Đề nghị Bộ Y tế làm rõ một số vướng mắc trong thực hiện Nghị định số 75/2023/NĐ-CP

31/10/2023 05:05 PM


Để đảm bảo quyền lợi của người tham gia BHYT, BHXH Việt Nam vừa có công văn đề nghị Bộ Y tế làm rõ một số vướng mắc trong thực hiện Nghị định số 75/2023/NĐ-CP.

Ngày 19/10/2023, Chính phủ ban hành Nghị định số 75/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 146/2018/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật BHYT. Theo phản ánh của BHXH Việt Nam, sau khi nghiên cứu để triển khai thực hiện Nghị định số 75/2023/NĐ-CP, BHXH Việt Nam nhận thấy một số vướng mắc liên quan thủ tục KCB BHYT và điều khoản chuyển tiếp.

Cụ thể, về thủ tục KCB BHYT, tại Khoản 6, Điều 1 Nghị định số 75/2023/NĐ-CP quy định: “Người tham gia BHYT khi khám bệnh, chữa bệnh phải xuất trình thẻ BHYT có ảnh hoặc Căn cước công dân; trường hợp xuất trình thẻ BHYT chưa có ảnh thì phải xuất trình thêm một trong các giấy tờ tùy thân có ảnh do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cấp hoặc giấy xác nhận của Công an cấp xã hoặc giấy tờ khác có xác nhận của cơ sở giáo dục nơi quản lý học sinh, sinh viên; các giấy tờ chứng minh nhân thân hợp pháp khác hoặc giấy tờ được định danh điện tử mức độ 2 theo quy định tại Nghị định số 59/2022/NĐ-CP ngày 5/9/2022 của Chính phủ quy định về định danh và xác thực điện tử”.

Để thống nhất cách hiểu và thống nhất trong tổ chức thực hiện, BHXH Việt Nam đề nghị Bộ Y tế làm rõ: “Các giấy tờ chứng minh nhân thân hợp pháp khác hoặc giấy tờ được định danh điện tử mức độ 2 theo quy định tại Nghị định số 59/2022/NĐ-CP ngày 5/9/2022 của Chính phủ quy định về định danh và xác thực điện tử” là các giấy tờ gì? Thẻ BHYT được tích hợp trên ứng dụng VssID và VNeID có được sử dụng để xuất trình khi đi KCB không? Trong khi hiện nay thẻ BHYT được tích hợp trên các ứng dụng VssID, VNeID đang được thí điểm áp dụng thay thế thẻ BHYT giấy khi đi KCB BHYT.

Về điều khoản chuyển tiếp, tại Điều 4 Nghị định số 75/2023/NĐ-CP quy định: “Người tham gia BHYT vào cơ sở khám bệnh, chữa bệnh để điều trị trước ngày Nghị định này có hiệu lực nhưng ra viện từ ngày Nghị định này có hiệu lực thì được quỹ BHYT thanh toán trong phạm vi được hưởng và mức hưởng theo quy định của Luật BHYT, theo quy định tại các Điểm b, c, d, đ, g và h, Khoản 1; các Khoản 2, 3, 4 và 5, Điều 14 Nghị định số 146/2018/NĐ-CP và quy định tại Khoản 5, Điều 1 Nghị định này”.

Tuy nhiên, công văn của BHXH Việt Nam cũng chỉ rõ một số quy định của Nghị định 75/2023/NĐ-CP lại có mốc thời gian hiệu lực khác nhau, cần được làm rõ để không bỏ sót quyền lợi của những người tham gia BHYT trong giai đoạn chuyển tiếp. Cụ thể, hiệu lực thi hành tại Điều 3 quy định như sau: “Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 3/12/2023”. Tuy nhiên, quy định tại Khoản 1, các Điểm a và b, Khoản 2; các Khoản 3, 4, 5 và 6, Điều 1 Nghị định này được áp dụng từ ngày 19/10/2023; quy định về NSNN hỗ trợ cho đối tượng quy định tại Điểm c, Khoản 2, Điều 1 Nghị định này trong thời gian 36 tháng kể từ ngày 1/11/2023.

Do đó, BHXH Việt Nam đề nghị Bộ Y tế cho ý kiến về việc áp dụng hiệu lực thi hành của Nghị định số 75/2023/NĐ-CP đối với trường hợp người tham gia BHYT vào cơ sở KCB để điều trị trong giai đoạn chuyển tiếp theo quy định tại Điều 4 Nghị định số 75/2023/NĐ-CP.

BHXH Việt Nam cũng đề nghị Bộ Y tế kịp thời hướng dẫn để đảm bảo quyền lợi của người tham gia BHYT và có cơ sở hướng dẫn BHXH các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thống nhất triển khai thực hiện Nghị định số 75/2023/NĐ-CP đúng quy định.

Để kịp thời triển khai có hiệu quả Nghị định số 75/2023/NĐ-CP, BHXH Việt Nam cũng đã ban hành Công văn số 3452/BHXH-CSYT gửi BHXH các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, BHXH Bộ Quốc phòng và BHXH Công an nhân dân về triển khai thực hiện Nghị định.

Bên cạnh đó, chiều ngày 30/10, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh đã làm việc với các đơn vị trực thuộc BHXH Việt Nam yêu cầu gấp rút triển khai các nhiệm vụ được bổ sung trong Nghị định 75. Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh nhấn mạnh, quá trình tham gia xây dựng cũng như triển khai thực hiện chính sách của ngành BHXH Việt Nam phải hướng tới đảm bảo tốt quyền lợi của người dân, thuận lợi trong quá trình thực hiện; đồng thời đảm bảo cho cơ quan thực hiện chính sách an sinh xã hội- là ngành BHXH Việt Nam thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.

Trong thời gian qua, BHXH Việt Nam cũng đã tham gia góp ý kiến, đề xuất và bảo vệ nhiều vấn đề liên quan thực hiện chính sách BHYT như: Bổ sung các nhóm đối tượng được NSNN đóng và hỗ trợ mức đóng BHYT (đặc biệt là hỗ trợ mức đóng cho người DTTS đang sinh sống tại địa bàn các xã khu vực II, khu vực III, thôn đặc biệt khó khăn thuộc vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2016-2020, nhưng theo Quyết định số 861 của Thủ tướng Chính phủ đã không còn trong danh sách các xã khu vực II, khu vực III, thôn đặc biệt khó khăn thuộc vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025...); các giải pháp đảm bảo an toàn, cân đối quỹ BHYT để chính sách BHYT bền vững, không lãng phí nguồn lực, thực hiện tốt chăm sóc sức khỏe cho mọi người dân…

tapchibaohiemxahoi.gov.vn

Album ảnh hoạt động