Đổi mới truyền thông, thúc đẩy nhanh số người tham gia BHXH tự nguyện

06/07/2019 04:22 AM


Anh Đào Văn Quân (1979, huyện Đăk Hà) cho biết, anh làm nghề lái xe máy đào cho gia đình mình, được cán bộ BHXH tư vấn tận nhà, nhờ đó đã biết được những điều mà trước đây không biết tìm hiểu từ đâu, đó là: từ 15 tuổi trở lên là được tham gia BHXH tự nguyện, mức đóng tối thiểu bằng 22% mức chuẩn nghèo khu vực nông thôn (mức chuẩn nghèo hiện nay là 700 ngàn đồng), tức đóng 154 ngàn đồng/tháng. Người tham gia BHXH tự nguyện được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng theo tỷ lệ phần trăm trên mức đóng hàng tháng theo mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn bằng 30% đối với người thuộc hộ nghèo; 25% đối với người thuộc hộ cận nghèo và 10% đối với các đối tượng khác. Thời gian hỗ trợ trong 10 năm đầu tham gia. Vậy, mức đóng tối thiểu của đối tượng khác chỉ là 138.600 đồng/tháng. Còn mức đóng tối đa không vượt quá 22% của 20 lần mức lương cơ sở. Tùy điều kiện mà người tham gia chọn mức đóng phù hợp. Bản thân tôi là một  lao động tự do, tuy thu nhập không lớn nhưng vẫn tiết kiệm để tham gia, tôi chọn mức 506.000 đồng/tháng.

Cán bộ BHXH huyện Đăk Tô hướng dẫn người dân lập tờ khai tham gia BHXH tự nguyện

Cùng với cách nghĩ để dành cho tương lai, chị Bùi Thị Thủy (1969, TP. Kon Tum) có người con trai út đang học cuối cấp 3 đã được chị tham gia BHXH tự nguyện từ đầu năm 2019, mức 600.600 đồng/tháng. Chị cho biết: chỉ cần tiết kiệm 20.000 đồng cho mỗi ngày đi chợ, không ảnh hưởng gì đến kế hoạch chi tiêu của gia đình mà vẫn có thể để dành cho cậu con trai dưới hình thức tham gia BHXH tự nguyện.

Cũng với cách nghĩ lo cho tuổi già ngay từ lúc còn trẻ khỏe, chị Cầm Thị Ánh Ngọc (1987, huyện Ngọc Hồi), trước là công nhân Công ty TNHH Đăng Khoa Kon Tum, do điều kiện riêng nên chị về nhà mở cửa hàng, dự định thanh toán chế độ BHXH một lần cho thời gian đóng BHXH bắt buộc khi còn làm việc ở công ty, nhưng nhờ được nhân viên đại lý thu BHXH, BHYT của xã tư vấn nên chị đã tham gia BHXH tự nguyện để được cộng nối thời gian để sau này đủ điều kiện hưởng lương hưu hàng tháng. Chị Ánh Ngọc không giấu được niềm vui khi nói chuyện với chúng tôi rằng: “mình là lao động tự do nhưng vẫn được đóng bảo hiểm và sau này có lương hưu như bao người làm trong các cơ quan, doanh nghiệp. BHXH tự nguyện giải tỏa được nỗi lo mất thu nhập khi hết tuổi lao động đối với những người như chúng tôi”.

Ông Phạm Lê Thọ - Trưởng phòng Khai thác và Thu nợ thuộc BHXH tỉnh Kon Tum, cho biết: tại Điều 9, Nghị định 134/2015/NĐ-CP ngày 29/12/2015 của Chính phủ quy định, người tham gia BHXH tự nguyện có thể chọn phương thức đóng định kỳ theo tháng, 3 tháng, 6 tháng, 12 tháng một lần; đóng một lần cho nhiều năm về sau nhưng không quá 5 năm một lần; đóng một lần cho những năm còn thiếu đối với người tham gia BHXH đã đủ điều kiện về tuổi để hưởng lương hưu theo quy định, nhưng thời gian đóng BHXH còn thiếu không quá 10 năm (120 tháng) thì được đóng cho đủ 20 năm để hưởng lương hưu. Trường hợp đã đủ tuổi nghỉ hưu mà thời gian đóng BHXH còn thiếu trên 10 năm thì người tham gia tiếp tục đóng theo 01 trong 05 phương thức trên cho đến khi thời gian đóng còn thiếu không quá 10 năm thì được đóng một lần cho những năm còn thiếu.

Những quy định có tính linh hoạt trên đây đã giúp người tham gia BHXH tự nguyện có thêm cơ hội lựa chọn cho phù hợp với điều kiện riêng của mình. Cùng với sự đổi mới nội dung truyền thông, đội ngũ tư vấn của cán bộ BHXH, các đại lý thu BHXH, BHYT đã đổi mới trong cách thức tiếp cận đối tượng một cách chủ động, gần gũi, thấu hiểu tâm tư nguyện vọng của người dân cũng như Hệ thống Bưu điện tổ chức các buổi tuyên truyền chọn lọc đối tượng hướng về cơ sở… tất cả đã tạo nên động lực thúc đẩy số người tham gia BHXH tự nguyện tăng nhanh so với trước.

Thay vì cuối năm 2018, cả tỉnh Kon Tum có 816 người tham gia BHXH tự nguyện thì đến cuối tháng 6/2019 đã có đến 1.555 người tham gia, tăng 739 người, gần gấp đôi so năm 2018, tăng mạnh nhất trong gần 12 năm kể từ ngày bắt đầu thực hiện BHXH tự nguyện - 01/01/2008, đến nay. Trong đó, tăng cao nhất là thành phố Kon Tum (192 người), kế tiếp là huyện Đăk Hà (138 người).

Phó Giám đốc BHXH tỉnh Kon Tum Nguyễn Thị Hồng Chính cho biết: BHXH tỉnh được BHXH Việt Nam giao chỉ tiêu số người tham gia BHXH tự nguyện năm 2019 là 1.817 người, trong 6 tháng đầu năm đã khai thác đạt 85,6% kế hoạch. Như vậy, chỉ còn phát triển thêm 262 người (14,4%) trong 6 tháng cuối năm.

Để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị năm 2019 nói chung, hoàn thành vượt mức chỉ tiêu phát triển số người tham gia BHXH tự nguyện nói riêng. Tới đây, với phương châm “tất cả vì sự hài lòng của người tham gia”, BHXH tỉnh đẩy mạnh hơn nữa việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho đội ngũ công chức, viên chức ngành BHXH và hệ thống mạng lưới đại lý thu BHXH, BHYT về lợi ích của việc lấy “khách hàng” làm trung tâm cho mọi hoạt động; tăng cường tập huấn, đào tạo nghiệp vụ và kỹ năng truyền thông tích cực cho lực lượng đại lý thu; đôn đốc, kiểm tra, giám sát hoạt động đại lý thu; niêm yết công khai các thông tin về đại lý thu tại các địa điểm thuận lợi cho việc tra cứu của người dân, trên Website BHXH tỉnh, nâng cao chất lượng hoạt động của đại lý trong phục vụ đối tượng tham gia; đổi mới cách thức hoạt động của Hệ thống Bưu điện trong khâu tổ chức truyền thông, đối thoại trực tiếp hướng về cơ sở phù hợp với từng nhóm đối tượng; tiếp tục giao chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện cho cán bộ ngành BHXH và từng đại lý thu, đưa kết quả hoạt động mở rộng, phát triển đối tượng là một trong những tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ, xét thi đua khen thưởng, kỷ luật.

Tin rằng với những giải pháp đồng bộ, sát với điều kiện thực tiễn sẽ tạo động lực thúc đẩy mạnh mẽ số người tham gia BHXH tự nguyện trong toàn tỉnh một cách bền vững, hoàn thành vượt mức chỉ tiêu kế hoạch năm 2019 chỉ còn là vấn đề thời gian./.

                                                                                      Thái Đông Hải


{loadposition baivietmoi}

 

Album ảnh hoạt động