Đề xuất bổ sung thẩm quyền thanh tra cho cơ quan BHXH

16/04/2023 07:52 AM


Ngày 14/4, tại TP.HCM, Tổng LĐLĐ Việt Nam và Bộ LĐ-TB&XH đồng chủ trì Hội thảo về góp ý Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi).

Tại Hội thảo, một số ý kiến cho rằng Luật mới cần bổ sung thẩm quyền thanh tra toàn diện các mặt về chấp hành chế độ, chính sách pháp luật về BHXH, BHYT của người SDLĐ và người tham gia, thụ hưởng chế độ, chính sách cho cơ quan BHXH nhằm bảo vệ tốt nhất quyền lợi cho NLĐ.

Hội thảo về Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) phía Nam

Ông Trần Văn Triều- Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật (LĐLĐ TP.HCM) nhận định, trong quá trình tư vấn, bảo vệ quyền lợi cho NLĐ, đặc biệt là về quyền lợi, chế độ chính sách BHXH, BHYT, Trung tâm nhận thấy rằng, vai trò của cơ quan BHXH rất quan trọng. Các hành vi vi phạm Luật BHXH không chỉ diễn ra ở việc đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp, mà còn ở việc mua bán sổ BHXH; mua bán, cấp khống giấy tờ; làm giả giấy tờ, khai man thời gian công tác; nâng khống mức đóng, gửi đóng, khai khống hồ sơ để trục lợi hưởng BHXH; giám định hưởng chế độ BHXH. Rồi tình trạng DN cố tình giữ sổ BHXH, giữ tiền ốm đau, thai sản của NLĐ. Bên cạnh đó, là cấp khống giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH để hưởng chế độ ốm đau; tuyển lao động là phụ nữ mang thai, thực hiện đăng ký đóng BHXH nhưng thực tế không làm việc tại đơn vị để trục lợi BHXH thông qua việc giải quyết hưởng chế độ thai sản khi sinh con...

“Nhưng, thực tế hiện nay cơ quan BHXH mới chỉ có chức năng thanh tra chuyên ngành về đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp. Trong khi đó, các chế độ, quyền lợi khác như kể trên về BHXH, BHYT, BH thất nghiệp liên quan rất nhiều đến NLĐ. Rõ ràng, quy định như vậy là quá hạn hẹp, cần phải mở rộng. Cụ thể, Luật BHXH (sửa đổi) nên bổ sung thêm chức năng thanh tra toàn diện về chính sách BHXH, bao gồm cả thanh tra chuyên ngành việc chấp hành pháp luật về BHXH, BHYT, BH thất nghiệp của NSDLĐ và người tham gia, thụ hưởng chế độ, chính sách… cho cơ quan BHXH. Như vậy, việc xử lý các vi phạm trực tiếp liên quan đến chế độ, chính sách và quyền lợi NLĐ sẽ thuận lợi hơn”, ông Triều góp ý.

Ông Trần Văn Triều- Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật (LĐLĐ TP.HCM)

Về vấn đề này, số liệu thống kê của BHXH Việt Nam cho thấy, qua 6 năm thực hiện thanh tra chuyên ngành về đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp số nợ phải tính lãi đã giảm dần qua các năm. Nếu như năm 2016 tỷ lệ nợ là 2,95%; năm 2017 là 1,97%; năm 2018 là 1,72%; thì đến năm 2019 tỷ lệ nợ còn là 1,63%. Do ảnh hưởng của dịch Covid -19 tỷ lệ nợ đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp của năm 2020, 2021 tăng so với các năm trước đó. Nhưng, đến năm 2022, tỷ lệ nợ đã giảm còn 2,91%.

Trong khi đó, theo đại diện Lãnh đạo Phòng Thanh tra, kiểm tra cơ quan BHXH các tỉnh phía Nam, thực tiễn công tác thanh tra cho thấy, cơ quan BHXH gặp rất nhiều khó khăn, hạn chế, khi chưa có chức năng thanh tra chuyên ngành về thanh toán, chi trả, hưởng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp. Bởi lẽ, khi phát hiện các hành vi sai phạm hoặc có dấu hiệu trục lợi quỹ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp cơ quan BHXH các tỉnh, thành chỉ có thể từ chối thanh toán hoặc yêu cầu hoàn trả về quỹ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp và kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý. Tuy nhiên nhiều hành vi vi phạm trong lĩnh vực thanh toán BHXH, BHYT đã được cơ quan BHXH phát hiện, kiến nghị nhưng lại chưa được cơ quan có chức năng liên quan xử lý kịp thời, dẫn đến thiệt thòi quyền lợi cho NLĐ.

Đánh giá cao vai trò của chính sách BHXH với NLĐ, ông Vũ Ngọc Hà- Giám đốc Trung tâm tư vấn pháp luật (LĐLĐ tỉnh Đồng Nai) thông tin, trong quá trình tư vấn pháp luật cho NLĐ trên địa bàn, thống kê cho thấy có đến 60% câu hỏi của NLĐ là liên quan đến chính sách BHXH.

Ông Ngọ Duy Hiểu- Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam đánh giá, các ý kiến đóng góp của đại biểu Công đoàn phía Nam đều rất xác đáng, có tính xây dựng cao. Tổng LĐLĐ Việt Nam sẽ tổng hợp, đánh giá và phối hợp cùng với Bộ LĐ-TB&XH để có phương án tối ưu, hiệu quả nhất khi tiếp tục nghiên cứu, xây dựng Luật BHXH (sửa đổi).

tapchibaohiemxahoi.gov.vn