Hiệu ứng tích cực từ công tác thanh tra chuyên ngành

27/02/2018 12:45 PM


 

Công nhân phơi cà phê 

Trước thực trạng đó, Luật BHXH sửa đổi năm 2014 quy định chức năng thanh tra chuyên ngành về đóng BHXH, bảo hiểm thất nghiệp (BH thất nghiệp), bảo hiểm y tế (BHYT) (gọi chung là BHXH) của cơ quan BHXH. Ngày 31/3/2016, Chính phủ ban hành Nghị định số 21/2016/NĐ-CP quy định thực hiện chức năng này của ngành BHXH, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/6/2016. Ngày 18/10/2016, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam ra Quyết định số 1518/QĐ-BHXH quy định hoạt động thanh tra chuyên ngành BHXH. Theo đó, cùng với BHXH cả nước, BHXH tỉnh Kon Tum khẩn trương triển khai thực hiện thanh tra chuyên ngành đóng BHXH và bước đầu đạt được những kết quả khả quan.

Năm 2017, BHXH tỉnh đã thực hiện kiểm tra, thanh tra chuyên ngành tại 127 đơn vị, đạt 116,5% kế hoạch BHXH Việt Nam giao, trong đó, kiểm tra và phối hợp kiểm tra, thanh tra liên ngành tại 93 đơn vị, thanh tra chuyên ngành tại 34 đơn vị. Qua đó, phát hiện gần 20 lao động chưa được đơn vị sử dụng lao động (SDLĐ) đăng ký tham gia BHXH, đóng BHXH thiếu thời gian, thấp hơn mức quy định; 16 lao động vừa hưởng lương vừa hưởng trợ cấp BHXH; 31 trong số 34 đơn vị được thanh tra chuyên ngành nợ từ 3 tháng trở lên, với tổng số nợ lên gần 11 tỷ đồng. Sau kiểm tra, thanh tra, BHXH tỉnh đã truy thu xấp xỉ 54 triệu đồng do đơn vị SDLĐ chưa đóng, đóng thiếu thời gian, thiếu mức quy định cho NLĐ; thu hồi gần 40 triệu đồng các khoản chi không đúng quy định; các đơn vị được thanh tra đã nộp gần 6,2 tỷ đồng tiền nợ BHXH, BH thất nghiệp, BHYT, đồng thời cam kết trả nợ có lộ trình. Tính đến cuối năm 2017, tất cả những đơn vị bị thanh tra chuyên ngành đóng BHXH đều trả nợ gần như dứt điểm, tích cực góp phần kéo giảm tổng số nợ đọng BHXH, BH thất nghiệp, BHYT trên địa bàn tỉnh, cụ thể: tổng nợ 2017 của các đơn vị SDLĐ ở Kon Tum là 24,689 tỷ đồng, chiếm 2,79% kế hoạch, thấp hơn 0,11% so tỷ lệ nợ bình quân chung của ngành BHXH cả nước (2,9%), giảm 0,34% so năm 2015 - năm trước liền kề khi chưa thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành đóng BHXH.

Tuy nhiên, với tổng nợ từ 3 tháng trở lên của 31 đơn vị được thanh tra chuyên ngành gần 11 tỷ đồng, nhưng sau thanh tra chỉ nộp 6,2 tỷ đồng (56,36%), truy thu, thu hồi 94 triệu đồng các khoản đóng, chi sai quy định. Hiệu quả mang lại vẫn còn khá xa so với kỳ vọng. Thực tế, công tác thanh tra chuyên ngành BHXH còn mới, lực lượng cán bộ thanh tra, kiểm tra BHXH tỉnh mỏng, chỉ 6 người, trong khi cả tỉnh có 1.757 đơn vị SDLĐ, với 37.854 người tham gia BHXH, tức mỗi cán bộ thanh tra, kiểm tra phụ trách gần 300 đơn vị, với trên 6.300 lao động, một con số quá lớn. Cạnh đó, quy định về quyền hạn của Giám đốc BHXH tỉnh trong việc thực hiện chức năng thanh tra, kiểm tra còn hạn chế, mức xử phạt chưa đủ sức răn đe. Ngoài Giám đốc, Phó Giám đốc BHXH tỉnh là công chức, thì các viên chức trong đoàn thanh tra chuyên ngành BHXH không có thẩm quyền xử lý vi phạm. Công tác phối hợp thanh tra, kiểm tra ở cấp huyện còn ít, hạn chế về kiến thức, kinh nghiệm thực tiễn, ý thức trách nhiệm, năng lực tổ chức... Công tác phối hợp của các cơ quan hữu quan chưa đáp ứng yêu cầu...

Để nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, thanh tra chuyên ngành BHXH, các cấp có thẩm quyền cần quan tâm mở cơ chế kiện toàn đội ngũ cán bộ làm công tác chuyên môn này; đồng thời bổ sung chức năng thanh tra thực hiện chế độ BHXH, BHYT để ngăn chặn những sai phạm gây tổn hại đến quyền lợi của đối tượng, NLĐ; có cơ chế đặc thù đối với hoạt động của đội ngũ viên chức thanh tra chuyên ngành BHXH; cần sự quan tâm chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương; sự phối hợp chặt chẽ của các sở, ban, ngành, tổ chức, đơn vị liên quan; đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nâng cao trình độ nghiệp vụ, kỹ năng tác nghiệp đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đòi hỏi ngày càng cao trong tình hình mới; tổ chức hoạt động giao lưu, học tập trao đổi kinh nghiệm, nâng cao năng lực thực tiễn đối với đội ngũ cán bộ nghiệp vụ; tổ chức sơ kết, tổng kết đúc rút kinh nghiệm, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động kiểm tra, thanh tra chuyên ngành BHXH.

Năm 2018, BHXH tỉnh Kon Tum sẽ kiểm tra, thanh tra tại 104 đơn vị, trong đó, thanh tra chuyên ngành BHXH tại 45 đơn vị, kiên quyết xử lý vi phạm sau kiểm tra, thanh tra, phấn đấu giảm mạnh tỷ lệ nợ đọng, từng bước khắc phục tình trạng trốn đóng BHXH, BH thất nghiệp, BHYT, đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của NLĐ, góp phần đảm bảo an sinh xã hội ở địa phương./.

                                                                                          Thái Đông Hải

{loadposition baivietmoi}

Album ảnh hoạt động