BHXH một lần- Thay đổi để phù hợp tiêu chuẩn quốc tế

28/09/2023 03:30 PM


Trên thế giới, chỉ có Việt Nam và một nước khác cho phép NLĐ rút BHXH một lần. Thực tế cho thấy, điều này không phù hợp với tiêu chuẩn lao động quốc tế, vì không đảm bảo an ninh thu nhập tuổi già.

Bà Ingrid Christensen- Giám đốc Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tại Việt Nam cho biết, Luật BHXH (sửa đổi) sắp trình Quốc hội sẽ giải quyết được những tồn tại của Luật BHXH 2014. Cụ thể, Dự thảo Luật hướng đến mục tiêu bao phủ BHXH toàn dân thông qua mở rộng diện tham gia BHXH bắt buộc với một số nhóm lao động; giảm thời gian đóng tối thiểu để được hưởng lương hưu từ 20 xuống 15 năm nhằm giúp NLĐ có thời gian đóng ngắn tiếp tục tham gia để được hưởng lương hưu; thể chế hóa hệ thống hưu trí đa tầng giúp gia tăng tính liên kết chính sách.

Đặc biệt, Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) cũng đang nỗ lực giải quyết tình trạng rút BHXH một lần.
Cũng theo bà Ingrid Christensen, Việt Nam là quốc gia duy nhất trên thế giới cho phép NLĐ rút BHXH một lần vào bất cứ thời điểm nào trong suốt quá trình làm việc. Chính sách này không phù hợp tiêu chuẩn lao động quốc tế, bởi không đảm bảo an ninh thu nhập tuổi già. Do đó, để giảm tình trạng rút BHXH một lần, ILO khuyến nghị Việt Nam cần kết hợp giữa việc giảm dần số tiền nhận được do rút BHXH một lần và tăng dần thời gian chờ để được rút thay vì 12 tháng như hiện nay. Đồng thời, tiếp cận từng bước giúp tránh làn sóng rút BHXH một lần vào năm trước khi Luật và các chính sách liên quan có hiệu lực.

Đại diện ILO nhấn mạnh, sự thay đổi này có thể chấp nhận được, vì sau 5 năm, NLĐ vẫn có thể rút phần lớn (50%) khoản đóng góp của mình trong trường hợp cần thiết. Phần còn lại vẫn trên hệ thống và trả cho NLĐ như một khoản trợ cấp hưu trí khi hết tuổi làm việc. Điều này phần nào cải thiện, đảm bảo an ninh thu nhập tuổi già của họ. “Kinh nghiệm cho thấy, những nỗ lực hạn chế rút BHXH một lần trước đây của Việt Nam chưa nhận được sự đồng thuận của NLĐ. Điều này có thể được giải thích bởi tốc độ và mức độ điều chỉnh chính sách chưa phù hợp, sự tin cậy vào hệ thống thấp và thiếu các hình thức hỗ trợ thu nhập thay thế.

Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) đã nêu rất rõ những ưu, nhược điểm của chính sách BHXH một lần. Tuy nhiên, chúng ta cần xác định quyền của cá nhân cũng phải song hành với tập thể NLĐ, nhất là cần phải đặt trong sự an toàn của cả hệ thống. Bởi, BHXH được thiết kế để một người gặp rủi ro sẽ được xã hội góp tay chia sẻ. Cho dù NLĐ ở đâu, làm gì- miễn đang tham gia BHXH, thì đều được bảo vệ bởi hệ thống do chính mình tạo ra.

Như vậy, khi NLĐ nhận BHXH một lần sẽ ảnh hưởng đến bản chất đoàn kết, làm xói mòn tính chia sẻ và giảm năng lực bảo vệ cho toàn bộ thị trường lao động. Ngược lại, nếu NLĐ ở lại hệ thống, thì tất cả quyền của cá nhân đều được bảo vệ đồng thời với những người khác. Do đó, vấn đề đặt ra là phải đảm bảo hài hòa quyền của tập thể bên cạnh quyền của từng cá nhân; khuyến khích từng người ở lại hệ thống theo hướng bền vững.

ansinhxahoionline.tapchibaohiemxahoi.gov.vn