Tên bài: Ia H’Drai: Cơ quan BHXH huyện phối hợp tuyên truyền pháp luật tại xã Ia Đal
30/12/2022 04:31 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Trong tháng 12/2022 BHXH huyện Ia H’Drai đã phối hợp với UBND xã Ia Đal, đi đến từng thôn trên địa bàn xã để tuyên truyền chính sách pháp luật về BHXH, BHYT, BH thất nghiệp cho từng hộ dân
Thực hiện Công văn số 1811/UBND-TH ngày 25/10/2022 của UBND huyện Ia H’Drai về việc hướng dẫn tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật quý IV năm 2022, trong tháng 12/2022 cơ quan BHXH huyện đã phối hợp với UBND xã Ia H’Drai để tuyên truyền về chính sách pháp luật BHXH đến từng hộ gia đình ở 11 thôn trên địa bàn xã.
Đội tuyên truyền viên gồm công chức tư pháp, văn hóa-xã hội, địa chính, cùng với cơ quan Công an xã, Ban Chỉ huy quân sự xã, phối hợp với Đồn Biên phòng Sa Thầy, Đồn Biên phòng 711, kiểm lâm xã và cơ quan BHXH huyện. Về phía người dân, tại mỗi thôn đều có đại diện từng hộ gia đình đến tham dự.
Nội dung tuyên truyền phải thật sự cô đọng
Theo chương trình đội truyên truyền có khá nhiều báo cáo viên trong nhiều lĩnh vực địa chính, tư pháp, công an, quân sự, biên phòng, kiểm lâm… và phải dành cả thời gian để trả lời thắc mắc cho người dân, nên thời lượng chương trình chỉ từ 10-15 phút cho mỗi tuyên truyền viên.
Một buổi tuyên truyền tại Thôn 2, xã Ia Đal, huyện Ia H’Drai
Trong thời gian có hạn, tuyên truyền viên cơ quan BHXH huyện phải cô đọng nhiều nội dung của chính sách pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN, nhấn mạnh những nội dung có liên hệ nhiều đến bà con như chế độ trợ cấp thất nghiệp, việc cấp thẻ BHYT, BHXH tự nguyện…
Người dân tham dự đều được phát tờ rơi đối với các chế độ BHXH, bà con có thể vừa nghe tuyên truyền và dễ theo dõi nội dung trên tờ rơi. Người dân đánh giá cao các tờ rơi do cơ quan BHXH phát với các thông tin infographic trình bày cô đọng, dễ hiểu, nội dung chú trọng vào những vấn đề quan trọng.
Qua các buổi tuyên truyền người dân cũng hiểu rõ hơn về cơ quan BHXH, phân biệt BHXH với các loại hình bảo hiểm thương mại, và những chính sách nhân văn của nhà nước như hỗ trợ mức đóng BHXH tự nguyện, việc hỗ trợ cấp thẻ BHYT cho người đồng bào dân tộc thiểu số, người sống vùng đặc biệt khó khăn… cho bà con.
Người công nhân quan tâm đến BH thất nghiệp
Nhiều người dân trên địa bàn làm công nhân tại các nông trường cao su trên địa bàn nên chế độ bảo hiểm thất nghiệp được đặc biệt quan tâm như việc hỗ trợ tìm việc làm, hỗ trợ học nghề, việc làm hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp ở nơi nào gần nhất... do đặc điểm huyện Ia H’Drai xa trung tâm tỉnh, người nghỉ việc chưa kịp hưởng trợ cấp thất nghiệp...
Người lao động tự do quan tâm đến BHXH tự nguyện
Địa bàn xã Ia Đal bên cạnh những công nhân làm việc cho các nông trường cao su, vẫn còn rất nhiều người dân làm công việc tự do, hoặc công nhân đã nghỉ việc vẫn còn bảo lưu quá trình tham gia BHXH bắt buộc nên khi nghe cán bộ tuyên truyền đến tầm quan trọng của chế độ hưu trí, cân nhắc việc thanh toán chế độ BHXH 1 lần và tầm quan trọng của BHXH tự nguyện thì bà con rất quan tâm.
Anh Lò Văn Lân, sinh năm 1975, người dân ở Thôn 2 cho biết: “Thời gian trước 2 vợ chồng tôi làm công nhân và tham gia BHXH ở công ty, năm ngoái tôi đã hưởng BHXH 1 lần đối với quá trình tham gia BHXH 6 năm. Hôm nay nghe cán bộ tuyên truyền về tầm quan trọng của BHXH tự nguyện, tôi bàn với vợ qua Tết khi công việc gia đình ổn định tôi sẽ tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện để sau này có lương hưu, ổn định lúc về già.”
Chị Đinh Thị Thu sinh năm 1977, làm lao động tự do ở Thôn 3 thì tâm sự: chị lúc trước làm công nhân gần 6 năm nhưng sau này do sức khỏe yếu nên chị xin nghỉ việc, rồi khó khăn quá nên cũng đã thanh toán BHXH 1 lần, giờ đang nuôi con đi học cao đẳng, 1 năm nữa cháu ra trường. Chị giờ 45 tuổi rồi, lớn tuổi chịlại nghĩ đến ổn định tương lai, không phải làm phiền con cháu nên tiếc quá trình lúc trước đã thanh toán BHXH 1 lần. Nên thời gian tới sau khi nuôi con ra trường, chị sẽ cố gắng hàng tháng dành dụm 1 ít tiền để tiếp tục tham gia BHXH, cũng may là pháp luật cho phép đóng 1 lần cho nhiều năm về sau khi đủ tuổi hưu nên chị vẫn có thể hưởng chế độ hưu kịp thời.
Người lớn tuổi quan tâm đến BHYT
Đối với đa số bà con lớn tuổi thường đau ốm, đi khám bệnh nên thường quan tâm đến thẻ BHYT. Người dân ý thức được chính sách nhân văn của nhà nước khi cấp thẻ cho đồng bào dân tộc thiểu số, người sống vùng đặc biệt khó khăn, đồng thời có băn khoăn trường hợp không còn được hỗ trợ cấp thẻ BHYT. Ngoại trừ vấn đề tài chính mua thẻ BHYT hộ gia đình, bà con cũng quan tâm đến thẻ BHYT của người hưởng chế độ hưu trí khi tham gia BHXH tự nguyện vừa được hưởng lương hưu, vừa được cấp thẻ BHYT với tỷ lệ hưởng rất cao.
Địa bàn huyện tình hình chung do có nhiều trẻ em có bố mẹ từ nơi khác đến chưa kịp đăng ký thường trú, tạm trú, địa bàn rộng, cán bộ thôn chưa kịp nắm tình hình để đôn đốc nhắc nhở gia đình cấp thẻ BHYT cho trẻ em. Chuyên viên BHXH huyện viên thường xuyên vận động và phối hợp với công chức UBND xã để tuyên truyền cho bà con làm thủ tục liên thông nhập khẩu, đăng ký khai sinh và cấp thẻ BHYT cho trẻ em để đảm bảo quyền lợi khi đi khám chữa bệnh cho các cháu.
Đồng chí Hồ Minh Vương, Phó Chủ tịch UBND xã Ia Đal cho rằng nội dung BHXH, BHYT rất được người dân rất quan tâm bên cạnh vấn đề đất đai, kiểm lâm. BHXH huyện là đơn vị kết nghĩa với 1 thôn của xã nên thời gian tới UBND xã sẽ tiếp tục tăng cường phối hợp với cơ quan BHXH huyện để nâng cao nhận thức của bà con về chính sách BHXH, BHYT.
Xã Ia Dal là 1 xã khó khăn của huyện Ia H’Drai với địa bàn rộng và dân số đông nhất huyện, có đường biên giới giáp nước bạn Campuchia dài nhất trong các xã trên địa bàn huyện, cuộc sống của người dân còn gặp nhiều khó khăn nhưng thời gian qua UBND xã đã làm khá tốt công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật đến người dân, nhất là chính sách pháp luật về BHXH./.
Văn Công Học
Bảo hiểm xã hội tự nguyện
Hướng dẫn Cấp lại thẻ BHYT do hỏng, mất trên Cổng ...
Hướng dẫn đăng ký tài khoản trên Cổng Dịch vụ ...