Cần đưa tỉ lệ bao phủ BHXH bắt buộc vào Nghị quyết của Quốc hội

01/11/2019 01:48 AM


Chưa nhìn nhận đúng vai trò kinh tế tập thể

Đánh giá cao kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH thời gian qua, ĐB Nguyễn Bắc Việt (Ninh Thuận) khẳng định: Kết quả đạt được năm 2019 là tâm thế thuận lợi để chúng ta bước vào năm 2020- đấy là việc hết sức quan trọng. Đồng thời, ĐB Nguyễn Bắc Việt tán thành với mục tiêu triển khai tích cực Đề án tái cơ cấu các ngành công nghiệp, tiếp tục phát triển sản xuất theo chiều sâu, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu ngành nội địa, thúc đẩy một số ngành, trong đó có năng lượng tái tạo.

ĐB Tôn Ngọc Hạnh (Bình Phước)

“Báo cáo của Chính phủ chưa nhìn nhận đúng vai trò của kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể. Kinh tế tư nhân được xác định tập trung tháo gỡ khó khăn, trong khi chưa xác định tháo gỡ khó khăn cho kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể. Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội đã xác định rất đúng, khi quy định tháo gỡ khó khăn cho các thành phần kinh tế”- ĐB Việt khẳng định.

Dưới góc độ khác, ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) cho rằng, DN tư nhân trong nước chưa được hỗ trợ xứng đáng. Trong 3-4 năm qua, khu vực kinh tế tư nhân luôn chiếm hơn 40% GDP, đến năm 2018 kinh tế tư nhân đóng góp 42,1% GDP và con số này có dấu hiệu tăng lên. Trong cùng giai đoạn đó, DN nhà nước mặc dù được hưởng nhiều ưu đãi lớn về vốn và tài nguyên nhưng chỉ ở mức 27-28%. DN FDI được ưu đãi và trông cậy nhiều cũng chỉ đóng góp được từ 18-20%. Vì vậy, ĐB Thúy đề nghị Chính phủ có biện pháp phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế hỗ trợ DN tư nhân có điều kiện thuận lợi trong tiếp cận vốn và tài nguyên cũng như những điều kiện khác để phát triển nhanh chóng, tương xứng với tiềm năng và đóng góp của khu vực kinh tế này.

Đồng tình với các chỉ tiêu trong báo cáo của Chính phủ, ĐB Nguyễn Thị Phúc (Bình Thuận) đề nghị Chính phủ cần đánh giá kỹ hơn về hoạt động của DN. Cụ thể, bên cạnh số DN thành lập tăng 5,9% so với năm 2018, nhưng số DN chờ giải thể tăng 6,3% và số DN không hoạt động tại địa chỉ đăng ký cũng tăng 11,5% so với cùng kỳ năm trước- đây thực sự là vấn đề khó khăn, đáng quan tâm, phản ánh tình hình không thuận trong môi trường đầu tư, trong cơ chế chính sách. Bên cạnh đó, TTHC trong một số lĩnh vực vẫn còn rườm rà, phức tạp, tạo ra khoảng cách giữa chính sách và thực thi. Chính vì vậy, Chính phủ cần phải rà soát lại, đề ra các giải pháp mang tính quyết liệt, hiệu quả hơn, đẩy mạnh việc chỉ đạo tháo gỡ các vướng mắc, bất cập về TTHC, tạo điều kiện cho người dân, DN tiếp cận được với chính sách.

Cần có giải pháp hạn chế hưởng BHXH 1 lần

Đánh giá cao báo cáo của Chính phủ, song liên quan đến vấn đề giải quyết quyền lợi cho NLĐ, ĐB Bùi Sỹ Lợi (Thanh Hóa) cho biết: Tại Kỳ họp thứ 7, Chính phủ đã có Tờ trình báo cáo số 193 đưa ra tình hình nợ đọng BHXH. Theo đó, có 2.270 DN nợ đọng theo dạng DN phá sản, DN có chủ đã bỏ trốn làm ảnh hưởng đến 17.000 lao động. Vấn đề này Chính phủ đưa tờ trình, nhưng ĐB thấy không có đề án, không có đề xuất với Quốc hội như thế nào. Do vậy, ĐB Lợi đề nghị Chính phủ tiếp tục trình lại và đề nghị Quốc hội ghi vào Nghị quyết KT-XH của năm nay để giao cho Chính phủ thực hiện việc này theo tinh thần Khoản 7, Điều 10 của Luật BHXH.

“Nguồn ở đâu? Chúng ta lấy trong quỹ BH thất nghiệp hiện nay đang kết dư 77.000 tỉ. Chủ bỏ trốn, chủ bị phá sản thì đó chính là NLĐ thất nghiệp nên chúng ta lấy trong đó. Chỉ có khoảng 147 tỉ hoặc 171 tỉ đồng. Chính phủ nên nghiên cứu và Quốc hội cũng ủng hộ Chính phủ để chúng ta xử lý vấn đề này, để đảm bảo quyền lợi cho 17.000 lao động, giải quyết chính sách về hưu hoặc để xử lý trong cuộc sống”- ĐB Lợi đề nghị.

Còn ĐB Tôn Ngọc Hạnh (Bình Phước) cho rằng, Việt Nam được đánh giá là điểm sáng, được quốc tế đánh giá cao trong công tác giảm nghèo. Song, công tác giảm nghèo chưa thật sự bền vững, tỉ lệ tái nghèo vẫn còn cao. Sự lạm dụng và ỷ lại chính sách vẫn còn tồn tại, chủ yếu đánh giá nghèo về thu nhập và thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản, nhưng chưa được hướng dẫn cụ thể ở các tiêu chí thiếu hụt. Việc áp dụng thực hiện khá lúng túng, việc tích hợp chính sách còn chậm và chưa đạt mục tiêu. Đồng thời, ĐB đề nghị tích hợp chính sách hiệu quả cho việc thực hiện công tác giảm nghèo trong năm 2020, đặc biệt tích hợp về nội dung thực hiện và nguồn lực, tạo cơ chế để các địa phương có thể tích hợp điều tiết kinh phí thực hiện hiệu quả các chỉ tiêu.

Liên quan đến vấn đề BHXH, ĐB Hạnh cho rằng, BHXH được xem là một trong những trụ cột của an sinh xã hội. Qua nghiên cứu, lĩnh vực BHXH đã đạt được những kết quả nhất định, tỉ lệ bao phủ đã dần được tăng lên, ước tính hết năm 2019 đạt bao phủ 32,5% trong tổng số lực lượng lao động. Đối tượng tham gia dần mở rộng, nhưng đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo tham gia BHXH tự nguyện còn rất thấp và khó khăn; chưa có số liệu cụ thể đánh giá tỉ lệ phần trăm này. Tình trạng hưởng BHXH một lần ngày càng gia tăng, việc giải quyết hưởng chế độ BHXH một lần rất dễ dàng, trong khi so với các nước, Việt Nam áp dụng khá mở việc giải quyết chế độ này.

Bên cạnh đó, việc chia sẻ dữ liệu BHXH giữa các cơ quan quản lý nhà nước như Thuế, KH-ĐT, Tài chính, LĐ-TB&XH còn hạn chế. Cơ quan Thuế cung cấp số liệu hiện nay có 610.000 DN nộp thuế nhưng BHXH thu được 327.000 DN, còn lại 283.000 DN đang hoạt động nhưng chưa tham gia BHXH bắt buộc cho NLĐ. “Tôi đồng tình với quan điểm đề xuất tăng mức hỗ trợ đóng BHXH cho đối tượng hộ cận nghèo và hộ nghèo để làm sao mở rộng đối tượng tham gia BHXH, để đảm bảo an sinh xã hội. Đồng thời, đề nghị tiến hành tổng kết Nghị quyết 93 của Quốc hội để làm cơ sở cho việc điều chỉnh pháp luật đối với việc hưởng chế độ BHXH một lần để giảm tình trạng này, hướng tới sửa Luật BHXH. Ngoài ra, đưa tỉ lệ bao phủ BHXH vào Nghị quyết của Quốc hội về phát triển KT-XH trong năm 2020”- ĐB Hạnh đề nghị.

Nguồn: Báo BHXH


{loadposition baivietmoi}

Album ảnh hoạt động