BHXH Việt Nam: Đồng hành cùng DN FDI trên hành trình phát triển bền vững
15/04/2021 01:12 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Thực hiện chủ trương “Đồng hành cùng DN và là một Chính phủ liêm chính, hành động, phục vụ người dân và DN” của Chính phủ, BHXH Việt Nam đã và đang tiếp tục phối hợp với các cấp, các ngành sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện thể chế, chính sách và nâng cao chất lượng thực hiện chính sách thông qua các giải pháp cải cách TTHC, góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các DN nói chung và DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) nói riêng.
Trước thềm Hội nghị Đối thoại giữa BHXH Việt Nam với DN FDI, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh đã trao đổi với Tạp chí BHXH về vấn đề này.
* PV: Tổng Giám đốc nhận định thế nào về vai trò của cộng đồng DN FDI trong nền kinh tế của Việt Nam cũng như việc đảm bảo an sinh xã hội trong khu vực này, khi chúng ta đang chủ động mở cửa, hội nhập vào kinh tế thế giới?
- Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh: Trong hơn 33 năm qua, khu vực DN FDI đã ngày càng phát triển, trở thành một trong những khu vực kinh tế năng động nhất của nền kinh tế Việt Nam. Tính lũy kế cuối tháng 12/2020, cả nước có 33.070 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 384 tỷ USD; vốn thực hiện ước đạt 231,86 tỷ USD, bằng 60,4% vốn đăng ký còn hiệu lực. Trong đó, đứng đầu là đầu tư từ Hàn Quốc với tổng vốn đăng ký trên 70,6 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 18,4% tổng số vốn đăng ký.
DN FDI góp phần quan trọng thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế khi hiện nay gần 60% vốn FDI tập trung vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, góp phần hình thành một số ngành công nghiệp chủ lực của nền kinh tế như: Viễn thông, dầu khí, CNTT... Ngoài ra, khu vực DN FDI cũng đã góp phần tăng thu ngân sách, tạo việc làm cho người dân, ổn định tình hình xã hội. Khu vực này tạo ra khoảng 3,5 triệu việc làm trực tiếp và gần 5 triệu việc làm gián tiếp, trong đó có nhiều lao động đã được đào tạo và tiếp cận với trình độ công nghệ, quản lý tiên tiến của thế giới.
Riêng đối với lĩnh vực BHXH, tính đến hết năm 2019, tổng số DN FDI tham gia BHXH, BHYT, BH thất nghiệp trên cả nước là 26.066 đơn vị chiếm 6,8% so với tổng số DN tham gia BHXH, BHYT, BH thất nghiệp; tổng số người tham gia BHXH là hơn 4,7 triệu người bằng 43,1% so với tổng số người tham gia BHXH thuộc khối DN; tổng số tiền thu BHXH, BHYT, BH thất nghiệp từ khu vực này bằng 46,5% so với tổng số thu của khối DN; mức lương bình quân tham gia BHXH là hơn 5,7 triệu đồng/người/tháng, cao hơn 6,9% so với mức bình quân chung của khối DN. Ngoài ra, tổng số lao động là người nước ngoài tham gia BHXH là 68.346 người; tổng số tiền thu là 511,8 tỷ đồng với mức lương bình quân tham gia BHXH là hơn 20 triệu đồng/người/tháng.
Đến tháng 3/2021, tổng số DN FDI tham gia BHXH, BHYT, BH thất nghiệp là 26.987 đơn vị, tăng 3,53% so với năm 2019; tổng số người tham gia là 4.979.354 người, tăng 5,9% so với năm 2019; mức lương bình quân tham gia BHXH, BHYT, BH thất nghiệp là hơn 6 triệu đồng/người/tháng, tăng 5% so với năm 2019. Tổng số lao động là người nước ngoài tham gia BHXH là 69.542 người, mức lương bình quân là hơn 21 triệu đồng/người/tháng…
Có thể khẳng định rằng, các DN FDI đã góp phần quan trọng cho quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của đất nước ta. Từ đó, giúp nâng cao tầm vóc, vai trò và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế; đồng thời, tạo ra những áp lực để hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, thúc đẩy tiến trình tái cơ cấu nền kinh tế nhanh hơn, hiệu quả hơn và thực chất hơn theo hướng đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Như tôi đã đề cập, khu vực DN FDI tạo ra lượng công việc rất lớn đối với lao động Việt Nam, vì vậy việc đảm bảo an sinh xã hội tại khu vực này là rất quan trọng. Không những góp phần đảm bảo và nâng cao chất lượng cuộc sống cho NLĐ mà còn góp phần tăng năng suất lao động, hiệu quả và lợi nhuận, nâng cao tính cạnh tranh, thúc đẩy sự kết nối giữa DN và NLĐ, thúc đẩy DN thực hiện ngày càng cao các tiêu chuẩn quốc gia cũng như quốc tế về điều kiện lao động, hỗ trợ cộng đồng…, góp phần phát triển kinh tế- xã hội của đất nước một cách bền vững.
* Có thể thấy, việc đổi mới cơ chế, chính sách nhằm tạo điều kiện cho DN phát triển, đồng thời thu hút vốn FDI là một chủ trương lớn của nước ta trong thời kỳ đổi mới. Vậy, thời gian qua, BHXH Việt Nam đã thực hiện chủ trương trên ra sao, thưa Tổng Giám đốc?
- Để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của NLĐ cũng như DN; đồng thời thực hiện công cuộc cải cách TTHC, nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, tạo điều kiện tốt nhất cho DN FDI, trong những năm qua chính sách BHXH, BHYT, BH thất nghiệp của Việt Nam đã có những bước hoàn thiện căn bản, thể hiện trong những nội dung mới của Luật BHXH sửa đổi năm 2014, Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT, Luật Việc làm, Luật ATVSLĐ.
Trong đó, công cuộc cải cách TTHC, tạo thuận lợi cho DN luôn được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Ngành. Theo đó, BHXH Việt Nam đã đầu tư mọi nguồn lực, ứng dụng hiệu quả CNTT, thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liệt, với tinh thần đặt mình vào vị trí của người dân và DN khi cải cách TTHC. Đồng thời, tiến hành tổng rà soát tất cả các TTHC, quy trình nghiệp vụ để kiến nghị với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền hoàn thiện các quy định của pháp luật tạo điều kiện thuận lợi cho các DN nói chung và DN FDI nói riêng.
Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho DN FDI trong việc thực hiện chính sách, chế độ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp, ngành BHXH Việt Nam cũng đã đưa ra các giải pháp cụ thể như: Triển khai hệ thống tư vấn, giải đáp chế độ chính sách; triển khai Cổng thông tin điện tử BHXH Việt Nam phiên bản tiếng Anh; ban hành quy trình nghiệp vụ về giao dịch điện tử của tất cả các lĩnh vực thu, sổ thẻ, giải quyết và chi trả các chế độ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp; tích cực vận động, có giải pháp hỗ trợ, khuyến khích các DN lựa chọn phương thức giao dịch điện tử và dịch vụ bưu điện công ích khi giao dịch với cơ quan BHXH…
Đến nay, đã có 15 dịch vụ công của Ngành và dịch vụ công liên thông với các bộ, ngành được cung cấp trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia. Các dịch vụ công trực tuyến của BHXH Việt Nam được tái cấu trúc theo hướng tiếp tục cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục nên chất lượng được nâng cao như: Cấp lại thẻ BHYT, đóng BHYT hộ gia đình, hỗ trợ NLĐ, DN gặp khó khăn do đại dịch COVID-19… BHXH Việt Nam cũng vừa chính thức hoàn thành việc cung cấp 100% các dịch vụ công mức độ 4 cho các TTHC của Ngành.
Đặc biệt, BHXH Việt Nam đã hoàn thành việc xây dựng và triển khai hệ thống thu nộp, chi trả điện tử và ứng dụng dịch vụ thông tin trên nền tảng thiết bị di động (Ứng dụng VssID- Bảo hiểm xã hội số) nhằm mục đích thiết lập kênh giao tiếp, tiếp cận thông tin, thực hiện dịch vụ công cho cá nhân, tổ chức tham gia giao dịch với cơ quan BHXH; có các tính năng cơ bản như: Sổ BHXH điện tử, Thẻ BHYT điện tử, Sổ KCB, Sổ hưởng lương hưu và trợ cấp BHXH… Đây là một bước tiến mới trong ứng dụng CNTT vào cải cách TTHC của ngành BHXH Việt Nam nhằm tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ quá trình chuyển đổi số theo tinh thần Nghị quyết số 52-NQ/TW của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; Nghị quyết số 28-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương về cải cách chính sách BHXH, hướng tới sự thân thiện, công khai, minh bạch, tạo thuận lợi cho người dân và DN.
* Việc tổ chức đối thoại với DN FDI là hoạt động thường xuyên do BHXH Việt Nam tổ chức được Chính phủ và cộng đồng DN đánh giá cao. Xin Tổng Giám đốc cho biết, BHXH Việt Nam đặt kỳ vọng gì thông qua cuộc đối thoại lần này với các DN FDI tại Việt Nam, nhất là với DN Hàn Quốc?
- Việc đảm bảo chế độ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp cho NLĐ nói chung và NLĐ làm việc trong các DN FDI nói riêng ngày càng quan trọng và cấp thiết hơn trong bối cảnh thị trường lao động và nhu cầu về an sinh xã hội thường xuyên biến động. Hiện nay, phần lớn các DN FDI đều chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật, thực hiện đúng các quy trình thủ tục của BHXH Việt Nam. Tuy nhiên, vẫn còn một số DN FDI nợ BHXH.
Nguyên nhân chủ yếu là do một số DN gặp khó khăn, thậm chí phải ngừng hoạt động, giải thể; một số DN cố tình trốn đóng, chậm đóng, chiếm dụng tiền đóng BHXH thuộc trách nhiệm của mình và của NLĐ để đầu tư vào mục đích khác, thiếu hợp tác tích cực với cơ quan BHXH để giải quyết chế độ cho NLĐ, thậm chí còn có DN bỏ trốn khỏi Việt Nam... Những hạn chế này làm ảnh hưởng tiêu cực đến quyền, lợi ích hợp pháp của NLĐ, gây khó khăn cho tổ chức thực hiện chính sách BHXH, làm ảnh hưởng đến an sinh xã hội.
Hàn Quốc là một trong các quốc gia dẫn đầu về đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Đây cũng là khối DN đang đầu tư vào ngành nghề sử dụng nhiều lao động trong bối cảnh Lãnh đạo cấp cao 2 nước rất quan tâm, cam kết tạo thuận lợi thúc đẩy quan hệ thương mại, đầu tư giữa 2 nước cũng như bảo đảm an sinh xã hội cho NLĐ.
Từ năm 2018, khi Luật BHXH của Việt Nam đưa ra quy định về đóng BHXH cho NLĐ nước ngoài đang làm việc tại Việt Nam, đa phần các DN FDI Hàn Quốc thực hiện nghiêm túc, song còn một số chưa nắm rõ và chưa thực thi hiệu quả. Mặc dù, Việt Nam- Hàn Quốc đã có thỏa thuận sơ bộ về hợp tác về BHXH, dù vậy, chúng ta vẫn chưa có ký kết chính thức. Do đó, vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện như việc lao động nước ngoài bị đóng trùng BHXH ở cả 2 nước…
Chính vì vậy, BHXH Việt Nam tổ chức hội nghị đối thoại lần này nhằm cung cấp thông tin, trao đổi, giải đáp vướng; nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận, gắn kết của khối DN FDI trong việc tổ chức thực hiện chính sách BHXH, BHYT, BH thất nghiệp. Chúng ta sẽ cùng ngồi lại với nhau để thảo luận và đưa ra những giải pháp tốt nhất trong việc đảm bảo an sinh xã hội cho cả NLĐ tại DN FDI và NLĐ nước ngoài đang làm việc tại Việt Nam.
Đây cũng là dịp thắt chặt hơn nữa mối quan hệ ngoại giao giữa 2 nước Việt Nam- Hàn Quốc. Thông qua đây, chúng tôi mong muốn phía Hàn Quốc sẽ tiếp tục đồng hành cùng Việt Nam nói chung và BHXH Việt Nam nói riêng trong việc chăm sóc sức khỏe và đảm bảo an sinh xã hội cho người dân. Đồng thời, góp phần cùng cả nước trong việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia theo tinh thần Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2021.
Có thể khẳng định, đối thoại là một trong những phương thức tăng cường sự gắn bó giữa DN với cơ quan nhà nước; đồng thời giúp các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước được DN áp dụng hiệu quả để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh. Sự kiện này còn thể hiện sự quyết tâm của ngành BHXH Việt Nam trong việc đồng hành với Chính phủ và cộng đồng DN FDI tạo ra môi trường kinh doanh lành mạnh, hướng đến sự phát triển bền vững trong tương lai.
* Trân trọng cảm ơn Tổng Giám đốc!
Nguồn: tapchibaohiemxahoi.gov.vn
Bảo hiểm xã hội tự nguyện
Hướng dẫn Cấp lại thẻ BHYT do hỏng, mất trên Cổng ...
Hướng dẫn đăng ký tài khoản trên Cổng Dịch vụ ...