ĐBQH Lâm Văn Đoan: Cần có giải pháp để nhóm xã hội yếu thế tiếp cận với BHYT
02/06/2022 07:17 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Thảo luận tại hội trường về Báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và NSNN những tháng đầu năm 2022, ĐB Lâm Văn Đoan (Lâm Đồng) cho rằng, ranh giới giữa người nghèo, người cận nghèo và người mới thoát nghèo trên thực tế hết sức mong manh. Vì vậy, cần có giải pháp để nhóm xã hội yếu thế tiếp cận với BHYT.
Theo ĐB Lâm Văn Đoan, tính đến hết tháng 4/2022, cả nước có hơn 85,8 triệu người tham gia BHYT, chiếm tỷ lệ gần 87% dân số- giảm khoảng 4,7% so với thời điểm cuối năm 2021 (khi đó chúng ta đạt tỷ lệ 91,1% dân số tham gia BHYT, tương ứng giảm hơn 3 triệu người). Nguyên nhân chính là do giảm số người được NSNN đóng hoặc hỗ trợ đóng, trong đó có khoảng 2,6 triệu đồng bào DTTS. Đáng chú ý, do đời sống của người dân còn nhiều khó khăn, nên việc trích một khoản tiền để mua thẻ BHYT cũng là lựa chọn không dễ dàng đối với nhiều hộ gia đình.
“Nguyên nhân quan trọng một phần là từ việc phê duyệt danh sách các xã khu vực 3, 2, 1 thuộc vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025 theo Quyết định số 861 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 433 của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc về phê duyệt danh sách các thôn ĐBKK vùng đồng bào DTTS, miền núi giai đoạn 2021-2025. Theo đó, có khoảng 1.946 xã, tương ứng với khoảng 4,9 triệu người không còn thuộc đối tượng được hỗ trợ, vì không thuộc vùng 2 và vùng 3 như trước đây”- ĐB Đoan phân tích.
Cũng theo ĐB Đoan, việc ban hành Quyết định số 861 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 433 của Ủy ban Dân tộc là chủ trương đúng đắn, phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội, là cơ sở cho việc xây dựng, ban hành các Chương trình MTQG, trong đó có Chương trình MTQG về phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS, miền núi. Tuy nhiên, việc phân định này đã có tác động gián tiếp đến chính sách BHYT cho đồng bào, đặc biệt là đồng bào DTTS. Do vậy, cần phải có lộ trình để đảm bảo người dân, nhất là các nhóm xã hội yếu thế có thể thích ứng với thay đổi, không ai bị bỏ lại phía sau.
ĐB Đoan phân tích thêm, đất nước ta vừa trải qua những tác động nghiêm trọng của đại dịch Covid-19, thì sự hỗ trợ của Nhà nước cũng cần thiết và cấp bách để đảm bảo an sinh xã hội cho người dân. Sau đại dịch, các chi phí y tế, chăm sóc sức khỏe được quỹ BHYT hỗ trợ. Tuy nhiên, thẩm quyền quyết định là thuộc Quốc hội vì có liên quan đến Luật BHYT. Do vậy, Chính phủ cần quan tâm đánh giá tình hình và sớm trình Quốc hội bổ sung vào Nghị quyết kỳ họp này về hỗ trợ kinh phí mua thẻ BHYT cho đồng bào DTTS, người khó khăn.
Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân tự mua thẻ BHYT, phân loại các nhóm dân cư có điều kiện kinh tế-xã hội ổn định tốt hơn với nhóm xã hội thực sự khó khăn cần Nhà nước hỗ trợ để mua thẻ BHYT, nhằm đạt mục tiêu BHYT toàn dân và chỉ tiêu Quốc hội giao đến cuối năm 2022 có 92% dân số tham gia BHYT.
ĐB Lâm Văn Đoan cũng cho rằng, việc bố trí vốn sự nghiệp từ ngân sách Trung ương cho các Chương trình MTQG, trong đó có giảm nghèo bền vững còn chưa cân đối, phù hợp với nhu cầu vốn và khả năng giải ngân. Nếu nguồn vốn đầu tư phát triển ngân sách Trung ương bố trí năm 2022 cho Chương trình MTQG giảm nghèo là tương đối cân đối, hài hòa, chiếm 30% tổng nguồn vốn cả giai đoạn, thì nguồn vốn sự nghiệp bố trí còn chưa thực sự hợp lý.
Đơn cử: Giai đoạn 2021-2025, tổng vốn sự nghiệp dành cho Chương trình MTQG giảm nghèo là 28 nghìn tỷ đồng, nhưng trong 2 năm 2021-2022 và thực chất là giải ngân trong năm 2022 chỉ chiếm khoảng 11,3%, còn lại trong 3 năm 2023-2025 có đến gần 90% tổng nguồn vốn sẽ cần thiết phải giải ngân. Điều này là chưa hợp lý, việc bố trí vốn sự nghiệp hàng năm mà không cân đối sẽ làm ảnh hưởng đến việc triển khai thực hiện hiệu quả các mục tiêu của chương trình giảm nghèo bền vững.
Trong phân bổ vốn sự nghiệp ngân sách Trung ương năm 2022 cho Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững hiện cũng chưa bố trí cho 2 dự án là cải thiện dinh dưỡng và hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn huyện nghèo. Vì vậy, cần quan tâm bố trí vốn cho 2 dự án nêu trên trong năm 2022, vì đây là những nhu cầu cấp bách về an sinh xã hội cho trẻ em, phụ nữ mang thai và nuôi con nhỏ, người nghèo và cần được giải ngân hàng năm cho phù hợp với độ tuổi và đối tượng, đặc biệt là các dự án cải thiện suy dinh dưỡng và bảo đảm cuộc sống hàng ngày cho người nghèo. Nếu đổ dồn phân bổ vốn vào những năm cuối của chương trình thì về giải ngân vẫn có thể bảo đảm thực hiện đủ số vốn được phân bổ, nhưng xét về đối tượng lại không hiệu quả và khả thi.
“Ranh giới giữa người nghèo, người cận nghèo và người mới thoát nghèo trên thực tế hết sức mong manh. Chỉ cần một cú sốc nhỏ, kể cả ốm đau, thất nghiệp, mất việc làm cũng có thể làm cho người mới thoát nghèo lại trở lại nhóm nghèo hoặc rơi vào hoàn cảnh quẫn bách, khó khăn. Chính vì vậy, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Quốc hội hàng năm dành sự quan tâm cho việc bố trí, phân bổ nguồn vốn cho các lĩnh vực văn hóa, xã hội như: An sinh xã hội, bảo trợ xã hội, giảm nghèo, văn hóa, gia đình, bình đẳng giới, cai nghiện ma túy”- ĐB Đoan đề nghị.
Theo tapchibaohiemxahoi.gov.vn
Bảo hiểm xã hội tự nguyện
Hướng dẫn Cấp lại thẻ BHYT do hỏng, mất trên Cổng ...
Hướng dẫn đăng ký tài khoản trên Cổng Dịch vụ ...