Tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện: Nhiều lợi ích cho người lao động!
10/12/2021 09:59 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện là loại hình bảo hiểm do Nhà nước tổ chức mà người tham gia được lựa chọn mức đóng, phương thức đóng phù hợp với thu nhập của mình. Theo đó, việc tham gia loại hình bảo hiểm này là hoàn toàn tự nguyện, công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên và không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc thì đều có thể tham gia BHXH tự nguyện (Khoản 4 Điều 2 Luật BHXH 2014).
Có thể nói, đây là với chính sách nhân văn và tạo mọi điều kiện đảm bảo an sinh cho người dân; chính sách BHXH tự nguyện dành cho tất cả người dân từ người lao động phổ thông, lao động tự do, cho đến tiểu thương… đều được tham gia BHXH tự nguyện.
Hội nghị tuyên truyền chính sách BHXH tự nguyện do BHXH tỉnh tổ chức
Người tham gia BHXH tự nguyện được chọn một trong các phương thức đóng sau đây để đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất: Đóng hằng tháng; đóng 3 tháng một lần; đóng 6 tháng một lần; đóng 12 tháng một lần; đóng một lần cho nhiều năm về sau nhưng không quá 5 năm 1 lần; đóng một lần cho những năm còn thiếu đối với người tham gia BHXH đã đủ điều kiện về tuổi để hưởng lương hưu theo quy định nhưng thời gian đóng BHXH còn thiếu không quá 10 năm (120 tháng) thì được đóng cho đủ 20 năm để hưởng lương hưu.
Trường hợp người tham gia BHXH đã đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định mà thời gian đã đóng BHXH còn thiếu trên 10 năm nếu có nguyện vọng thì tiếp tục đóng BHXH tự nguyện theo một trong các phương thức quy định tại các Điểm 1.1, 1.2, 1.3, 1.4 và 1.5 Khoản 1, Luật BHXH số: 58/2014/QH13 ngày 20/11/2014 Quốc Hội Khóa XIII, cho đến khi thời gian đóng BHXH còn thiếu không quá 10 năm thì được đóng một lần cho những năm còn thiếu để hưởng lương hưu theo quy định. Người tham gia BHXH tự nguyện được thay đổi phương thức đóng hoặc mức thu nhập tháng làm căn cứ đóng BHXH tự nguyện sau khi thực hiện xong phương thức đóng đã chọn trước đó.
Do có nhiều điểm mới, thuận lợi, thông thoáng nên từ khi Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa XII ban hành Nghị quyết 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 về cải cách chính sách BHXH, số người tham gia BHXH tự nguyện đã tăng lên đáng kể. Cụ thể, đến năm 2020, đã có trên 1,128 triệu người tham gia, trong khi năm 2017 chỉ hơn 200.000 người. Đặc biệt chỉ tính đến 9 tháng đầu năm 2021, đã có 1.205.961 người tham gia BHXH tự nguyện, tăng 361.220 người (42,76%) so với cùng kỳ năm 2020. Riêng tỉnh Kon Tum năm 2017 chỉ có 805 người tham gia BHXH tự nguyện nhưng đến năm 2020 tăng lên 6.846 người và đến tháng 9/2021 là 10.776 người.
Với số tiền tham gia BHXH tự nguyện ở mức tối thiểu 297.000 đồng một tháng. Đối với người dân thu nhập bình thường thì số tiền này không lớn nhưng lợi ích mang lại rất lớn như đủ tuổi nghỉ hưu thì được nhận lương hưu hàng tháng, được cấp thẻ BHYT miễn phí, được hỗ trợ tiền đóng tối đa lên đến 10 năm khi tham gia; người hưởng lương hưu được điều chỉnh trên cơ sở mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng và tăng trưởng kinh tế phù hợp với quỹ BHXH… Đặc biệt, khi người đang hưởng lương hưu hoặc đang tham gia BHXH tự nguyện từ đủ 5 năm trở lên mà qua đời thì thân nhân được hưởng tiền tuất một lần và tiền mai táng phí nên đây cũng là nguồn hỗ trợ cần thiết cho gia đình nếu người tham gia qua đời.
Khẳng định rằng chính sách BHXH tự nguyện là chính sách an sinh xã hội có ý nghĩa rất lớn và rất quan trọng, thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước đối với người lao động. Việc rút ngắn thời gian đóng BHXH được nhận lương hưu đã tạo điều kiện tối đa cho mọi người dân khi hết độ tuổi lao động, già yếu được hưởng lương hưu hàng tháng là rất nhân văn./.
Thu Sương
Bảo hiểm xã hội tỉnh Kon Tum
Bảo hiểm xã hội tự nguyện
Hướng dẫn Cấp lại thẻ BHYT do hỏng, mất trên Cổng ...
Hướng dẫn đăng ký tài khoản trên Cổng Dịch vụ ...
Hướng dẫn kê khai hồ sơ trên Cổng Dịch vụ công ...
Album ảnh hoạt động