Giải quyết hưởng chế độ ốm đau, thai sản, trợ cấp dưỡng sức phục hồi sức khỏe trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công

31/05/2022 04:07 PM


Bảo hiểm xã hội Việt Nam vừa ban hành quyết định số 1199/QĐ-BHXH ngày 25/5/2022 về việc ban hành dịch vụ công trực tuyến “giải quyết hưởng chế độ ốm đau, thai sản, trợ cấp dưỡng sức phục hồi sức khỏe” thuộc lĩnh vực thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội.

Theo đó, dịch vụ công Giải quyết hưởng chế độ ốm đau, thai sản, trợ cấp dưỡng sức phục hồi sức khỏe (DSPHSK) sau ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp (TNLĐ-BNN) sẽ được kết nối, tích hợp để cung cấp dịch vụ công trực tuyến này trên Cổng Dịch vụ công ngành Bảo hiểm Xã hội Việt Nam và trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia đảm bảo đúng quy định, áp dụng từ ngày 15/6/2022.

https://dichvucong.gov.vn

Quyết định cũng ban hành kèm theo phụ lục Dịch vụ công Giải quyết hưởng chế độ ốm đau, thai sản, trợ cấp DSPHSK sau ốm đau, thai sản, TNLĐ-BNN gồm mức độ thực hiện; cơ quan thực hiện; đối tượng thực hiện, các trường hợp áp dụng, thành phần hồ sơ; số lương hồ sơ; mẫu biểu kê khai; trình tự thực hiện; cách thức thực hiện; thời hạn giải quyết; kết quả giải quyết. 

Các trường hợp áp dụng hưởng chế độ ốm đau bao gồm:

Người lao động đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc bị ốm đau, tai nạn mà không phải là tai nạn lao động, hoặc điều trị thương tật, bệnh tật tái phát do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp phải nghỉ việc và có xác nhận của cơ sở khám chữa bệnh có thẩm quyền theo quy định của Bộ Y tế.

Người lao động đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc phải nghỉ việc để chăm sóc con dưới 7 tuổi bị ốm đau và có xác nhận của cơ sở khám chữa bệnh có thẩm quyền. Lao động nữ đi làm trước khi hết thời hạn nghỉ sinh con mà thuộc một trong các trường hợp quy định ở trên.

Các trường hợp áp dụng hưởng chế độ thai sản bao gồm:

Lao động nữ mang thai; lao động nữ sinh con; lao động nữ mang thai hộ và người mẹ nhờ mang thai hộ; người lao động nhận nuôi con nuôi dưới 6 tháng tuổi; lao động nữ đặt vòng tránh thai, thực hiện biện pháp triệt sản; lao động nam đang đóng bảo hiểm xã hội có vợ sinh con.

Người lao động theo quy định nêu trên phải đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 6 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi.

Người lao động đã đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 12 tháng trở lên mà khi mang thai phải nghỉ việc để dưỡng thai theo chỉ định của cơ sở khám chữa bệnh có thẩm quyền thì phải đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 3 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con.

Các trường hợp áp dụng hưởng trợ cấp dưỡng sức phục hồi sức khỏe sau ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp bao gồm:

Người lao động đã nghỉ hưởng chế độ ốm đau đủ thời gian trong một năm theo quy định kể cả Người lao động mắc bệnh thuộc Danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày do Bộ Y tế ban hành, trong khoảng thời gian 30 ngày đầu trở lại làm việc mà sức khoẻ chưa phục hồi. Lao động nữ sau thời gian hưởng chế độ thai sản, trong khoảng thời gian 30 ngày đầu trở lại làm việc mà sức khỏe chưa phục hồi. Người lao động đang tham gia bảo hiểm TNLĐ, BNN bắt buộc sau khi điều trị ổn định thương tật do TNLĐ hoặc bệnh tật do BNN bị suy giảm KNLĐ từ 15% trở lên, trong thời gian 30 ngày đầu trở lại làm việc mà sức khỏe chưa phục hồi.

Để giải quyết chế độ cho Người lao động, Đơn vị sử dụng Lao động chuẩn bị Bản chính Danh sách đề nghị giải quyết hưởng chế độ ốm đau, thai sản, DSPHSK (mẫu 01B-HSB).

Trình tự thực hiện:

Bước 1: Lập, nộp hồ sơ

Người lao động (NLĐ) hưởng chế độ ốm đau, thai sản: Lập hồ sơ theo quy định tại mục thành phần hồ sơ và nộp cho đơn vị sử dụng lao động (SDLĐ) trong thời hạn không quá 45 ngày kể từ ngày trở lại làm việc.

Đơn vị SDLĐ: Tiếp nhận hồ sơ từ NLĐ. Đối với hưởng trợ cấp DSPHSK: Thủ trưởng đơn vị SDLĐ phối hợp với Ban Chấp hành Công đoàn cơ sở căn cứ hồ sơ hưởng chế độ ốm đau, thai sản, TNLĐ- BNN, tình trạng sức khỏe của NLĐ và quy định của chính sách để quyết định về số NLĐ, số ngày nghỉ DSPHSK sau ốm đau, thai sản, TNLĐ, BNN theo quy định (trường hợp chưa thành lập công đoàn cơ sở thì người sử dụng LĐ quyết định). Lập Danh sách đề nghị giải quyết hưởng chế độ ốm đau, thai sản, DSPHSK (mẫu số 01B-HSB) trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ từ NLĐ theo quy định (hoặc trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày người lao động đủ điều kiện hưởng trợ cấp DSPHSK sau ốm đau, thai sản); nộp cho cơ quan BHXH nơi đơn vị SDLĐ đóng BHXH.

Bước 2: Cơ quan BHXH tiếp nhận hồ sơ và giải quyết theo quy định

Bước 3: Nhận kết quả:

Đơn vị SDLĐ, NLĐ nhận kết quả giải quyết của cơ quan BHXH.

Cách thức thực hiện:

Nộp hồ sơ:

NLĐ nộp hồ sơ trực tiếp cho đơn vị SDLĐ.

Đơn vị SDLĐ nộp hồ sơ cho cơ quan BHXH bằng một trong các hình thức sau: Qua giao dịch điện tử: đơn vị SDLĐ lập hồ sơ điện tử, ký số và gửi lên Cổng Dịch vụ công của BHXH Việt Nam, Cổng Dịch vụ công quốc gia hoặc qua tổ chức I-VAN; nếu chưa chuyển đổi hồ sơ giấy sang dạng điện tử thì gửi hồ sơ giấy đến cơ quan BHXH qua bưu chính. Qua dịch vụ Bưu chính. Trực tiếp tại cơ quan BHXH.

Nhận kết quả:

Đơn vị SDLĐ: Nhận Danh sách giải quyết hưởng chế độ ốm đau, thai sản, DSPHSK (Mẫu C70a-HD) theo hình thức đã đăng ký (trực tiếp tại cơ quan BHXH hoặc qua bưu chính hoặc qua giao dịch điện tử). Nhận tiền trợ cấp cơ quan BHXH chuyển qua tài khoản của đơn vị để chi trả cho NLĐ đăng ký nhận bằng tiền mặt tại đơn vị SDLĐ.

NLĐ nhận tiền trợ cấp bằng một trong các hình thức sau: Thông qua đơn vị SDLĐ. Thông qua tài khoản cá nhân. Trực tiếp nhận tại cơ quan BHXH trong trường hợp chưa nhận tại đơn vị mà đơn vị đã chuyển lại kinh phí cho cơ quan BHXH. Trường hợp ủy quyền cho người khác lĩnh thay, thực hiện theo quy định tại Dịch vụ công “Ủy quyền lĩnh thay các chế độ BHXH, trợ cấp thất nghiệp” hoặc bản chính Hợp đồng ủy quyền theo quy định của pháp luật.

Thời hạn giải quyết:

Tối đa 6 ngày làm việc kể từ ngày cơ quan BHXH nhận đủ hồ sơ theo quy định.

Kết quả giải quyết:

Danh sách giải quyết hưởng chế độ ốm đau, thai sản, trợ cấp DSPHSK (Danh sách C70a-HD). Tiền trợ cấp.

Thanh Nga

Album ảnh hoạt động