“Đau ốm, đi viện mới thấy giá trị của tấm thẻ BHYT”

31/12/2020 08:48 AM


Đó là lời chia sẻ của ông Phạm Ngọc Cao, bệnh nhân vừa trải qua đợt phẫu thuật lớn trong năm 2020.

Bảo hiểm y tế (BHYT) nói chung và đặc biệt là BHYT hộ gia đình là loại hình bảo hiểm mang tính nhân văn sâu sắc của Nhà nước, góp phần quan trọng thực hiện mục tiêu công bằng xã hội cũng như bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe Nhân dân. Với nhiều lợi ích thiết thực, BHYT hộ gia đình đang ngày càng được người dân quan tâm.

Với tỷ lệ người dân tham gia BHYT đạt 91,8% dân số toàn tỉnh, chính sách BHYT đã và đang đem lại cho người tham gia nhiều lợi ích thiết thực và nhận được sự tin tưởng của Nhân dân trên địa bàn tỉnh Kon Tum.

Trước năm 2015, theo quy định, BHYT theo hộ gia đình thuộc nhóm đối tượng tự nguyện nên phần lớn người dân có suy nghĩ rằng chỉ tham gia BHYT khi bị ốm đau, bệnh tật, nếu không bị ốm đi viện thì không cần thiết phải tham gia BHYT. Tuy nhiên, từ năm 2015, Luật BHYT sửa đổi, bổ sung quy định người dân tham gia BHYT theo nhóm hộ gia đình.  Đây là chủ trương đúng đắn của Nhà nước nhằm thực hiện chính sách BHYT toàn dân, phát huy tinh thần tương trợ trong cộng đồng và để khắc phục tình trạng chỉ những người có bệnh mới tham gia BHYT.

Với nhiều lợi ích thiết thực nên thời gian qua, số lượng người dân tham gia BHYT theo hình thức hộ gia đình ngày càng tăng, trong đó, có nhiều người không may mắc bệnh nặng đã có điều kiện được chữa trị kịp thời, giảm bớt khó khăn, nỗi lo về tài chính cho gia đình. Qua đó, giúp giảm bớt nguy cơ người dân rơi vào tình trạng nghèo khó, góp phần bảo đảm sự công bằng và hiệu quả trong chăm sóc sức khỏe Nhân dân.

Điển hình như trường hợp của ông Phạm Ngọc Cao (số nhà 28, đường Chế Lan Viên, phường Nguyễn Trãi, thành phố Kon Tum), tháng 3/2020, ông phải phẫu thuật điều trị thoát vị địa đệm với tổng chi phí lên đến hơn 83 triệu đồng. Tuy nhiên, nhờ có BHYT nên ông được phẫu thuật, điều trị và gia đình không phải lo lắng nhiều về chi phí.

Ông Cao chia sẻ: Đau ốm, đi viện mới thấy giá trị của tấm thẻ BHYT. Nói thật, như nhà tôi, hai vợ chồng tôi đều làm tự do, thu nhập bấp bênh, kinh tế gia đình không mấy khá giả nên nếu không có thẻ BHYT thì số tiền chữa trị bệnh vừa rồi quả là quá lớn đối với tôi. 

Với suy nghĩ “đóng góp khi lành, để dành khi ốm” nên từ nhiều năm nay, ông Lưu Thanh Hùng ở số nhà 360 Đào Duy Từ, phường Thống Nhất, thành phố Kon Tum đã tham gia BHYT. Thời gian qua, sử dụng thẻ BHYT để đi khám bệnh, lấy thuốc tại Trạm Y tế phường và Bệnh viện Đa Khoa tỉnh ông Hùng đã thấy được lợi ích thiết thực mà tấm thẻ này mang lại và càng có ý nghĩa hơn khi vừa rồi ông phải phẫu thuật thay địa đệm.

Ông Lưu Thanh Hùng cho biết: Ca phẫu thuật lên tới hơn 100 triệu đồng, nhưng quỹ BHYT đã chi trả phần lớn. Tôi thấy, tham gia BHYT thực sự là “mua” lấy sự an tâm, bởi vì việc ốm đau, bệnh tật là chuyện không thể dự đoán trước, nếu không may mắc bệnh thì gia đình cũng đỡ lo, còn nếu khỏe mạnh thì cũng là cách chia sẻ với cộng đồng.

Ông Nguyễn Tấn Sang - Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh cho biết: BHYT hộ gia đình mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho người tham gia, trước hết là góp phần bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho tất cả các thành viên trong gia đình, đồng thời, phát huy tinh thần tương thân, cùng chia sẻ rủi ro với người bệnh. Đặc biệt, hiện nay, mức viện phí ngày càng cao thì việc tham gia BHYT hộ gia đình là một lựa chọn đúng đắn, hợp lý của người dân, giúp giảm bớt gánh nặng về kinh tế khi bệnh tật.

Mặt khác, theo quy định về giảm trừ chi phí theo số người tham gia trong mỗi gia đình, BHYT hộ gia đình còn tạo điều kiện để nhiều người dân được tham gia BHYT. Cụ thể, khi tham gia BHYT theo hình thức hộ gia đình sẽ được giảm dần mức đóng từ thành viên thứ 2 trở đi, mức đóng BHYT được giảm dần theo số lượng thành viên tham gia theo mức bằng 70%, 60%, 50% và 40% so với người đầu tiên. Điều đó cho thấy lợi ích kinh tế rõ rệt khi tham gia BHYT theo hộ gia đình, nếu gia đình càng có nhiều người cùng tham gia BHYT thì mức đóng BHYT càng giảm. Bên cạnh đó, người dân còn được lựa chọn hình thức đóng BHYT 3 tháng, 6 tháng hoặc 12 tháng một lần cho số tiền tham gia BHYT hằng năm.

Thực hiện lộ trình bao phủ BHYT toàn dân, thời gian qua, Bảo hiểm xã hội tỉnh tích cực triển khai nhiều hoạt động để nâng tỷ lệ bao phủ BHYT, nhất là đối với nhóm BHYT theo hộ gia đình, trong đó phải kể đến hoạt động nhân rộng các đại lý thu, các hình thức thu. Với hệ thống đại lý thu BHYT ngày càng được nhân rộng tới từng xã phường, thị trấn, kết hợp với việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, người dân ngày càng thấy rõ được lợi ích thiết thực, từ đó tích cực tham gia BHYT hộ gia đình.

Năm 2020, toàn tỉnh Kon Tum có 993.560 lượt người khám chữa bệnh BHYT với tổng tiền quỹ BHYT thanh toán hơn 367 tỷ đồng.

Tuy nhiên, trên thực tế, việc bỏ ra vài triệu đồng để tham gia BHYT hộ gia đình đối với nhiều gia đình ở vùng nông thôn là không hề đơn giản nên nhiều người còn đắn đo, do dự khi tham gia BHYT cho các thành viên. Bên cạnh đó, một số người trẻ vẫn nghĩ rằng sức khỏe tốt, không cần tham gia BHYT.

 Vì vậy, theo ông Nguyễn Tấn Sang - Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh Kon Tum: để mở rộng hơn nữa diện bao phủ BHYT, thời gian tới, BHXH tỉnh sẽ tập trung thực hiện tốt công tác tuyên truyền để người dân hiểu về quyền lợi và nghĩa vụ khi tham gia BHYT là nhằm chăm sóc sức khỏe tốt hơn, đồng thời là trách nhiệm chung tay cùng cộng đồng giúp đỡ người bệnh từ nguồn quỹ khám, chữa bệnh, trước hết là trong mỗi gia đình. Đồng thời, BHXH tỉnh cũng tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian giải quyết các thủ tục, tạo thuận lợi, đảm bảo đầy đủ quyền lợi cho người tham gia.

Không ai mong muốn, song thật khó tránh khỏi có lúc bị ốm đau, bệnh tật, rủi ro tai nạn. Do đó, ngoài những đối tượng được Nhà nước cấp và hỗ trợ đóng BHYT, thì chúng ta có thể tự trang bị cho mình “chiếc phao cứu sinh” - BHYT để hỗ trợ chi phí chăm sóc sức khỏe, khám chữa bệnh khi không may rủi ro, bệnh tật ập đến.

Hoàng Thủy

Album ảnh hoạt động