Quy định cách tính lương hưu hàng tháng đối với người lao động tham gia BHXH tự nguyện

30/06/2021 07:11 AM


Điều kiện hưởng lương hưu hàng tháng đối với người tham gia BHXH tự nguyện được quy định tại Điều 73, Luật BHXH số 58/2014/QH13; Điều 3, Nghị định số 134/2015/NĐ-CP ngày 29/12/2015 của Chính phủ quy định chi tiết về một số điều của Luật bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội tự nguyện và Điều 4, Nghị định số 135/2020/NĐ-CP, ngày 18/11/2020 của Chính phủ quy định về tuổi nghỉ hưu.

Điều 3, Nghị định số 134/2015/NĐ-CP, quy định về mức lương hưu hằng tháng được tính bằng tỷ lệ hưởng lương hưu hằng tháng nhân với mức bình quân thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội. Theo đó, Người nghỉ hưu từ ngày 01 tháng 01 năm 2016 đến trước ngày 01 tháng 01 năm 2018, tỷ lệ hưởng lương hưu hằng tháng được tính bằng 45% tương ứng với 15 năm đóng bảo hiểm xã hội, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội thì tính thêm 2% đối với nam và 3% đối với nữ; mức tối đa bằng 75%.

Thời gian nghỉ hưu từ ngày 01 tháng 01 năm 2018 trở đi, đối với Nữ tỷ lệ hưởng lương hưu hằng tháng được tính bằng 45% tương ứng với 15 năm đóng bảo hiểm xã hội, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội thì tính thêm 2%; mức tối đa bằng 75%; đối với Nam tỷ lệ hưởng lương hưu hằng tháng được tính bằng 45% tương ứng với số năm đóng bảo hiểm xã hội theo bảng dưới đây, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội, được tính thêm 2%; mức tối đa bằng 75%:

Năm nghỉ hưu

Số năm đóng bảo hiểm xã hội tương ứng với tỷ lệ hưởng lương hưu 45%

2018

16 năm

2019

17 năm

2020

18 năm

2021

19 năm

Từ 2022 trở đi

20 năm

Tỷ lệ hưởng lương hưu hằng tháng nếu thời gian đóng BHXH có tháng lẻ từ 01 tháng đến 6 tháng tính là nửa năm, từ 7 tháng đến 11 tháng tính là một năm.

Tại Khoản 1, Điều 4, Nghị định số 135/2020/NĐ-CP Quy định về tuổi nghỉ hưu; Theo đó, người tham gia BHXH bắt buộc và người tham gia đóng BHXH tự nguyện “Kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 03 tháng đối với lao động nam và đủ 55 tuổi 04 tháng đối với lao động nữ; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 03 tháng đối với lao động nam cho đến khi đủ 62 tuổi vào năm 2028 và cứ mỗi năm tăng thêm 04 tháng đối với lao động nữ cho đến khi đủ 60 tuổi vào năm 2035”.

Một số ví dụ người hưởng lương hưu hằng tháng có toàn bộ thời gian tham gia đóng BHXH tự nguyện.

Ví dụ 1: Ông A hưởng lương hưu từ tháng 6/2020, thời gian đóng BHXH tự nguyện là 23 năm 7 tháng, mức bình quân thu nhập tháng đóng BHXH là 6.000.000 đồng/tháng. Mức lương hưu hằng tháng của ông A được tính như sau:

- Tỷ lệ hưởng lương hưu hằng tháng của ông A được tính như sau:

+ Thời gian đóng BHXH của ông A là 23 năm 7 tháng, số tháng lẻ 7 tháng được tính là 01 năm, nên số năm đóng BHXH để tính hưởng lương hưu của ông A là 24 năm.

+ 18 năm đầu tính bằng 45%;

+ Từ năm thứ 19 đến năm thứ 24 là 6 năm, tính thêm: 6 x 2% = 12%;

Tỷ lệ hưởng lương hưu hằng tháng của ông A là: 45% + 12% = 57%.

- Mức lương hưu hằng tháng của ông A là:

57% x 6.000.000 đồng/tháng = 3.420.000 đồng/tháng.

Ví dụ 2: Bà B hưởng lương hưu từ tháng 02/2020, thời gian đóng BHXH tự nguyện là 22 năm 01 tháng, mức bình quân thu nhập tháng đóng BHXH là 5.000.000 đồng/tháng. Mức lương hưu hằng tháng của bà B được tính như sau:

- Tỷ lệ hưởng lương hưu hằng tháng của bà B:

+ Thời gian đóng BHXH của bà B là 22 năm 01 tháng, số tháng lẻ 01 tháng được tính là nửa năm, nên số năm đóng BHXH để tính hưởng lương hưu của bà B là 22,5 năm.

+ 15 năm đầu tính bằng 45%;

+ Từ năm thứ 16 đến năm thứ 22,5 là 7,5 năm, tính thêm: 7,5 x 2% = 15%;

Tỷ lệ hưởng lương hưu hằng tháng của bà B là: 45% + 15% = 60%.

- Mức lương hưu hằng tháng của bà B là:

60% x 5.000.000 đồng/tháng = 3.000.000 đồng/tháng.

Một số ví dụ người hưởng lương hưu hằng tháng có thời gian đóng BHXH bắt buộc và thời gian tham gia đóng BHXH tự nguyện.

Ví dụ 1: Ông C sinh ngày 21/8/1961, tính đến hết tháng 8/2021 ông C đủ 60 tuổi và đã có tổng số 21 năm 02 tháng đóng BHXH; trong đó, đóng BHXH bắt buộc là 09 năm 06 tháng và thời gian đóng BHXH tự nguyện là 11 năm 08 tháng. Theo quy định tại Điều 73, Luật BHXH thì ông C được hưởng chế độ hưu trí từ ngày 01 tháng 09 năm 2021; Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 4, Nghị định số 135/2020/NĐ-CP thì ông C phải chờ thêm 03 tháng nữa, tức là ông C nghỉ hưởng lương hưu từ ngày 01/12/2021.

Ví dụ 2: Bà D sinh ngày 10/5/1966, có tổng thời gian đóng BHXH là 21 năm 03 tháng, trong đó đóng BHXH bắt buộc là 10 năm 6 tháng với mức bình quân tiền lương tháng là 4.100.000 đồng/tháng; có thời gian đóng BHXH tự nguyện là 10 năm 9 tháng với tổng các mức thu nhập tháng đóng BHXH tự nguyện (đã được Điều chỉnh trên cơ sở chỉ số giá tiêu dùng) là 322.500.000 đồng.

 - Mức bình quân tiền lương và thu nhập tháng đóng BHXH của bà D là:

  (4.100.000 x 126 + 322.500.000) /(126 + 129) = 3.290.600 đồng/tháng

 - Tỷ lệ % lương hưu hàng tháng của bà D là:

 + 15 năm đầu tính bằng 45%;

 + Từ năm thứ 16 đến năm thứ 21,3 là 6,5 năm, tính thêm: 6,5 x 2% = 13%;

                                               45% + 13% = 58%.

- Mức lương hưu hằng tháng của bà B là:

58% x 3.290.600 đồng = 1.908.500 đồng/tháng.

Theo quy định tại Điều 73, Luật BHXH thì bà D được hưởng chế độ hưu trí từ ngày 01 tháng 06 năm 2021; Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 4, Nghị định số 135/2020/NĐ-CP thì bà D phải chờ thêm 04 tháng nữa, tức là bà D nghỉ hưởng lương hưu từ ngày 01/10/2021.

Khi nhà nước có điều chỉnh tăng lương cho cán bộ, công chức, viên chức, người hưởng lương hưu hằng tháng thì những người hưởng lương hưu hằng tháng trước đó đóng BHXH tự nguyện thì cũng được điều chỉnh tăng theo đúng quy định./.

Viết Thư   

Album ảnh hoạt động