Bảo vệ sức khỏe xã hội là yếu tố then chốt góp phần đạt BHYT toàn dân

12/12/2021 02:43 PM


Theo Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), ước tính còn 1,6 tỷ người trong khu vực Châu Á và Thái Bình Dương chưa được tiếp cận hiệu quả tới các chương trình bảo vệ sức khỏe xã hội.

Mặc dù hơn 3/4 dân số khu vực về pháp lý được hưởng quyền lợi chăm sóc y tế, vẫn tồn tại khoảng trống lớn về pháp lý trong phạm vi bao phủ, việc không nhận thức đầy đủ về quyền đi đôi với những khó khăn trong thực tiễn thực hiện và trở ngại trong tiếp cận các dịch vụ khiến rất nhiều người trong khu vực Châu Á và Thái Bình Dương phải tự chi trả cho các dịch vụ y tế và điều này thường khiến họ rơi vào cảnh nghèo khó.

Báo cáo lần đầu tiên về mở rộng phạm vi bảo vệ sức khỏe xã hội tại châu Á và Thái Bình Dương, mở rộng phạm vi bảo vệ sức khỏe xã hội: Đẩy nhanh tiến độ hướng tới BHYT toàn dân tại Châu Á và Thái Bình Dương nêu bật những tiến bộ, thách thức và khoảng trống trong phạm vi bao phủ trong khu vực. Trong bối cảnh đại dịch Covid-19, báo cáo cũng cho thấy, vai trò thiết yếu của bảo vệ sức khỏe xã hội nhằm bảo vệ sức khỏe, việc làm và thu nhập của người dân trong khủng hoảng và hơn thế nữa.

Ông Guy Ryder- Tổng Giám đốc ILO cho biết, đầu tư cho bảo vệ sức khỏe xã hội là yếu tố then chốt góp phần đạt được BHYT toàn dân. Đại dịch Covid-19 đã nhắc nhở chúng ta về vai trò thiết yếu của bảo vệ sức khỏe xã hội đối với việc hỗ trợ sức khỏe, việc làm và thu nhập của người dân, đồng thời đây cũng là yếu tố then chốt của một công cuộc phục hồi bao trùm. Đó là một lựa chọn chính sách hợp lý và có đạo đức, tạo tiền đề cho phát triển bền vững và công bằng xã hội. Báo cáo chỉ ra những bất bình đẳng đáng kể trong diện bao phủ BHYT trong khu vực cũng như giữa các nước trong Châu Á và Thái Bình Dương. Chưa đến một nửa lực lượng lao động trong khu vực được bảo đảm an ninh thu nhập khi đau ốm theo luật pháp, trong đó chỉ có 45,9% phụ nữ được bảo vệ trong trường hợp bị mất thu nhập trong thời kỳ thai sản. “Những khoảng trống trong diện bao phủ cũng ảnh hưởng nặng nề hơn tới phụ nữ và nam giới có công việc và thu nhập không ổn định hay không thường xuyên như lao động tự làm, lao động trong khu vực kinh tế phi chính thức cũng như lao động di cư và gia đình họ. Lao động trong lĩnh vực nông nghiệp, lao động giúp việc gia đình và gia đình họ bị ảnh hưởng đặc biệt nặng nề”- ông Guy Ryder khẳng định.

Bà Chihoko Asada-Miyakawa- Giám đốc Văn phòng ILO khu vực Châu Á và Thái Bình Dương cho biết, còn rất nhiều người dân trong khu vực Châu Á và Thái Bình Dương chưa thuộc diện bao phủ hay chưa được tiếp cận hiệu quả với các dịch vụ chăm sóc y tế, đại dịch Covid-19 khiến tình hình càng xấu hơn. Việc mở rộng phạm vi bao phủ và tăng cường năng lực thể chế sẽ giúp các xã hội tiến tới phục hồi bao trùm, giúp giải quyết tình trạng bất bình đẳng sâu sắc về cơ cấu vốn đã cản trợ sự tiến bộ trong một thời gian quá dài.

Theo tapchibaohiemxahoi.gov.vn