Cải cách hành chính Ngành BHXH năm 2020: Những bước tiến vượt bậc

18/12/2020 03:42 PM


Năm 2020 là một năm đánh dấu các bước tiến vượt bậc của BHXH Việt Nam trong công tác Cải cách hành chính (CCHC). Để đạt được những kết quả đáng mừng đó phần lớn là nhờ sự quyết tâm cao độ của toàn hệ thống BHXH Việt Nam, nhằm nỗ lực phục vụ tốt hơn nữa cho người dân và doanh nghiệp.

Kịp thời chỉ đạo

Trong năm 2020, BHXH Việt Nam đã kịp thời chỉ đạo BHXH các tỉnh, thành phố thực hiện CCHC trong bối cảnh đại dịch Covid-19 như: tăng cường xử lý các hồ sơ trực tuyến hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, đẩy mạnh việc tích hợp thủ tục hành chính (TTHC) trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia; đẩy mạnh giao dịch điện tử, truyền thông về sử dụng dịch vụ công trực tuyến...

BHXH Việt Nam đã cấp tài khoản và hướng dẫn các đơn vị nghiệp vụ và BHXH các tỉnh, thành phố thực hiện tiếp nhận, xử lý phản ánh kiến nghị trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia theo chỉ đạo của Văn phòng Chính phủ. Hiện nay, toàn bộ 63 BHXH các tỉnh, thành phố đã xây dựng kế hoạch CCHC năm 2020; triển khai nghiêm túc các nhiệm vụ đã đề ra trong Kế hoạch và các chỉ đạo liên quan khác của BHXH Việt Nam.

Về Chi trả qua hệ thống bưu điện, BHXH Việt Nam phối hợp với Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh triển khai Thẻ chi trả thay thế Phiếu lĩnh lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng trên phạm vi toàn quốc. Hiện tại, Thẻ chi trả đã được triển khai tại 63/63 tỉnh thành phố, số người hưởng được chi qua thẻ chi trả trên cả nước khoảng 2,2 triệu người (chiếm khoảng 88% tổng số người hưởng các chế độ hàng tháng bằng tiền mặt).

Đồng thời, BHXH Việt Nam đã ban hành Kế hoạch đẩy mạnh thực hiện chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp thất nghiệp không dùng tiền mặt qua hệ thống ngân hàng thương mại từ năm 2020 đến năm 2025 theo đó đã xây dựng mục tiêu, lộ trình cụ thể.

Kết quả: Ước đến hết năm 2020, có khoảng 42% số người hưởng và 39% số tiền lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp thất nghiệp trong toàn quốc chi trả qua tài khoản cá nhân. Đối với khu vực đô thị, có khoảng 48% số người hưởng và 45% số tiền chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH, TCTN qua tài khoản cá nhân, vượt chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 241/QĐ-TTg (năm 2020 đạt 20% số tiền chi).

Ảnh minh hoạ (nguồn: Internet)

Tiếp tục đẩy mạnh CCHC phục vụ người dân và DN

Về ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong hoạt động chỉ đạo, điều hành và nghiệp vụ, BHXH Việt Nam tiếp tục triển khai hiệu quả Phần mềm Hệ thống quản lý văn bản. Đến nay, toàn bộ văn bản đến của BHXH Việt Nam đều được số hóa, xác thực chữ ký số cơ quan trên văn bản và gửi cho các đơn vị liên quan trên phần mềm quản lý văn bản trong phạm vi toàn Ngành; đối với văn bản đi, tiếp tục đẩy mạnh việc sử dụng chữ ký số cá nhân và chữ ký số cơ quan trong quá trình soạn thảo, trình ký và ký phát hành trên Hệ thống quản lý văn bản và điều hành (trừ một số trường hợp bắt buộc sử dụng văn bản giấy)

Hiện tại, BHXH Việt Nam đã triển khai 19 dịch công trực tuyến cấp độ 3,4 trong đó có 6 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 (chiếm tỉ lệ 33,3%), 13 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 (đạt tỉ lệ 66,7%). Tích hợp và thực hiện 15 Dịch vụ công của trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia.

BHXH Việt Nam đã hoàn thành việc xây dựng và triển khai hệ thống thu nộp, chi trả điện tử và ứng dụng dịch vụ thông tin trên nền tảng thiết bị di động. (Ứng dụng VssID) nhằm mục đích thiết lập kênh giao tiếp, tiếp cận thông tin, thực hiện dịch vụ công cho cá nhân, tổ chức tham gia giao dịch với cơ quan BHXH; có các tính năng cơ bản như: Sổ BHXH điện tử, Thẻ BHYT điện tử, Sổ khám chữa bệnh, Sổ hưởng lương hưu và trợ cấp BHXH …

Các TTHC được niêm yết đầy đủ, công khai; các dịch vụ công được tích hợp kịp thời đã đem lại tiện ích, tạo thuận lợi, tiết kiệm thời gian, chi phí khi tham gia, thụ hưởng các chế độ, chính sách BHXH, BHYT cho người dân và doanh nghiệp.

Trong thời gian tới, BHXH Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh CCHC, phấn đấu 100% doanh nghiệp tham gia BHXH, BHYT thực hiện giao dịch điện tử và tăng cường tuyên truyền, vận động người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến. Tăng cường tập huấn, bồi dưỡng, đào tạo nâng cao năng lực, nghiệp vụ, tinh thần trách nhiệm, kỹ năng giao tiếp, ứng xử, chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính của công chức, viên chức, người lao động nhất là viên chức trực tiếp tiếp xúc, giải quyết công việc với tổ chức và nhân dân.

Tiếp tục vận hành và triển khai có hiệu quả các phần mềm nghiệp vụ hướng tới tin học hóa toàn diện hoạt động nghiệp vụ của Ngành. Tích hợp các dịch vụ công thuộc thẩm quyền giải quyết ở mức độ 3 và mức độ 4 trên Cổng Dịch vụ công quốc gia theo lộ trình.

Nguồn: BHXH Việt Nam