Giám đốc BHXH tỉnh Kon Tum Vũ Mạnh Chữ trả lời Chuyên mục “Dân hỏi - Thủ trưởng cơ quan chức năng trả lời” trên Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh

12/07/2019 10:34 AM


PV: Một người dân tại thành phố Kon Tum hỏi, tháng 9/2019 tới đây ông ấy nghỉ hưu, được biết từ ngày 01/01/2019 sẽ có thay đổi trong cách tính mức lương hưu hàng tháng đối với lao động nam. Vậy, cách tính mới này như thế nào, thưa ông?

Giám đốcVũ Mạnh Chữ: Khoản 1, Điều 56 Luật BHXH quy định mức lương hưu hằng tháng của người lao động đủ điều kiện hưởng lương hưu được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH tương ứng với 15 năm đóng BHXH, sau đó cứ thêm mỗi năm thì tính thêm 2% đối với nam và 3% đối với nữ; mức tối đa bằng 75%.

Điểm a, Khoản 2, Điều 56 Luật BHXH quy định lao động nam nghỉ hưu vào năm 2018 là 16 năm, năm 2019 là 17 năm, năm 2020 là 18 năm, năm 2021 là 19 năm, từ năm 2022 trở đi là 20 năm.

Vậy, cách tính lương hưu từ ngày 01/01/2019 đối với nam là 45% tương ứng với 17 năm, sau đó cứ mỗi năm tính thêm 2%, tối đa bằng 75%, tương ứng với  32 năm đóng BHXH (32 năm - 17 năm = 15 năm; 15 năm x 2% = 30%; 45% + 30% = 75 %).

Giám đốc Vũ Mạnh Chữ trả lời phỏng vấn

PV: Một người dân tại huyện Đăk Hà hỏi, được biết ngày 20/5 vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định 44, điều chỉnh lương hưu, trợ cấp BHXH. Vậy, khi nào việc điều chỉnh này được thực hiện và lương hưu, trợ cấp BHXH sẽ được điều chỉnh như thế nào, thưa ông?

Giám đốc Vũ Mạnh Chữ: Đây là Nghị định số 44/2019/NĐ-CP ngày 20/5/2019 của Chính phủ quy định việc điều chỉnh lương hưu, trợ cấp BHXH và trợ cấp hàng tháng.

Thực hiện Nghị định này, BHXH tỉnh Kon Tum đã điều chỉnh lương hưu, trợ cấp BHXH ngay trong tháng 6/2019. Và, người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH đã nhận lương mới từ ngày 01/7/2019.

Về mức điều chỉnh, trên cơ sở tiền lương hưu, trợ cấp BHXH tháng 6/2019, điều chỉnh tăng thêm 7,19%.

Ví dụ như: ông A có mức lương hưu tháng 6/2019 là 5 triệu đồng, từ ngày 01/7/2017 sẽ là 5 triệu x 7,19% = 5.359.500 đồng (tăng 359.500 đồng/tháng).

PV: Một người dân tại huyện Đăk Glei hỏi, ngày 31/8/2018 Chính phủ ban hành Nghị định 113, thay thế Nghị định 108 trước đó. Vậy, nếu có người xin nghỉ theo chính sách tinh giản biên chế, họ được hưởng quyền lợi gì và điều kiện để xin nghỉ hưu theo chính sách này là gì, thưa ông?

Giám đốc Vũ Mạnh Chữ: Nghị định số 113/2018/NĐ-CP ngày 31/8/2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 108/2014/NĐ-CP ngày 20/11/2014 của Chính phủ về chính sách tinh giản biên chế, chứ không phải thay thế Nghị định số 108/2014/NĐ-CP.

Theo đó, quy định về chính sách về hưu trước tuổi đã được Nghị định 113/2018/NĐ-CP sửa đổi bổ sung cho phù hợp với thực tiễn và phù hợp với chính sách tinh giản biên chế với một số điểm mới đáng chú ý, đó là:

Thứ nhất, nếu đủ 50 tuổi đến đủ 53 tuổi đối với nam, đủ 45 tuổi đến đủ 48 tuổi đối với nữ, có thời gian đóng BHXH đủ 20 năm trở lên, trong đó có đủ 15 năm làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc có đủ 15 năm làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên, ngoài hưởng chế độ hưu trí theo quy định của pháp luật về BHXH, còn được hưởng các chế độ sau:

- Không bị trừ tỷ lệ lương hưu do việc nghỉ hưu trước tuổi;

- Được trợ cấp 03 tháng tiền lương cho mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi so với quy định về tuổi tối thiểu;

- Được trợ cấp 05 tháng tiền lương cho 20 năm đầu công tác, có đóng đủ BHXH. Từ năm thứ 21 trở đi, cứ mỗi năm công tác có đóng BHXH được trợ cấp 1/2 tháng tiền lương.

Thứ hai, nếu đủ 55 tuổi đến đủ 58 tuổi đối với nam, đủ 50 tuổi đến đủ 53 tuổi đối với nữ, có thời gian đóng BHXH đủ 20 năm trở lên, được hưởng chế độ hưu trí theo quy định của pháp luật về BHXH và chế độ quy định tại Điểm a, c Khoản 1 Điều 8 Nghị định 113 và được trợ cấp 03 tháng tiền lương cho mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi.

Thứ ba, nếu trên 53 tuổi đến dưới 55 tuổi đối với nam, trên 48 tuổi đến dưới 50 tuổi đối với nữ, có thời gian đóng BHXH đủ 20 năm trở lên, trong đó có đủ 15 năm làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc có đủ 15 năm làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên thì được hưởng chế độ hưu trí theo quy định của pháp luật về BHXH và không bị trừ tỷ lệ lương hưu do việc nghỉ hưu trước tuổi.

Thứ tư, nếu trên 58 tuổi đến dưới 60 tuổi đối với nam, trên 53 tuổi đến dưới 55 tuổi đối với nữ, có thời gian đóng BHXH đủ 20 năm trở lên thì được hưởng chế độ hưu trí theo quy định của pháp luật về BHXH và không bị trừ tỷ lệ lương hưu do việc nghỉ hưu trước tuổi.

PV: Xin ông cho biết thêm, để được hưởng lương hưu theo Nghị định 113, người lao động cần làm những hồ sơ, thủ tục nào?

Giám đốc Vũ Mạnh Chữ: Để được hưởng lương hưu theo quy định của Luật BHXH hiện hành, hồ sơ, thủ tục gồm:

1. Sổ BHXH;

2. Quyết định nghỉ việc hưởng chế độ hưu trí theo mẫu ban hành 12-HSB theo Quyết định 166/QĐ-BHXH ngày 31/01/2019 của BHXH Việt Nam về Quy trình giải quyết hưởng các chế độ BHXH, chi trả các chế độ BHXH, BH thất nghiệp;

3. Bản khai cá nhân về thời gian, địa bàn phục vụ trong quân đội có hưởng phụ cấp khu vực theo mẫu số 04B-HBKV (ban hành kèm theo Thông tư 181/2016/TT-BQP đối với người có thời gian phục vụ trong quân đội trước ngày 01/01/2007 tại địa bàn có hưởng phụ cấp khu vực mà sổ BHXH không thể hiện đầy đủ thông tin làm căn cứ tính phụ cấp khu vực) (nếu có);

4. Công văn về việc thông báo kết quả thẩm định tinh giản biên chế theo đợt của cơ quan cấp trên.

PV: Thưa ông, nếu không thuộc diện tinh giản biên chế nhưng đủ điều kiện nghỉ hưu trước tuổi, cơ quan BHXH sẽ có những thẩm định như thế nào đối với những trường hợp nghỉ hưu trước tuổi và cách tính mức lương trong trường hợp này?

Giám đốc Vũ Mạnh Chữ: Nếu không thuộc diện tinh giản biên chế nhưng đủ điều kiện nghỉ hưu trước tuổi (điều kiện hưởng lương hưu khi suy giảm khả năng lao động, quy định tại Điều 55 Luật BHXH) được tính như quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều 7 Nghị định số 115/2015/NĐ-CP, sau đó cứ mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi quy định thì giảm 2%.

- Mốc tuổi để tính số năm nghỉ hưu trước tuổi làm cơ sở tính giảm tỷ lệ hưởng lương hưu quy định tại Khoản 3 Điều 56 của Luật BHXH được xác định như khoản 3 Điều 7 Nghị định số 115/2015/NĐ-CP.

Ví dụ: Năm 2019, ông A 55 tuổi và nghỉ hưu trước tuổi (giám định sức khỏe bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên). Giả sử ông A đã có 32 năm đóng BHXH thì mức lương hưu hàng tháng của ông A được tính:

+ 17 năm đóng BHXH = 45%; 15 năm còn lại x 2% = 30%. Tổng là 75% mức tiền lương bình quân đóng BHXH.

+ Tuy nhiên, ông A nghỉ hưu trước tuổi 5 năm, nên bị giảm đi 10%. Vậy, mức lương hưu của ông A còn lại là 65% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH.

- Mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH để tính lương hưu được quy định tại Điều 62 Luật BHXH (tham gia BHXH trước ngày 01/01/1995 thì bình quân của 5 năm cuối; từ ngày 01/01/1995 đến 31/12/2000 thì bình quân của 6 năm cuối; từ ngày 01/01/2001 đến 31/12/2006 thì bình quân của 8 năm cuối; từ ngày 01/01/2007 đến 31/12/2015 thì bình quân của 10 năm cuối; từ ngày 01/01/2016 đến 31/12/2019 thì bình quân của 15 năm cuối; từ ngày 01/01/2020 đến 31/12/2024 thì bình quân của 20 năm cuối; từ ngày 01/01/2025 trở đi thì bình quân của toàn bộ thời gian đóng BHXH).

PV: Xin cảm ơn ông! 

                                                          BBT Trang tin điện tử BHXH tỉnh


{loadposition baivietmoi}

Album ảnh hoạt động