Khắc phục tình trạng nợ bảo hiểm xã hội

11/09/2024 02:09 PM


Tình trạng chậm đóng, nợ đọng bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) - gọi chung là BHXH không phải là vấn đề mới, nhưng luôn nhận được nhiều sự quan tâm. Bởi điều này, gây ảnh hưởng trực tiếp đến quyền, lợi ích chính đáng của người lao động, tác động tiêu cực đến các vấn đề xã hội, dân sinh. Xung quanh vấn đề này chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Tấn Sang - Phó Giám đốc BHXH tỉnh.

PV: Xin ông cho biết tình trạng chậm đóng BHXH trên địa bàn  tỉnh hiện nay như thế nào? Đâu là nguyên nhân của thực trạng này?

Ông Nguyễn Tấn Sang: Tính đến hết năm 2023, toàn tỉnh có 231 doanh nghiệp chậm đóng BHXH. Hiện, tổng số tiền chậm đóng BHXH của các doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động là 42,786 tỷ đồng, bằng 1,9% tổng sổ phải thu, cao hơn 0,84% so với kế hoạch được giao.

Một số đơn vị chây ì, chậm đóng BHXH kéo dài như Công ty TNHH BIOPHAP chậm đóng đến 33 tháng với tổng số tiền là 459 triệu đồng; Công ty TNHH Đầu tư & Xây dựng HST Kon Tum chậm đóng 112 tháng với số tiền là 275 triệu đồng; Công ty TNHH công nghệ hữu cơ An Thái chậm đóng 44 tháng, số tiền là 230 triệu đồng. Cá biệt, có 3 đơn vị đã bị thanh tra và có quyết định xử phạt vi phạm hành chính, nhưng đến nay chưa khắc phục hậu quả là Công ty Cổ phần Tấn Phát chậm đóng BHXH 56 tháng với số tiền trên 4,14 tỷ đồng; Công ty TNHH Thương mại và Công nghệ Môi trường DH chậm đóng 38 tháng với số tiền là 1,1 tỷ đồng và Công ty TNHH PFT chậm đóng 15 tháng, số tiền chậm đóng lên đến 704 triệu đồng.

Ngoài ra, toàn tỉnh cũng có 29 đơn vị với 1.315 lao động có số tiền chậm đóng BHXH từ 3 tháng trở lên, số tiền chậm đóng là 8,208 tỷ đồng.

Nguyên nhân của tình trạng kể trên có nhiều, nhưng nguyên nhân đầu tiên và cơ bản nhất là ý thức chấp hành chính sách pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN của chủ sử dụng lao động chưa nghiêm. Trong khi đó, nhiều người lao động chưa hiểu thiệt hại khi đơn vị sử dụng lao động chậm đóng, không đóng, trốn đóng BHXH; sợ mất việc nên không dám đấu tranh đòi quyền lợi về BHXH, BHYT, BHTN cho bản thân. Công tác phối hợp đôn đốc thu, thu tiền chậm đóng của các đơn vị liên quan có thời điểm cũng chưa quyết liệt; chế tài xử lý vi phạm còn bất cập nên chưa đảm bảo tính răn đe.

Bên cạnh đó, cũng có những doanh nghiệp gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh nên không có khả năng đóng BHXH, BHYT, BHTN đúng hạn.

PV: Quyền lợi của người lao động sẽ bị ảnh hưởng như thế nào khi xảy ra tình trạng chậm đóng, trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN, thưa ông?

Ông Nguyễn Tấn Sang: Thời gian tham gia BHXH của mỗi người là căn cứ để giải quyết các chế độ BHXH cho người lao động. Do đó, việc doanh nghiệp chậm đóng, trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi của người lao động khi không may ốm đau, tai nạn lao động hoặc sinh con, mất việc làm...

Người lao động không được giải quyết các chế độ BHXH kịp thời, bởi việc giải quyết chế độ BHXH dựa theo nguyên tắc “đóng – hưởng”, đóng đến đâu, giải quyết đến đó. Do đó, khi đơn vị thực hiện đúng nghĩa vụ đóng BHXH cho người lao động, thì trong thời gian quy định, cơ quan BHXH có trách nhiệm giải quyết chế độ BHXH cho người lao động ngay sau khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ của đơn vị. Ở chiều ngược lại, tất cả các chế độ BHXH của người lao động chỉ được giải quyết sau khi đơn vị hoàn thành nghĩa vụ đóng BHXH cho người lao động.

Bên cạnh đó, quyền lợi khám chữa bệnh BHYT không được đảm bảo, vì nếu doanh nghiệp chậm đóng tiền BHYT từ 30 ngày trở lên thì thẻ BHYT của người lao động sẽ hết giá trị sử dụng.

PV: Trước tình trạng nợ BHXH, cơ quan chức năng có biện pháp, chế tài nào đối với doanh nghiệp chậm đóng, trốn đóng BHXH?

Ông Nguyễn Tấn Sang: Xác định việc đôn đốc thu BHXH, BHYT kịp thời có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động; ngành BHXH tích cực triển khai nhiều giải pháp đôn đốc thu.

Trong đó, chú trọng tuyên truyền để người sử dụng lao động nắm rõ quy định, nâng cao ý thức chấp hành chính sách, pháp luật BHXH, BHYT. Phân loại đơn vị chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN để áp dụng các giải pháp đôn đốc phù hợp, linh hoạt. Công khai danh tính đơn vị nợ BHXH, BHYT trên phương tiện thông tin đại chúng. Đồng thời, tích cực hỗ trợ để người lao động có thể tra cứu thời gian đóng BHXH, BHYT, BHTN của bản thân, từ đó nắm bắt đẩy đủ thông tin về việc đóng- nộp của doanh nghiệp và chủ động hơn trong việc tham gia giám sát doanh nghiệp thực hiện chính sách, pháp luật BHXH, BHYT cũng như đấu tranh bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình.

Thanh, kiểm tra được BHXH tỉnh xác định là giải pháp tích cực trong việc giảm tình trạng chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN. Năm 2023, BHXH tỉnh phối hợp với các cơ quan chức năng tiến hành thanh tra, kiểm tra đối với 99 đơn vị và từ đầu năm đến nay, thực hiện kiểm tra đối với 41 đơn vị sử dụng lao động.

Thực tế cho thấy, khi doanh nghiệp tuân thủ các quy định của pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN, uy tín, vị thế của doanh nghiệp cũng được nâng cao, người lao động được đảm bảo đầy đủ các quyền lợi về bảo hiểm sẽ yên tâm gắn bó với doanh nghiệp, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Thế nên, vì quyền lợi thiết thực của người lao động, vì sự phát triển lâu dài của doanh nghiệp và an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh, các đơn vị sử dụng lao động cần chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về đóng BHXH, BHYT, BHTN.

 

https://www.baokontum.com.vn/

  • TIN BÀI LIÊN QUAN