Ngành BHXH Việt Nam: Nỗ lực triển khai đồng bộ các giải pháp thực hiện chính sách BHXH, BHYT

08/10/2022 04:20 PM


Trong những năm qua, toàn ngành BHXH Việt Nam đã nỗ lực thực hiện tốt nhiều nhiệm vụ được giao, được các cấp, các ngành ghi nhận và đánh giá cao.

Theo BHXH Việt Nam, công tác phát triển người tham gia BHXH, BHYT có vai trò đặc biệt quan trọng trong thực hiện các nhiệm vụ chính trị của Ngành; cũng như thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ, từng bước mở rộng vững chắc, tiến tới mục tiêu bao phủ BHXH, BHYT toàn dân mà Đảng, Nhà nước đã đề ra.

Cụ thể: Đã xây dựng, triển khai các kịch bản tổ chức thực hiện công tác thu, phát triển người tham gia BHXH, BHYT; chỉ đạo, hướng dẫn BHXH các địa phương triển khai thực hiện và đảm bảo linh hoạt, phù hợp với tình hình kinh tế-xã hội. Phối hợp các đơn vị liên quan kê khai mã số BHXH phục vụ, kết nối, chia sẻ dữ liệu với CSDL quốc gia về dân cư; phối hợp và đề nghị UBND các tỉnh chỉ đạo các sở, ban ngành tại địa phương triển khai công tác phát triển người tham gia; thu hồi khoản tiền chậm đóng, trốn đóng cũng như tuyên truyền việc thực hiện chính sách trên địa bàn.

BHXH các địa phương chủ động tham mưu cho chính quyền địa phương giao chỉ tiêu phát triển người tham gia đến cấp xã, đề xuất ngân sách địa phương, các DN hỗ trợ thêm mức đóng cho người dân tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình; rà soát, đánh giá tình hình biến động tăng, giảm lao động và dự kiến nhu cầu sử dụng lao động năm 2022 trên địa bàn; đẩy mạnh rà soát dữ liệu người chưa tham gia trên CSDL do cơ quan Thuế cung cấp, xây dựng kế hoạch theo tuần, tháng, quý để đôn đốc DN tham gia đầy đủ; cập nhật phân loại đối tượng tiềm năng chưa tham gia BHXH, BHYT theo từng địa bàn cấp xã; tổ chức linh hoạt hình thức thanh tra, kiểm tra chuyên ngành đóng đối với đơn vị chưa tham gia, tham gia không đầy đủ, DN chậm đóng từ 3 tháng trở lên, kiên quyết xử phạt các hành vi vi phạm, kịp thời lập hồ sơ khởi tố đối với DN cố tình vi phạm… Nhờ đó, đến hết tháng 9/2022, toàn quốc đã phát triển được trên 17,2 triệu người tham gia BHXH, chiếm gần 35% lực lượng lao động trong độ tuổi (trong đó đã vận động được trên 1,5 triệu người tham gia BHXH tự nguyện)…

Bên cạnh các giải pháp phát triển người tham gia BHXH, BHYT, ngành BHXH Việt Nam đã tiếp nhận và giải quyết kịp thời chế độ cho NLĐ mắc Covid-19 có hồ sơ đúng theo quy định Luật BHXH 2014. Cụ thể, từ ngày 1/1/2022 đến 30/8/2022, với số lượng hồ sơ đơn vị SDLĐ đề nghị giải quyết hưởng chế độ ốm đau bằng 164% so với cùng kỳ năm 2021, ngành BHXH Việt Nam đã bố trí đủ nhân lực làm thêm ngoài giờ, rút ngắn 1/2 thời gian giải quyết hưởng chế độ so với quy định của luật; chuẩn bị đầy đủ kinh phí để kịp thời chi trả chế độ ốm đau cho trên 2,3 triệu lượt người do nhiễm Covid-19 với số tiền 2.963 tỷ đồng.

Đặc biệt, với những giấy tờ không được cấp đúng quy định, BHXH Việt Nam phối hợp cùng các bộ, ngành liên quan báo cáo, đề nghị Chính phủ tháo gỡ vướng mắc. Đồng thời, BHXH Việt Nam có công văn yêu cầu BHXH các tỉnh chuẩn bị sẵn sàng mọi nguồn lực để kịp thời tổ chức tiếp nhận và giải quyết chế độ ốm đau đối với NLĐ theo quy định mới- ngay sau khi cấp có thẩm quyền ban hành quy định, sửa đổi, bổ sung về hồ sơ làm căn cứ giải quyết hưởng chế độ ốm đau đối với NLĐ bị mắc Covid-19.

Báo cáo của BHXH Việt Nam cũng cho thấy, sau 6 năm thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành đóng BHXH, BHYT, công tác thu hồi tiền chậm đóng, trốn đóng, giảm tỷ lệ chậm đóng đã đạt được hiệu quả rõ rệt so với giai đoạn chỉ thực hiện chức năng kiểm tra trước đây. Tỷ lệ chậm đóng phải tính lãi đã giảm dần (năm 2016 là 2,7%, năm 2017 là 2,2%, năm 2018 là 1,7%, năm 2019 là 1,6%). Cùng với đó, từ năm 2018 đến hết tháng 8/2022, đã có 42/63 BHXH địa phương thực hiện kiến nghị khởi tố hành vi vi phạm pháp luật lĩnh vực BHXH, BHYT. Cơ quan BHXH đã kiến nghị khởi tố tổng số 382 vụ (trong đó có 17 vụ theo Điều 214, 3 vụ theo Điều 215, 362 vụ theo Điều 216) và đã khởi tố được 12 vụ, 118 vụ đang trong thời hạn giải quyết.

Tuy nhiên, để nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, theo BHXH Việt Nam, Quốc hội và Chính phủ cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung hệ thống văn bản pháp luật (Luật Thanh tra, Luật BHXH, Luật BHYT, Luật Việc làm) để ngành BHXH Việt Nam được thành lập cơ quan thanh tra. Từ đó, thực hiện hiệu quả chức năng thanh tra chuyên ngành trong các lĩnh vực quản lý của Ngành; cũng như thực hiện tốt mục tiêu đề ra tại Nghị quyết số 68/2013/QH13 như “chấn chỉnh, nâng cao y đức và chất lượng KCB, xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật về KCB BHYT”. Chỉ khi cơ quan BHXH được triển khai đồng bộ chức năng thanh tra chuyên ngành đóng với thanh tra chi trả chế độ mới đảm bảo thống nhất quy trình thực hiện và kiểm soát, hạn chế tình trạng lạm dụng, trục lợi quỹ BHXH, BHYT...

Ngoài ra, BHXH Việt Nam cũng đề nghị Quốc hội, Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan có hướng dẫn cụ thể, chi tiết hơn xác định các hành vi “trốn đóng, gian dối hoặc bằng thủ đoạn khác để không đóng, không đóng đầy đủ” theo Điều 216 Bộ luật Hình sự. Đồng thời, trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao, BHXH Việt Nam tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan để thống nhất giải quyết hoặc đề xuất, trình Quốc hội, Chính phủ và cơ quan có thẩm quyền có các biện pháp giải quyết, đảm bảo tốt nhất quyền lợi của người tham gia BHXH, BHYT.

Theo tapchibaohiemxahoi.gov.vn