Bảo hiểm y tế - Sự lựa chọn đúng đắn cho chăm sóc sức khỏe
20/01/2022 01:38 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Không phải ngẫu nhiên, dân gian có câu “phòng bệnh hơn chữa bệnh”, “sức khỏe là vàng”, “có sức khỏe là có tất cả”… Vậy chúng ta đã trang bị cho mình giải pháp để được chăm sóc sức khỏe chưa?
Bảo hiểm y tế (BHYT) là một trong những chính sách an sinh xã hội quan trọng, mang tính nhân văn, nhân đạo sâu sắc, thể hiện sự tương thân tương ái, chia sẻ cộng đồng. Đồng thời thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước nhằm hướng tới công bằng trong chăm sóc sức khỏe, góp phần đảm bảo an sinh xã hội cho mọi người dân.
Khi luật BHYT sửa đổi, bổ sung một số điều được thông qua (năm 2008), từ “Bảo hiểm y tế toàn dân” được sử dụng, với ý nghĩa chính sách BHYT là dành cho toàn dân, mọi công dân Việt Nam đều có quyền tham gia BHYT để được hưởng quyền lợi khám, chữa bệnh bằng BHYT. Theo quy định của Luật BHYT, ngoài những trường hợp thuộc đối tượng bắt buộc tham gia BHYT như: Người lao động đang làm việc tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, học sinh, sinh viên…, đối tượng được Nhà nước cấp thẻ BHYT như: Người hưởng lương hưu và trợ cấp BHXH, trẻ em dưới 6 tuổi, người thuộc hộ gia đình nghèo, người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn… Thì người dân làm công việc tự do, nông, lâm, ngư nghiệp cũng được khuyến khích tham gia BHYT theo hộ gia đình để đảm bảo sự công bằng trong thụ hưởng các chính sách an sinh của xã hội.
Với mệnh giá thẻ BHYT hộ gia đình hiện nay là 804.600 đồng/năm, những gia đình có từ 2 người tham gia theo hộ gia đình thì được giảm trừ mức đóng. Mức đóng BHYT hộ gia đình được quy định như sau: Người thứ nhất đóng bằng 4,5% mức lương cơ sở; người thứ hai, thứ ba, thứ tư đóng lần lượt bằng 70%, 60%, 50% mức đóng của người thứ nhất; từ người thứ năm trở đi đóng bằng 40% mức đóng của người thứ nhất. Trên thực tế, với số tiền ấy có nhiều trường hợp không đủ chi phí cho một hoặc hai đợt điều trị nội trú. Báo cáo số 28/BC-BHXH ngày 06 tháng 01 năm 2022 của Bảo hiểm xã hội tỉnh Kon Tum về số lượt khám chữa bệnh và số tiền chi trả của quỹ BHYT cho thấy, chỉ trong năm 2021 số người khám, chữa bệnh BHYT trong toàn tỉnh là 853.187 lượt người với số tiền chi trả từ Quỹ BHYT là hơn 350 tỷ đồng, một con số không hề nhỏ, trong đó có vài trăm người mắc các bệnh nan y, được quỹ chi trả chi phí khám, chữa bệnh lên tới vài trăm triệu đồng...... Qua đây cho chúng ta thấy rõ hơn ý nghĩa và tầm quan trọng của chính sách BHYT đối với người dân mà Đảng và Nhà nước ta đang thực hiện.
Bác sĩ CKI, Nguyễn Khánh Việt - Khoa hồi sức tích cực và chống độc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kon Tum, nơi mỗi ngày tiếp nhận hàng chục ca bệnh nặng, chi phí điều trị một đợt không dưới con số chục triệu đồng đã chia sẻ: Bây giờ mỗi lần tiếp nhận một ca bệnh, sau khi thăm khám, chẩn đoán, câu đầu tiên mà đội ngũ Y, bác sĩ ngành y hỏi là: anh, chị, cô, chú, bác ..... có thẻ BHYT không, bệnh nhân trả lời có thẻ, thì chúng tôi thở phào vì có thẻ BHYT thì bác sĩ chỉ lo chữa bệnh, không phải lo kêu gọi mạnh thường quân hỗ trợ viện phí.....có những bệnh nhân người dân tộc thiểu số không có thẻ BHYT, phải kêu gọi hỗ trợ cả chi phí chữa bệnh và chi phí sinh hoạt. Có không ít trường hợp, chờ đến khi có tiền các nhà hảo tâm hỗ trợ thì cơ hội chữa bệnh không còn. Vì vậy hãy chăm sóc sức khỏe của mình, hãy chủ động từ khi còn khỏe, đừng trông chờ vào ai, và cũng đừng để đến khi quá muộn.
Đặc biệt từ tháng 6 năm 2021 đến nay, thực hiện Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 04/06/2021 của Thủ tướng Chính phủ. Kon Tum giảm thẻ đối với những thôn đủ điều kiện công nhận nông thôn mới, nhưng với điều kiện là vùng núi, người dân tộc thiểu số chiếm đa số, kinh tế vẫn còn khó khăn. Thấu hiểu được “Sức khỏe là vàng”, những nhà hoạt động thiện nguyện chọn tấm thẻ BHYT là một trong những món quà tặng người có hoàn cảnh khó khăn. Có thể nói chương trình hỗ trợ tham gia BHYT là một “cú huých” quan trọng trong lộ trình BHYT toàn dân. Xúc động biết bao là chương trình “Tặng thẻ BHYT chia sẻ yêu thương” cho học sinh dân tộc thiểu số tại huyện Kon Plông. Chương trình này đã tặng 260 thẻ BHYT cho các cháu học sinh dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn. Đây là chương trình không chỉ mang mục đích thiện nguyện mà hơn thế nữa còn góp phần lan tỏa thông điệp “cộng đồng chia sẻ” của chính sách BHYT đầy nhân văn..... Nếu người được tặng thẻ BHYT chẳng may ốm đau, trọng bệnh sẽ không rơi vào hoàn cảnh khốn cùng vì chi phí trị bệnh. Nếu họ không phải sử dụng đến nó thì còn gì tuyệt vời hơn. Và khi đó những con người khốn cùng, tưởng như suốt đời chỉ “NHẬN” chứ không “CHO” thì thông qua việc giữ sức khỏe của mình, không phải sử dụng thẻ BHYT, đã cho số tiền đó không chỉ 1 người mà là gần 90 triệu người Việt Nam đang tham gia BHYT, những người đang được quỹ BHYT chi trả chi phí chữa bệnh, hoặc có thể sẽ phải điều trị bệnh ngày mai...
Và cuối cùng xin được mượn một lời triết gia thay cho lời kết: nếu bạn có sức khỏe, bạn sẽ có hàng trăm điều ước, nếu bạn không có sức khoẻ, bạn sẽ chỉ ước một điều duy nhất là sức khỏe. Vậy thì còn chần chừ gì nữa, hãy tự tặng 100 điều ước cho mình bằng việc tham gia BHYT ngay hôm nay./.
Nguyễn Thị Tuyết - BHXH huyện Kon Plông
Bảo hiểm xã hội tự nguyện
Hướng dẫn Cấp lại thẻ BHYT do hỏng, mất trên Cổng ...
Hướng dẫn đăng ký tài khoản trên Cổng Dịch vụ ...
Hướng dẫn kê khai hồ sơ trên Cổng Dịch vụ công ...
Album ảnh hoạt động