Tấm gương sáng trong công tác phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện ở một xã vùng sâu, biên giới Đăk Nhoong, huyện Đăk Glei

19/12/2022 03:08 PM


Đăk Nhoong là một xã vùng sâu, biên giới, đa số là người dân tộc thiểu số sinh sống (99%), đời sống người dân còn nhiều khó khăn, kinh tế không ổn định, đường xá đi lại trong nội xã khá hiểm trở, nhiều đoạn đường xuống cấp nghiêm trọng, giao thương không thuận lợi. Việc vận động làm thay đổi nếp nghĩ của bà con hình thành thói quen tiết kiệm tài chính tham gia BHXH tự nguyện để sau này về già có lương hưu là một quyết định hết sức khó khăn với bà con nơi đây.

Chị Trần Thị Tâm là một cán bộ Tư pháp - hộ tịch của xã Đăk Nhoong, luôn gần gũi nhân dân, có mối quan hệ gắn bó mật thiết với nhân dân nơi đây. Biết được những khó khăn mà người dân gặp phải, chị Tâm thường xuyên xuống tận thôn làng để tuyên truyền về các chính sách, pháp luật để người dân biết và chấp hành, cụ thể là tuyên truyền về vấn nạn tảo hôn, nhắc nhở người dân khai sinh, khai tử kịp thời, không vi phạm pháp luật để bị xử lý hành chính cũng như hình sự, tuyên truyền người dân hiểu được tác hại và vi phạm pháp luật của vấn nạn tảo hôn. Chính vì vậy nhân dân rất thương quý và hay tâm sự mở lòng với chị.

Thấy được lợi ích thiết thực của chính sách BHXH tự nguyện mang lại cho người dân, tranh thủ lòng tin của nhân dân, chị cũng thường xuyên tuyên truyền, vận động người dân tích góp tài chính tham gia BHXH tự nguyện để sau này về già có được lương hưu sẽ đỡ vất vả hơn. Với giọng nói truyền cảm, dễ nghe và dể hiểu, nhiều người đã được chị thuyết phục và tham gia khá bền vững. Tận dụng vào mùa thu hoạch nông sản, chị Tâm đã vận động người dân tham gia hình thức từ 06 tháng trở lên đến tối đa 05 năm một lần. Người nào không có có khả năng tham gia dài hạn thì đóng theo phương thức hàng tháng, quý. Với phương thức đóng hàng tháng, đến kỳ đóng tiếp, chị cũng không ngại khó, lặn lội hàng km để xuống tận nơi thu tiền cho người dân, có những lúc người dân đi làm rẫy không gặp được, chị phải quay lại nhiều lần để thu tiền đóng cho cơ quan BHXH kịp thời.

Mặc dù địa hình khá hiểm trở, đường đi không có điện thắp sáng, nhưng cứ một tuần hai lần vào buổi tối chị lại đi xe máy vài km đường rừng để xuống tận thôn, làng tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện. Chị còn chia sẻ, hướng dẫn cho người dân tiết kiệm tiền để tham gia BHXH tự nguyện bằng nhiều hình thức như trồng rau sạch, nuôi gia cầm của người bản địa (bí xanh, bí đỏ, dưa nước, nuôi gà thả rẫy…) để bán cho thương buôn ngoài huyện. Nhờ vậy mà hầu như tháng nào chị cũng có người tham gia BHXH tự nguyện. Đến nay số người do chị phát triển đã lên đến 190 người.

Chị Tâm đã nhiều lần được Ban Chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH, BHYT huyện và BHXH huyện Đăk Glei đề xuất UBND huyện, BHXH tỉnh Kon Tum biểu dương, khen thưởng.

              Phan Thị Hải