Nâng cao hiệu quả sử dụng quỹ BHYT thông qua đánh giá công nghệ y tế

14/12/2023 09:06 AM


Ngày 13/12, tại Hà Nội, Bộ Y tế và Tổng hội Y học Việt Nam tổ chức Hội nghị đánh giá công nghệ y tế 2023, với chủ đề "Nâng cao hiệu quả sử dụng bằng chứng đánh giá công nghệ y tế trong xây dựng gói quyền lợi BHYT".

Công cụ quan trọng trong hoạch định chính sách y tế

Hội nghị đánh giá công nghệ y tế được tổ chức hằng năm, nhằm mục tiêu phát triển năng lực đánh giá công nghệ y tế tại Việt Nam và tăng cường ứng dụng vào việc xây dựng chính sách y tế, đặc biệt là chính sách BHYT. Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết, hiện nay, tại nhiều quốc gia trên thế giới, đánh giá công nghệ y tế đã và đang được coi là công cụ quan trọng đối với quá trình thiết lập ưu tiên và hoạch định chính sách y tế, đặc biệt trong việc xây dựng các gói quyền lợi BHYT.

Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn phát biểu tại Hội nghị

Tại Việt Nam, trong bối cảnh nguồn lực dành cho y tế còn hạn chế, trong khi nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân ngày càng cao, đòi hỏi quỹ BHYT cần phải bao phủ nhiều dịch vụ y tế một cách hiệu quả hơn. Do đó, đánh giá công nghệ y tế đã trở thành công cụ cần thiết được phát triển và ứng dụng trong quá trình hoạch định chính sách y tế, bao gồm chính sách BHYT.

Chiến lược quốc gia bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân giai đoạn 2011-2020, tầm nhìn đến năm 2030 cũng đã nêu rõ nhiệm vụ quan trọng của hệ thống y tế là: “Xây dựng các tiêu chuẩn và triển khai công tác đánh giá công nghệ y tế để xác định các can thiệp y tế có hiệu lực, hiệu quả, chi phí thấp, bảo đảm chất lượng dịch vụ y tế”. Những năm vừa qua, Bộ Y tế đã và đang phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan xây dựng các chính sách, trong đó ứng dụng các bằng chứng về đánh giá công nghệ y tế như đàm phán giá với các đơn vị cung ứng, lựa chọn các can thiệp y tế để xây dựng danh mục thuốc BHYT…

Nghị quyết số WHA67.23 của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) về đánh giá ccông nghệ y tế, thúc đẩy thực hiện bao phủ sức khỏe toàn dân khẳng định: “Vai trò quan trọng của đánh giá công nghệ y tế trong cung cấp bằng chứng phục vụ quá trình xác định ưu tiên, lựa chọn, sử dụng và quản lý các can thiệp và công nghệ y tế cho dự phòng, nâng cao sức khỏe, chẩn đoán, điều trị bệnh tật và nâng cao sức khỏe”. Theo các chuyên gia, việc xây dựng gói quyền lợi chăm sóc sức khỏe chính là hiện thực hóa mục tiêu bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân, cả về chiều cao và chiều sâu (bao phủ dịch vụ và bao phủ bảo vệ tài chính).

Các đại biểu tham dự Hội nghị

Tại Hội nghị, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà hoạch định chính sách và đại biểu trong và ngoài nước đã thảo luận về những kết quả trong đánh giá công nghệ y tế; chia sẻ kinh nghiệm, chính sách quốc tế về ứng dụng bằng chứng đánh giá công nghệ y tế trong việc xây dựng gói quyền lợi. Các đại biểu cũng giới thiệu quy trình, phương pháp, kỹ thuật và dữ liệu để thực hiện nghiên cứu đánh giá công nghệ y tế.

Kiểm soát cân đối thu-chi quỹ BHYT

Chia sẻ tại Hội nghị, bà Vũ Nữ Anh- chuyên viên Vụ BHYT (Bộ Y tế) cho biết, đánh giá công nghệ y tế là công cụ quan trọng trong việc xây dựng, lựa chọn chính sách can thiệp y tế (cộng đồng, dự phòng, vắc-xin…); xây dựng danh mục chi trả của quỹ BHYT (danh mục dịch vụ kỹ thuật, thuốc, vật tư y tế…) và trong đàm phán giá giữa nhà chi trả và nhà cung cấp (đàm phán giá, cam kết…).

Bà Vũ Nữ Anh chia sẻ thông tin về đánh giá công nghệ y tế

Thời gian qua, việc triển khai thực hiện chính sách BHYT tại Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu, trong đó tỷ lệ bao phủ BHYT không ngừng được mở rộng qua các năm. Hiện nay, tỷ lệ bao phủ BHYT là 92% dân số, quyền lợi của người tham gia BHYT ngày càng được đảm bảo và mở rộng, được tiếp cận thêm nhiều thuốc, vật tư y tế tốt, dịch vụ kỹ thuật cao trong phạm vi chi trả của quỹ BHYT.

Trước năm 2016, thu quỹ BHYT luôn cao hơn số chi quỹ BHYT và có kết dư. Tuy nhiên, trong giai đoạn 2016-2019, quỹ BHYT phải đối mặt với tình trạng mất cân đối thu chi rất lớn. “Năm 2019, quỹ BHYT đã bội chi 2.323 tỷ đồng. Để khắc phục, ứng dụng bằng chứng đánh giá công nghệ y tế là một giải pháp hữu hiệu góp phần kiểm soát vấn đề cân đối thu-chi quỹ BHYT”- bà Vũ Nữ Anh nhấn mạnh.

Cũng theo đại diện Vụ BHYT, WHO khuyến nghị định hướng phát triển hệ thống HTA- tăng cường ứng dụng vào quá trình xây dựng chính sách BHYT gồm 5 yếu tố: Chính sách, quy định; nhân lực; CSDL; nguồn kinh phí; các yếu tố khác (nhận thức, hợp tác của các bên…). Đối với chính sách, quy định pháp luật cần quy định ứng dụng HTA trong xây dựng gói quyền lợi BHYT; xây dựng nguyên tắc tiêu chí, quy trình xét duyệt, hồ sơ và ban hành dưới dạng thông tư; xây dựng báo cáo hướng dẫn thực hiện đánh giá công nghệ y tế.

Đối với vấn đề nhân lực, đại diện Vụ BHYT đề nghị thành lập Hội đồng xét duyệt danh mục thuốc có Tiểu ban Đánh giá kinh tế dược. Bên cạnh nâng cao chất lượng nhân lực, cần xây dựng và hoàn thiện CSDL phục vụ đánh giá công nghệ y tế, trong đó bao gồm bộ câu hỏi EQ5D-5L chuẩn hóa tại Việt Nam, xác định ngưỡng chi trả chung/ngưỡng chi trả cho các mức độ bệnh tật và xây dựng bộ dữ liệu chi phí chuẩn về dịch vụ y tế. Xây dựng Bộ chỉ số của Hệ thống thông tin Bộ Y tế- chỉ số phục vụ hoạt động HTA. Đồng thời, có cơ chế chia sẻ thông tin giữa các cơ quan, đặc biệt giữa Bộ Y tế với BHXH Việt Nam và đơn vị nghiên cứu.

Ngoài ra, cần nâng cao nhận thức, kiến thức, thái độ của các bên liên quan (các nhà hoạch định chính sách, cơ sở y tế, đơn vị giảng dạy và nghiên cứu về y tế) về tầm quan trọng của bằng chứng HTA trong quá trình hoạch định chính sách; tăng cường chia sẻ thông tin, hợp tác trong các hoạt động có liên quan đến HTA giữa các cá nhân, đơn vị, tổ chức trong và ngoài nước.

tapchibaohiemxahoi.gov.vn