Một phần tư thế kỷ góp phần vào sự nghiệp an sinh

11/12/2019 07:38 AM


Ngày 5/12, tại Hà Nội, dưới sự chủ trì của Phó Tổng Giám đốc Đào Việt Ánh, BHXH Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học “Một phần tư thế kỷ góp phần sự nghiệp an sinh”. Tham dự hội thảo có ông Bùi Sỹ Lợi- Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội; đại diện Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Kinh tế Trung ương, Ủy ban Tài chính- Ngân sách của Quốc hội, Văn phòng Chính phủ; Bộ Y tế, Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp; các đơn vị thuộc BHXH Việt Nam cùng đại diện BHXH 15 tỉnh, thành phố.

Diện bao phủ an sinh ngày càng lớn

Phát biểu tại hội thảo, Phó Tổng Giám đốc Đào Việt Ánh khẳng định: Ở Việt Nam, ngay từ những ngày thành lập nước, Đảng và Nhà nước đã quan tâm đến xây dựng hệ thống ASXH. Hiến pháp năm 1946 đã ghi nhận các quyền về BHXH của công nhân viên chức nhà nước và quyền được chăm sóc phúc lợi của những người già, tàn tật, trẻ em. Cùng với quá trình phát triển kinh tế đất nước, hệ thống ASXH ngày càng được bổ sung và hoàn thiện.

 

Trước yêu cầu phát triển của đất nước trong thời kỳ đổi mới, năm 1992, Chính phủ thành lập BHYT Việt Nam, đến năm 1995 thành lập BHXH Việt Nam; đến năm 2002 cả hai hệ thống BHXH và BHYT được sáp nhập. BHXH Việt Nam là cơ quan được giao trực tiếp thực hiện các chính sách BHXH, BHYT- hai trụ cột chính trong hệ thống ASXH đất nước. Qua 25 năm xây dựng và phát triển, BHXH Việt Nam đã hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao, đóng góp tích cực vào thành tựu chung của cả nước trong phát triển kinh tế- xã hội.

Trình bày tham luận, ông Nguyễn Minh Tuấn- Viện trưởng Viện Khoa học BHXH (BHXH Việt Nam) nhận định: BHXH Việt Nam đã đạt được nhiều thành tích đáng khích lệ, đặc biệt từ khi được giao thêm chức năng thanh tra chuyên ngành đóng BHXH, Ngành tiếp tục có những đổi mới mạnh mẽ trên tất cả các lĩnh vực, góp phần vào sự nghiệp an sinh xã hội của đất nước. Theo đó, diện bao phủ BHXH không ngừng tăng, nếu như năm 1995 chỉ có 2,2 triệu người tham gia BHXH thì đến hết năm 2006 (năm đầu tiên Luật BHXH có hiệu lực) đã có 6,7 triệu người tham gia; và đến hết tháng 8/2019 có 14,65 triệu người tham gia BHXH. Năm 2008 khi mới thực hiện BHXH tự nguyện, cả nước chỉ có 6.110 người tham gia, thì đến tháng 8/2019 tăng lên 437.000 người (tăng hơn 70 lần). Số người tham gia BH thất nghiệp cũng tăng từ 5,9 triệu người (năm 2009) lên 12,9 triệu người (tháng 8/2019). Đặc biệt, đến tháng 9/2019, tỉ lệ tham gia BHYT đã đạt trên 89,8% trên tổng dân số.

Cùng với sự gia tăng đối tượng tham gia, thì số thu BHXH, BHYT cũng liên tục tăng. Năm 2018, tổng số thu toàn Ngành đạt 332.006 tỉ đồng, tăng 11,26 lần so với năm 2006 và tăng 425,7 lần so với năm 1995. “Như vậy, diện bao phủ chính sách BHXH, BHYT đã không ngừng được mở rộng, mỗi năm đã có thêm hàng trăm ngàn NLĐ, hàng triệu người dân được bảo vệ thông qua các chế độ BHXH, BHYT, góp phần đảm bảo an sinh và tạo sự an toàn, ổn định xã hội...”- ông Tuấn khẳng định.

 

Cũng theo ông Tuấn, trong 25 năm qua, ngành BHXH đã giải quyết cho trên 112,5 triệu lượt người hưởng các chế độ BHXH, trong đó có gần 2,5 triệu người hưởng các chế độ BHXH hàng tháng; gần 10 triệu lượt người hưởng các chế độ BHXH 1 lần và hơn 100 triệu lượt người hưởng các chế độ BHXH ngắn hạn. Đồng thời, hành lang pháp lý và cơ chế hoạt động được hoàn thiện theo hướng chuyên nghiệp; quy mô đầu tư quỹ ngày càng lớn, số dư đầu tư và lợi nhuận thu từ đầu tư quỹ hàng năm đều tăng về số tuyệt đối; tỉ lệ lãi suất đầu tư bình quân luôn tăng trưởng dương, cao hơn tăng trưởng kinh tế và cao hơn chỉ số lạm phát…

Trong khoảng 10 năm gần đây, ngành BHXH luôn tập trung quyết liệt thực hiện cải cách TTHC, cắt giảm từ 263 thủ tục xuống còn 27 thủ tục; thời gian giao dịch thực hiện TTHC về BHXH, BHYT của các DN giảm còn 51 giờ/năm… Ngành cũng đẩy mạnh giao dịch điện tử, cung cấp 19 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4; đã triển khai cấp số định danh cho người tham gia BHXH, BHYT và khai trương Trung tâm Dịch vụ khách hàng để tư vấn, giải đáp cho người dân, NLĐ về BHXH, BHYT... Đáng chú ý, Hệ thống thông tin giám định BHYT đã kết nối, liên thông với các cơ sở KCB BHYT trên toàn quốc.

Với những thành tựu trên, BHXH Việt Nam đã được Bộ TT-TT đánh giá là cơ quan triển khai hiệu quả việc ứng dụng CNTT, dịch vụ công trực tuyến và được xếp hạng 2 trong Bảng xếp hạng chung khối các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có dịch vụ công. Đến năm 2018, BHXH Việt Nam đã vươn lên dẫn đầu Bảng xếp hạng này, đánh dấu bước tiến đáng kể của Ngành trong việc ứng dụng CNTT vào công tác quản lý...

Hướng đến mọi người dân đều được hưởng an sinh

Chia sẻ tại hội thảo, ông Bùi Sỹ Lợi- Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho biết: Trong thời gian qua, mặc dù nguồn lực của đất nước còn hạn hẹp, nhưng Đảng và Nhà nước vẫn luôn coi trọng công tác bảo đảm ASXH. Theo đó, đối tượng tham gia và thụ hưởng BHXH, BHYT ngày càng được mở rộng, góp phần chủ động phòng ngừa, giảm thiểu những rủi ro trong cuộc sống.

Nêu lên những thuận lợi, khó khăn, thách thức, ông Bùi Sỹ Lợi cho rằng, Việt Nam là một quốc gia đang phát triển, nên hệ thống chính sách, pháp luật cần phải có sự đổi mới để đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Đặc biệt, theo ông Lợi, từ chỗ chỉ có các chính sách đơn lẻ về ASXH như chính sách việc làm, BHXH bắt buộc, BHYT, giảm nghèo..., đến nay Việt Nam đã thiết kế được hệ thống chính sách ASXH với phạm vi bao phủ ngày càng rộng hơn và chất lượng ngày càng cao hơn, đáp ứng nhu cầu đa dạng của các tầng lớp nhân dân. “Trong thời gian tới, các chính sách này vẫn cần tiếp tục hoàn thiện để tăng độ bao phủ an sinh cho NLĐ, người dân, đặc biệt là NLĐ làm việc trong khu vực phi chính thức, nông dân”- ông Lợi chỉ rõ.

Cũng theo ông Bùi Sỹ Lợi, chiến lược ASXH của Việt Nam cần phải tiếp tục được bổ sung, mở rộng và cơ cấu lại cho phù hợp với các nhóm chính sách cụ thể. Đó là nhóm chính sách phòng ngừa rủi ro, nhằm hỗ trợ tạo việc làm có thu nhập và chủ động tham gia thị trường lao động; nhóm chính sách giảm thiểu rủi ro nhằm hoàn thiện chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT; nhóm chính sách bù đắp thu nhập khi NLĐ bị suy giảm hoặc mất sức lao động; nhóm chính sách khắc phục rủi ro nhằm trợ giúp xã hội, giảm nghèo bền vững, tăng cường tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản cho người dân. Trên cơ sở cấu trúc đó, Nhà nước thiết kế các chính sách ASXH mang tính hệ thống, lồng ghép, linh hoạt, đa dạng, phù hợp với các nhóm đối tượng khác nhau…

Tại hội thảo, một số đại biểu cũng cho rằng, chính sách BHXH hiện vẫn chưa đồng bộ với các chính sách khác như: Bảo trợ xã hội, giảm nghèo, việc làm... Bên cạnh đó, chính sách BHXH cho khu vực vực phi chính thức mới chỉ giới hạn ở hai chế độ là hưu trí và tử tuất; lĩnh vực BHYT chưa được đa dạng dịch vụ để đáp ứng nhu cầu của các tầng lớp nhân dân, chưa điều chỉnh mức đóng- hưởng đảm bảo phù hợp với việc phát triển các dịch vụ y tế chất lượng cao… Ngoài ra, điều kiện kinh tế- xã hội hiện nay cũng đặt ra không ít thách thức như: Tác động của biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp; xu hướng rủi ro kinh tế- xã hội ngày càng ảnh hưởng rộng; xu hướng già hóa dân số tăng nhanh; phân hóa xã hội ngày càng tăng, xu hướng di cư tự do ngày càng lớn... Để giải quyết những thách thức này, cần phải tư duy trên tầm chiến lược về chính sách ASXH, trên cơ sở đó thể chế hóa và hoàn thiện hệ thống pháp luật phù hợp với thực tiễn.

Trong khi đó, Phó Tổng Giám đốc Đào Việt Ánh cũng nhận định, trong quá trình thực hiện chính sách BHXH, BHYT, ngành BHXH sẽ gặp không ít thách thức. Tuy nhiên, với truyền thống 25 năm xây dựng và trưởng thành, BHXH Việt Nam sẽ nỗ lực tranh thủ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và sự đồng hành của các bộ, ban ngành; tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, năng động, sáng tạo, tận tụy với công việc của toàn thể đội ngũ CCVC để vượt qua mọi khó khăn, đưa Ngành phát triển theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, hướng tới sự hài lòng của tất cả người tham gia BHXH, BHYT.

Nguồn: Báo BHXH