Doanh nghiệp và người dân là yếu tố then chốt phục hồi kinh tế
10/02/2022 09:29 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
“Để khôi phục kinh tế, cần sự vào cuộc của toàn bộ hệ thống chính trị, trong đó doanh nghiệp (DN) và người dân phải là yếu tố then chốt quyết định mức độ hồi phục của kinh tế”- đây là chia sẻ của Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng với báo chí nhân dịp Xuân Nhâm Dần 2022.
* Năm 2021 qua đi với rất nhiều khó khăn, Bộ KH-ĐT cũng đã đóng góp rất lớn cho Chính phủ về công tác xây dựng hoạch định chính sách, gỡ khó cho DN, khơi thông nội lực của nền kinh tế. Vậy, còn những trăn trở là gì, thưa Bộ trưởng?
- Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng:
Thời gian qua, Bộ KH-ĐT đã tham mưu cho Đảng, Quốc hội, Chính phủ tìm các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho người dân và DN, nhưng điều khiến bản thân tôi còn nhiều trăn trở, đó là sức lực của nhiều DN đang bị bào mòn trong khi tình hình dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp. Tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị vẫn chưa thể khôi phục hoàn toàn trong thời gian tới, sẽ tiếp tục gây ảnh hưởng lớn tới các DN. Bên cạnh đó, vẫn còn một số tồn tại trong khâu thực thi các chính sách, giải pháp hỗ trợ DN. Việc triển khai một số chính sách còn khá cứng nhắc, thiếu thống nhất ở một số địa phương, gây khó khăn cho đối tượng hỗ trợ.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng
Tôi thấy điều DN mong mỏi nhất từ các cơ quan, chính quyền, đó là vấn đề đơn giản hóa các thủ tục, đảm bảo tính minh bạch, rõ ràng, nhất quán trong thực thi triển khai các quy định, chính sách trên toàn quốc; tính công bằng, minh bạch và thái độ phục vụ sát cánh cùng DN của đội ngũ cán bộ cấp thực thi.
Do đó, trong thời gian tới cần tiếp tục quán triệt quan điểm hỗ trợ tối đa cho DN phát triển; coi việc thực hiện các giải pháp, chính sách hỗ trợ phát triển DN và khôi phục nền kinh tế là nhiệm vụ trọng yếu, cấp bách, cần sự vào cuộc của toàn bộ hệ thống chính trị.
* Như Bộ trưởng vừa chia sẻ, để khôi phục kinh tế, thì cần sự vào cuộc của toàn hệ thống chính trị. Vậy DN, người dân có phải là yếu tố then chốt quyết định mức độ hồi phục của kinh tế hay không, thưa Bộ trưởng?
- Tôi cho rằng, ở mọi quốc gia, sự đồng lòng, đồng thuận của người dân và DN đối với các quyết sách, quyết định của Chính phủ đóng vai trò quan trọng, quyết định sự thành bại của chính sách đó. Ông cha ta đã có câu: “Tư tưởng không thông vác bình tông cũng nặng”. Trong bối cảnh phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do dịch bệnh Covid-19 gây ra, ý chí kiên cường của dân tộc Việt Nam đã được phát huy hơn bao giờ hết; người dân đồng lòng cùng chính quyền chống dịch.
Về phía DN, ngay từ đầu năm 2020, cộng đồng DN, doanh nhân đã nêu cao tinh thần chia sẻ, đồng hành cùng đất nước, vượt khó, tự lực, tự cường, nỗ lực thích ứng với hoàn cảnh khó khăn để duy trì sản xuất kinh doanh và việc làm cho NLĐ. Không chỉ chia sẻ khó khăn, hỗ trợ lẫn nhau trong sản xuất, các DN còn có nhiều hoạt động nhằm hỗ trợ người dân, đóng góp lớn về tài chính vào Quỹ vắc-xin phòng chống Covid-19 và mua sắm vật tư, trang thiết bị y tế cho các địa phương, thể hiện tinh thần trách nhiệm, nghĩa cử cao đẹp của DN Việt Nam đối với đất nước. Nhiều sáng kiến được triển khai như ATM gạo, ATM oxy, bữa cơm miễn phí, siêu thị 0 đồng…
Chính vì vậy, tinh thần đoàn kết, sự đồng thuận của toàn bộ hệ thống chính trị, DN, người dân luôn là yếu tố then chốt quyết định mức độ hồi phục của kinh tế trong thời gian tới.
* Với mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2022 là 6-6,5%, dự cảm của Bộ trưởng về triển vọng kinh tế của Việt Nam sẽ như thế nào khi thực tế khó khăn hơn?
- Dịch Covid-19 đã gây khó khăn không chỉ trong lĩnh vực kinh tế, mà còn cả vấn đề xã hội. Trong năm 2021, có 119.800 DN tạm ngừng kinh doanh, trong đó có gần 55.000 DN rút lui khỏi nền kinh tế. Thiếu việc làm dẫn đến cắt giảm chi tiêu và tổng cầu của nền kinh tế giảm sâu. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng 11 tháng giảm 10,4%, ảnh hưởng không nhỏ tới mục tiêu tăng trưởng của nền kinh tế. Giải ngân vốn đầu tư công đạt 77,8% kế hoạch năm, giảm 5% so với cùng kỳ năm 2020…
NLĐ ngành dệt may
Mặc dù kim ngạch xuất khẩu đạt con số ấn tượng với 332,25 tỷ USD, tăng 26,5% so với năm 2020, nhưng kim ngạch xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước chỉ đạt gần 88,71 tỷ USD, chiếm 26,4% tổng kim ngạch xuất khẩu và chỉ tăng 13,4% so với mức tăng 21,1% của khu vực FDI. Nông nghiệp luôn là “bệ đỡ” trong những giai đoạn khó khăn của nền kinh tế cũng gặp không ít thách thức trong năm 2021. Hiện nay, rất nhiều DN gặp khó khăn trong sản xuất và tiêu thụ hàng hóa- điều này sẽ khiến cho giá cả hàng hóa tăng cao, tạo áp lực lên lạm phát của năm 2022 đối với kinh tế nước ta đang hiện hữu.
Tuy nhiên, Việt Nam vẫn còn nhiều cơ hội và triển vọng để kinh tế phục hồi, đạt mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2022 là 6-6,5%. Cụ thể:
Thứ nhất, Việt Nam có nhiều cải thiện cả về động lực và kết quả phục hồi, phát triển kinh tế so với năm 2021. Đó là việc hoàn thành bao phủ vắc-xin vào cuối năm 2021, hoặc chậm nhất vào đầu năm 2022 là một trong những điều kiện tiên quyết để phục hồi và phát triển kinh tế. Tiêu dùng nội địa, vốn đóng góp khoảng 68-70% trong GDP, có khả năng phục hồi nhờ yếu tố tâm lý thị trường và thu nhập được cải thiện. Khu vực tư nhân và FDI có cơ hội phục hồi sản xuất kinh doanh nhờ sự hồi phục cả phía cung, phía cầu, sự thích ứng của khu vực DN và các biện pháp hỗ trợ của Chính phủ.
Thứ hai, tác động trực tiếp của các gói hỗ trợ kinh tế được tăng cường. Chính phủ đã đề ra mục tiêu tổng quát “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19, bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng của nhân dân”, cùng với “tận dụng tốt các cơ hội để thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội với các giải pháp tổng thể”. Tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, nâng cao tính tự chủ, khả năng chống chịu, thích ứng của nền kinh tế; phấn đấu GDP tăng 6-6,5%.
Thứ ba, trong bối cảnh dịch bệnh có thể kéo dài, các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu được đặt ra là tập trung thực hiện linh hoạt, hiệu quả mục tiêu vừa phòng chống dịch, vừa phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm sức khỏe, tính mạng nhân dân và an sinh xã hội. Bên cạnh đó, cần kiểm soát lạm phát, hạn chế nợ xấu phát sinh, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, xuất khẩu, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.
* Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!
Theo http://tapchibaohiemxahoi.gov.vn/
Bảo hiểm xã hội tự nguyện
Hướng dẫn Cấp lại thẻ BHYT do hỏng, mất trên Cổng ...
Hướng dẫn đăng ký tài khoản trên Cổng Dịch vụ ...