nguyên tắc xác định đến thời điểm nào có thể đồng nhất, hay nói cách khác, quy nạp thời gian cho hộ gia đình đó. Tôi nói ví dụ trong hộ gia đình có người tháng 2, có người tháng 3, có người tháng 5 hết hạn. Chúng tôi đang đưa ra một nguyên tắc quy nạp và sẽ cộng thời gian đó để lấy một mốc trung bình để hộ gia đình đó tham gia một cách đầy đủ. Tuy nhiên, tham gia đầy đủ để tính mức giảm trừ cho người đóng thứ hai trở đi, còn thẻ BHYT của người đang sử dụng vẫn được sử dụng.

PV: Xin cảm ơn ông về cuộc đối thoại này!
                                                                                               baohiemxahoi.gov.vn
{loadposition baivietmoi}