Nhẹ gánh tuổi già

03/05/2022 05:04 PM


Cuộc đời rồi ai cũng phải đến lúc già yếu. Khi đó, lương hưu dù cao hay thấp cũng đều là điểm tựa để người già có được cuộc sống thoải mái, an nhiên, nhẹ gánh lo và giảm bớt phụ thuộc vào con cháu.

Cuộc sống nhẹ nhàng

Cách đây 20 năm, ông Nguyễn Văn Dân từ Hưng Yên vào huyện Đăk Glei (Kon Tum) lập nghiệp. Sau đó, ông Dân làm bảo vệ cho Trường Tiểu học Kim Đồng tại xã Đăk Pek và đóng BHXH được 14 năm. Khoảng 5 năm trước, ông Dân đến tuổi nghỉ hưu (60 tuổi), nhưng thiếu 6 năm đóng BHXH để đủ điều kiện hưởng lương hưu. Không đắn đo, ông Dân quyết định đóng bù cho số năm còn thiếu để được hưởng lương hưu.

Ông A Lơn vui thú điền viên do có lương hưu làm điểm tựa

“May Nhà nước có chính sách BHXH tự nguyện để tôi đóng thêm 6 năm cho đủ 20 năm tham gia BHXH. Do điều kiện hạn hẹp, nên tôi chọn đóng mức thấp và hiện nay đang hưởng mức lương hưu là 1.431.000 đồng. Cộng thêm tiền làm bảo vệ sau khi ký hợp đồng mới với nhà trường, hiện nay thu nhập hằng tháng của tôi khoảng 4 triệu đồng, cũng tạm ổn chi tiêu”- ông Dân chia sẻ. Trò chuyện với chúng tôi, ông Dân trải lòng rằng cuộc đời rồi ai cũng sẽ đến lúc già yếu. Do vậy, khi tuổi già đến thì “sổ gạo” hiện tại là lương hưu, có lương hưu dù ít hay nhiều cũng được đảm bảo và cuộc sống nhẹ nhàng hơn rất nhiều.

Theo lời ông Dân, nhiều người cùng thời với ông không có lương hưu, nên cuộc sống rất vất vả, phải sống phụ thuộc vào con cháu. Trong khi đó, con cháu cũng có lúc này lúc kia, không phải lúc nào cũng hỗ trợ mình suốt được. “Tôi chắt bóp dần đóng thêm BHXH tự nguyện để được hưởng lương hưu. Nếu nhận BHXH một lần, lấy một cục vài chục triệu tiêu cái vèo là xong, trong khi lương hưu gắn bó với mình suốt đời. Cái hay nữa là được phát thẻ BHYT miễn phí. Giờ lớn tuổi bệnh tật nhiều, nhưng nhờ có thẻ BHYT hưu trí, nên đi KCB chi phí rất ít. Tôi nghiệm ra rằng, lúc trẻ thế nào cũng được, chứ lúc già sức khỏe, điều kiện giới hạn mình muốn làm cũng chả được, nên lương hưu ý nghĩa vô cùng”- ông Dân chia sẻ.

Tại Đăk Glei, các chỉ tiêu phát triển BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình được giao cụ thể đến từng xã, thị trấn và chỉ tiêu HS tham gia BHYT giao đến từng trường. Các đợt phổ biến, tuyên truyền pháp luật được thực hiện lồng ghép với tuyên truyền về BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình đến tận thôn, làng. Qua đó, giúp người dân chuyển biến nhận thức về BHXH, BHYT; ngày càng tin tưởng vào chính sách của Đảng và Nhà nước.

Tại huyện Đăk Glei, ông A Lơn (78 tuổi) là người DTTS, suốt 18 năm nay nhận lương hưu đều đặn với số tiền trên 8 triệu đồng/tháng. Không chỉ có cuộc sống thoải mái, ông A Lơn còn hỗ trợ ngược lại cho con cháu. “Hằng tháng tôi nhận lương hưu đều đặn, tiền lương hưu được chuyển đúng, đủ. Trước tôi nhận lương hưu bắng tiền mặt, có những kỳ được chi gộp, nhận lương hưu cùng lúc 2 tháng, nhưng điều này cũng bất tiện vì có tiền mặt một cục mình lại tiêu xài quá tay. Vì vậy, sau này tôi đăng ký nhận lương hưu qua ATM nên kiểm soát được chi tiêu, mình muốn rút lúc nào thì rút nên rất thuận tiện”- ông A Lơn nói.

Vững tin vào chính sách

Đăk Glei là huyện miền núi của tỉnh Kon Tum, với 9/12 xã, thị trấn thuộc khu vực đặc biệt khó khăn. Dân số của huyện khoảng 51.000 người, trong đó có tới trên 90% dân số là người DTTS có thu nhập thấp, không ổn định. Vì vậy, các chính sách an sinh xã hội, đặc biệt là BHXH, BHYT có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với huyện miền núi này.

Ông Thái Đông Hải- Giám đốc BHXH huyện Đăk Glei cho biết, nhiều người dân trên địa bàn khi hết tuổi lao động đã có cuộc sống ổn định, nhẹ gánh tuổi già và rất tin tưởng vào chính sách BHXH, BHYT. “Ngoài những người tham gia BHXH bắt buộc, BHXH huyện đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện để có lương hưu. Kết quả, từ cuối năm 2021 đến nay, huyện thường xuyên có khoảng 1.500 người tham gia BHXH tự nguyện”- ông Hải thông tin.

Đặc biệt, theo ông Thái Đông Hải, Ban Chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH, BHYT huyện Đăk Glei hoạt động rất hiệu quả. Theo đó, Ban Chỉ đạo đã giao BHXH huyện- cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo, tổ chức ký kết các quy chế, chương trình, kế hoạch phối hợp với các ban ngành, đoàn thể trên địa bàn về kế hoạch tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHXH, BHYT. Đáng chú ý, tích cực triển khai Cuộc vận động do Tỉnh ủy Kon Tum phát động với chủ đề “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong vùng đồng bào DTTS, làm cho đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững”, trong đó có việc vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình.

tapchibaohiemxahoi.gov.vn

  • TIN BÀI LIÊN QUAN