"TÔI SAI RỒI!"

08/04/2020 01:27 PM


Đó là câu kết trong status của một facebooker được chia sẻ nhiều những ngày qua. Giữa bối cảnh khó khăn phải đối mặt với trọng bệnh, nguy hiểm cận kề, nhiều người mới nhận ra chân giá trị của cuộc sống. Trong những thứ thực sự thiết yếu và quan trọng với đời sống, không thể thiếu tấm thẻ BHYT…

(ảnh minh họa)

Đến lúc phải thay đổi…

"Quả thật từ ngày hôm qua trở về trước, tôi chưa từng có một suy nghĩ tử tế, một câu nói thiện chí về ngành của các anh/chị. Bản thân tôi, dù đóng BHYT hai mươi năm nhưng khi ốm đau chưa bao giờ đủ kiên nhẫn đứng vào hàng “Bệnh nhân BHYT” luôn đông đúc vì sợ mình sẽ bị đối xử. Chẳng thà gồng mình lên, để đứng vào hàng “bệnh nhân tự nguyện” để (cảm giác) được chăm sóc nhiệt tình hơn. Chưa bao giờ tôi chủ động sử dụng cái thẻ “bảo hiểm quốc doanh” của mình, thậm chí còn không cả đi lĩnh bảo hiểm thất nghiệp với suy nghĩ “làm gì phải chen lấn vì mấy đồng bạc còm”. Nhiều lúc nghĩ giờ ra làm tự do rồi thì trả sổ, “lấy một cục” về khỏi phải lo đóng nữa..."

Đó là những suy nghĩ của anh Hoàng Tuấn L, Hà Nội, chia sẻ trên trang facebook cá nhân mấy ngày qua. Và câu chuyện khiến anh thay đổi nhận thức cũng thực sự khiến người đọc, người nghe thấm thía.

Anh kể: Cháu ruột của tôi, là một người khuyết tật, năm nay hơn 20 tuổi, thuộc diện được nhà nước cấp thẻ BHYT. Người thân trong gia đình cũng chỉ là lao động tự do, thu nhập tạm đủ sống, chẳng dư dả gì nhiều để tích lũy. Mọi chuyện không có gì đáng nói cho đến dịp Tết vừa rồi, cháu được bác sĩ chẩn đoán ung thư máu cấp tính và lẽ dĩ nhiên phải vào viện điều trị. Vào viện, khi nghe y tá nói trường hợp cháu mình thuộc diện được BHYT chi trả 100%, anh Tuấn L vẫn không có nhiều bận tâm; thậm chí còn nghĩ: Chắc được trả tiền giường với mấy viên thuốc linh tinh, còn “các loại thuốc đặc trị không nằm trong phạm vi bảo hiểm thì gia đình vui lòng chi trả” chứ gì. Đây biết thừa. Bảo hiểm tự đóng còn chả ăn thua nói gì bảo hiểm miễn phí!”. 

Nhưng rồi, rất nhanh chóng anh nhận ra điều khác biệt: hàng ngày, khi vào viện chăm sóc cháu, nhìn số lượng các bình dịch truyền, các túi máu và tiểu cầu được đưa vào truyền liên tục, có lúc liếc qua cái bảng kê thấy một lọ kháng sinh đặc trị bé tí mà có giá tới gần 05 triệu đồng; và rồi anh phải thốt lên: Bảo sao người ta gọi đây là bệnh “bán nhà”! 

Bức ảnh chụp tờ kê khai viện phí được anh Hoàng Tuấn L. chia sẻ trên trang facebook cá nhân

Đến lúc người thân được ra viện sau một tháng điều trị. Khi nhìn bảng kê viện phí, dù tự nhận mình là người có “công phu” (ý nói đã nhiều kinh nghiệm sống, không quá bất ngờ trước những việc kỳ lạ xảy ra xung quanh – PV) nhưng anh L cũng phải thốt lên trong sự ngỡ ngàng. Sau đó, như anh tự thú nhận, một cảm giác cắn rứt lương tâm vì đã từng có những suy nghĩ không hay về Ngành BHXH. Những con số chi phí điều trị càng khiến anh nhận ra nhiều điều. Số tiền 213 triệu đồng kia là BHYT chi trả cho đợt 30 ngày điều trị đầu tiên. Với nhiều người, số tiền này đã là cả một gia tài, chưa kể còn nhiều đợt điều trị tiếp theo nữa. Nếu không có BHYT, chuyện bán nhà là cầm chắc; đó là trong trường hợp còn có nhà để bán chứ như bản thân tôi thì lấy đâu ra. "Một lần nữa xin lỗi các anh/ chị Ngành BHXH! Tôi sai rồi!" - Anh Tuấn L tâm sự sau những ngày dài chăm sóc người thân trong bệnh viện và nhìn vào tờ giấy kê số chi phí điều trị: 224,5 triệu đồng, cơ quan BHXH chi trả 213 triệu đồng.

Có lẽ, đâu đó trong xã hội vẫn còn không ít người như anh Tuấn L. Đang lúc còn trẻ, khỏe, còn lao động, kiếm được tiền, nên không mấy coi trọng việc tích lũy, lo lắng cho tương lai hay những lúc ốm đau, trọng bệnh. Chỉ đến khi bản thân mình lâm vào cảnh “người trong cuộc” mới thấm thía được nhiều điều. Cũng thật may cho anh Tuấn L, kịp nhận ra những điều đúng đắn khi chưa quá muộn. Lời xin lỗi của anh, được chia sẻ trên mạng xã hội, cũng giúp không ít người nhận ra được giá trị lớn lao của BHYT.

Thay cho lời kết

Câu chuyện của anh Hoàng Tuấn L được chia sẻ giữa những ngày dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, đang lan rộng tại nhiều quốc gia. Cũng tương tự như câu chuyện của gia đình anh Tuấn L, giữa bối cảnh khó khăn này, khi đối mặt với bệnh nặng, nguy hiểm cận kề, nhiều người mới thực sự nhận ra chân giá trị, những thứ thực sự quan trọng thiết yếu.

Trong khi nhiều quốc gia đang còn loay hoay giữa việc chi trả hay không chi trả tiền xét nghiệm, chưa nói đến chi phí điều trị Covid-19, thì tại Việt Nam, những chính sách An sinh xã hội đã tạo nên điều khác biệt. Ngay cả với Mỹ, quốc gia phát triển kinh tế, chính sách chi trả cho việc xét nghiệm, điều trị Covid-19 cũng mới chỉ được ban hành cách đây không lâu – khi tình hình đã trở nên nghiêm trọng. Tại Việt Nam, chi phí xét nghiệm, điều trị trong những ngày cách ly do nghi nhiễm Covid-19 được BHYT chi trả - và đây là những quy định trong Luật BHYT được thực thi từ lâu. Chẳng may nếu có bị dương tính với Covid-19, quá trình điều trị chắc chắn sẽ được Nhà nước bảo đảm theo quy định của Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm. Hiếm ở quốc gia nào, người dân có thể được yên tâm đến vậy. Đó là chân giá trị ở đất nước dù chưa giàu về kinh tế nhưng luôn có những chính sách nhân văn, đặt con người là trung tâm của sự phát triển, vì con người, không bỏ lại ai phía sau. Đó là những chủ trương, chính sách đã và đang được triển khai trong thực tiễn cuộc sống, với những câu chuyện điển hình trong mùa dịch Covid-19./.

Nguồn: tapchibaohiemxahoi.gov.vn

  • TIN BÀI LIÊN QUAN