BHXH Việt Nam: Tăng cường các giải pháp thực hiện công tác thu, giảm tiền chậm đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp
27/10/2022 04:30 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Ngày 21/10, Ban Cán sự Đảng BHXH Việt Nam đã ban hành Nghị quyết số 317-NQ/BCSĐ về việc tăng cường các giải pháp thực hiện công tác thu, giảm tiền chậm đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp năm 2022. Theo đó, BHXH Việt Nam phấn đấu đến hết năm 2022 sẽ giảm tỷ lệ số tiền chậm đóng/số phải thu xuống dưới mức 2,93%.
Căn cứ vào tình hình thực hiện công tác thu, giảm tiền chậm đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp đến hết tháng 9/2022 và báo cáo của Ban Quản lý Thu-Sổ thẻ, Ban Cán sự Đảng đánh giá: Từ đầu năm 2022 đến nay, dịch bệnh Covid-19 đã dần được khống chế và kiểm soát, các hoạt động sản xuất kinh doanh trở lại hoạt động và đi vào ổn định, nhiều DN và cơ sở sản xuất kinh doanh mới được thành lập, tạo ra nhiều việc làm và NLĐ cơ bản quay lại làm việc, tình hình kinh tế-xã hội được ổn định, phục hồi tích cực và đạt những kết quả quan trọng, khá toàn diện trên nhiều lĩnh vực.
BHXH Việt Nam phấn đấu hết năm 2022 giảm tỷ lệ chậm đóng xuống dưới mức 2,93%
Cùng với sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền, ban ngành, đoàn thể các cấp và sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, BHXH Việt Nam đã đề ra nhiều biện pháp, giải pháp đồng bộ trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của Lãnh đạo Ngành và Lãnh đạo BHXH các tỉnh, thành phố, sự nỗ lực, phấn đấu của viên chức và người lao động trong toàn Ngành BHXH Việt Nam đã góp phần đẩy mạnh công tác phát triển người tham gia BHXH, BHYT, số tiền chậm đóng có xu hướng giảm.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Ban Cán sự Đảng, từ đầu năm đến nay tình hình thế giới có nhiều biến động nhanh, phức tạp, khó lường, nhiều vấn đề phát sinh chưa có tiền lệ, khó dự báo, cạnh tranh chiến lược nước lớn ngày càng gay gắt, xung đột quân sự Nga- Ukraine kéo dài, lạm phát thế giới tăng cao, xu hướng tăng lãi xuất, thu hẹp chính sách tiền tệ, tài khóa ở nhiều quốc gia và hậu quả của đại dịch Covid-19 kéo dài, dẫn đến suy giảm tăng trưởng kinh tế toàn cầu, rủi ro tài chính, tiền tệ gia tăng, mất ổn định an ninh năng lượng...
Ở trong nước, áp lực lạm phát tăng cao, giá xăng dầu, nguyên vật liệu, các yếu tố đầu vào biến động mạnh, ảnh hưởng lớn đến nhiều ngành, lĩnh vực, trong khi đó dịch bệnh, thiên tai, bão lũ diễn biến phức tạp, gây nhiều khó khăn, thiệt hại cho sản xuất kinh doanh và đời sống nhân dân, do đó dẫn đến công tác thu gặp nhiều khó khăn, số tiền chậm đóng chưa giảm sâu.
Do đó, để đảm bảo hoàn thành kế hoạch thu năm 2022, giảm sâu số tiền chậm đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp xuống mức thấp nhất; Ban Cán sự Đảng BHXH Việt Nam đã thống nhất, quyết nghị một số nội dung đẩy mạnh các giải pháp thực hiện công tác thu trong 3 tháng cuối năm 2022. Trong đó, đặt mục tiêu phấn đấu đến hết năm 2022 toàn Ngành giảm tỷ lệ số tiền chậm đóng/số phải thu xuống dưới mức 2,93%.
Để thực hiện mục tiêu này, Ngành BHXH Việt Nam sẽ triển khai nhiều nhóm giải pháp toàn diện và chủ động. Theo đó, đối với các khoản chậm đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp phát sinh hàng tháng và khoản chậm đóng lũy kế hàng tháng, Ban Cán sự Đảng yêu cầu Giám đốc BHXH tỉnh, BHXH cấp huyện phân công Lãnh đạo, viên chức và lao động hợp đồng tổ chức thực hiện quyết liệt các giải pháp, biện pháp đôn đốc thu, thu tiền chậm đóng không để phát sinh số tiền chậm đóng mới, giảm đơn vị chậm đóng, số tiền chậm đóng. Bên cạnh đó, thường xuyên, kịp thời báo cáo với cấp ủy, chính quyền địa phương và đề xuất, tham mưu, chỉ đạo thực hiện các giải pháp để thu số tiền chậm đóng, trốn đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp trên địa bàn; chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các đơn vị vi phạm theo quy định của pháp luật và thực hiện các giải pháp quyết liệt khác trong việc thu giảm số tiền chậm đóng.
“Giám đốc, Phó Giám đốc phụ trách thu của BHXH tỉnh chịu trách nhiệm trước Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam trong việc hoàn thành chỉ tiêu giảm tiền chậm đóng được BHXH Việt Nam giao”, Nghị quyết nêu rõ.
Song song với đó, Ban Cán sự Đảng yêu cầu Ban Quản lý Thu-Sổ thẻ cần chủ động tham mưu xây dựng giao chỉ tiêu phấn đấu giảm tiền chậm đóng từng tháng của quý 4/2022 cho từng BHXH tỉnh. Đặc biệt, thường xuyên theo dõi, đôn đốc, tháo gỡ vướng mắc của các địa phương, hàng tháng tổ chức giao ban với các đơn vị để chỉ đạo, đôn đốc, đề xuất biểu dương 10 đơn vị hoàn thành tốt, phê bình 10 đơn vị hoàn thành chưa tốt chỉ tiêu giảm tiền chậm đóng được giao.
Trên cơ sở kết quả thực hiện chỉ tiêu giảm tiền chậm đóng hàng tháng, Ban Cán sự Đảng yêu cầu Vụ Tổ chức cán bộ, Vụ Thi đua-Khen thưởng phối hợp với Ban Quản lý Thu-Sổ thẻ kịp thời đề xuất khen thưởng các cá nhân, tập thể có thành tích tốt, phê bình, kiểm điểm và trừ điểm thi đua đối với các cá nhân, tập thể chưa hoàn thành nhiệm vụ giảm số tiền chậm đóng so với kế hoạch được giao.
Đối với số tiền chậm đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp kéo dài tại đơn vị giải thể, phá sản, ngừng hoạt động sản xuất kinh doanh, không còn địa chỉ tại nơi đăng ký kinh doanh… Ban Quản lý Thu-Sổ thẻ xây dựng Báo cáo đánh giá thực trạng và đề xuất phương án giải quyết trình Tổng Giám đốc, xong trước ngày 30/11/2022. Đồng thời, chủ trì phối hợp với Viện Khoa học BHXH đăng ký nghiên cứu đề tài khoa học cấp Nhà nước trong năm 2023 về các giải pháp xử lý nợ, đảm bảo quyền lợi người lao động tại các đơn vị giải thể, phá sản, ngừng hoạt động sản xuất kinh doanh, không còn địa chỉ tại nơi đăng ký kinh doanh...
Theo tapchibaohiemxahoi.gov.vn
Bảo hiểm xã hội tự nguyện
Hướng dẫn Cấp lại thẻ BHYT do hỏng, mất trên Cổng ...
Hướng dẫn đăng ký tài khoản trên Cổng Dịch vụ ...