Chống nợ đọng, đổi mới tuyên truyền, đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng nhanh diện bao phủ BHXH, BHYT

29/09/2016 08:39 AM


Phó Chủ nhiệm UBCVĐXH của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi làm việc với BHXH tỉnh Kon Tum

Theo báo cáo của Giám đốc BHXH tỉnh trình bày tại buổi làm việc, công tác tuyên truyền được chú trọng đẩy mạnh, trong đó, ưu tiên hình thức tuyên truyền trực quan; mở nhiều chuyên mục BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT) trên các phương tiện thông tin đại chúng; tuyên truyền lưu động; đối thoại chính sách tận cơ sở, tạo chuyển biến nhận thức tích cực đối với các cấp, ngành, người lao động, đơn vị sử dụng lao động và các tầng lớp nhân dân, góp phần mở rộng, phát triển đối tượng. Tính đến 31/8/2016, toàn tỉnh có 445.874 người tham gia BHXH, BHYT, tăng 38.254 người (9,4%) so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó: 37.713 người tham gia BHXH, chiếm 13% lực lượng lao động; 30.712 người tham gia BH thất nghiệp, chiếm 11% lực lượng lao động; 445.257 người tham gia BHYT, đảm bảo chỉ tiêu được Thủ tướng Chính phủ giao cho tỉnh Kon Tum tại Quyết định số 1167/QĐ-TTg ngày 28/6/2016. Kết quả này cho thấy, mặc dù chỉ tiêu BHYT khá cao, nhưng các chỉ tiêu đối tượng tham gia BHXH, BH thất nghiệp còn rất thấp so với mục tiêu Nghị quyết số 21-NQ/TW của Bộ Chính trị. Số thu 8 tháng đầu năm trên 463 tỷ đồng, đạt xấp xỉ 63% kế hoạch năm, tăng 25,7 tỷ đồng (5,9%) so với cùng kỳ năm ngoái. Tính đến 31/8, tổng nợ gần 43,5 tỷ đồng, chiếm 5,87% so với số phải thu, nguyên nhân chủ yếu là do các doanh nghiệp ngoài quốc doanh có quy mô nhỏ làm ăn thua lỗ kéo dài; các doanh nghiệp cao su, cà phê đóng không kịp thời hàng tháng, có đơn vị nợ trên 3 tháng do sản phẩm hạ giá, không bán được; một số huyện được giao tự chủ một phần ngân sách thì trong giai đoạn đầu năm thu không đủ bù chi, vậy nên nợ đọng BHXH, BHYT đối với các đơn vị thuộc khối hành chính sự nghiệp ở các huyện này là điều khó tránh khỏi; kinh phí từ ngân sách nhà nước đóng, hỗ trợ đóng cho các đối tượng thuộc diện được hưởng chậm chuyển vào quỹ BHYT cũng góp phần gia tăng tổng nợ. Giải quyết hồ sơ kịp thời cho 4.840người hưởng chế độ BHXH. Thanh toán cho 543.677 lượt người KCB BHYT, với tổng kinh phí xấp xỉ 127,6 tỷ đồng, tăng 64,17% so với cùng kỳ năm ngoái, nguyên nhân tăng chủ yếu là do tác động của Thông tư liên tịch số 37/2015/TTLT-BYT-BTC quy định thống nhất giá dịch vụ KCB BHYT giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc; số thẻ BHYT phát hành trong năm 2016 tăng so với năm 2015; thực hiện thông tuyến huyện từ 01/01/2016 làm số lượt KCB BHYT tại các cơ sở KCB tuyến huyện tăng mạnh; chi phí KCB BHYT bình quân/lượt điều trị tại một số cơ sở KCB tăng cao. Tổng chi BHXH, BHYT, BH thất nghiệp gần 402 tỷ đồng, tăng gần 80 tỷ đồng (24,82%) so với cùng kỳ năm ngoái. Công tác cải cách hành chính đạt bước tiến rõ rệt, tạo được sự đồng thuận trong dư luận xã hội, nổi bật là thực hiện có hiệu quả công tác tiếp nhận và trả kết quả TTHC tại đơn vị sử dụng lao động thông qua dịch vụ bưu chính gắn liền với giao dịch BHXH điện tử, giao dịch qua mạng internet được đẩy mạnh, tạo điều kiện thuận lợi, tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại cho người thụ hưởng. Tính đến 31/8, toàn tỉnh có 1.359/1.647 đơn vị thực hiện giao dịch BHXH điện tử và qua mạng internet, đạt 82,5%; triển khai Hệ thống thông tin giám định BHYT trên toàn tỉnh, tạo thuận lợi cho công tác KCB và kiểm soát chi phí KCB BHYT, góp phần đảm bảo cân đối quỹ BHYT; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong trong điều hành, quản lý và tác nghiệp, không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng phục vụ.

Đoàn công tác và Lãnh đạo BHXH tỉnh, Trưởng, Phó các phòng nghiệp vụ

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ nhiệm Bùi Sỹ Lợi đánh giá cao về sự đoàn kết phấn đấu của đội ngũ công chức, viên chức BHXH toàn tỉnh và những kết quả đạt được trong thời gian qua, nổi bật là tỷ lệ bao phủ BHYT; việc thành lập BHXH huyện mới IaH'Drai mặc dù không được giao thêm biên chế, nhưng đơn vị đã linh hoạt điều động trên cơ sở biên chế khung hiện có, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị tại một huyện biên giới, phục vụ tốt nhân dân, nhất là đối với đồng bào dân tộc thiểu số là rất đáng biểu dương. Tuy nhiên, cạnh đó vẫn còn một số mặt còn hạn chế cần tập trung khắc phục trong thời gian tới, trong đó, chú ý đổi mới công tác tuyên truyền, chủ động đến với người dân, tăng cường đối thoại chính sách BHXH, BHYT tận cơ sở làm cho người dân hiểu từ những nội dung căn cơ nhất như, tham gia ở đâu, đăng ký như thế nào, thủ tục gồm những gì, mức đóng, mức hưởng... phấn đấu mở rộng, phát triển đối tượng tham gia BHXH, BH thất nghiệp ở mức cao nhất có thể để đạt mục tiêu Nghị quyết số 21-NQ/TW của Bộ Chính trị; hiện nay còn khoảng 11.000 học sinh, sinh viên (HSSV) (chiếm 10% tổng số HSSV) trên địa bàn tỉnh chưa tham gia BHYT, cơ quan BHXH cần chủ động phối hợp ngành giáo dục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động để có 100% HSSV tham gia BHYT vào năm tới, đồng thời thực hiện có hiệu quả BHYT hộ gia đình, góp phần quan trọng thúc đẩy diện bao phủ BHYT theo chỉ tiêu giao của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 1167/QĐ-TTg. Triển khai đồng bộ nhiều giải pháp bổ trợ nhau thực hiện có hiệu quả việc kéo giảm số nợ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp đến mức thấp nhất có thể. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính theo hướng tạo thuận lợi nhất cho đối tượng, ứng dụng công nghệ thông tin trên mọi lĩnh vực hoạt động, tiếp tục tạo dựng và củng cố niềm tin của nhân dân vào chính sách BHXH, BHYT, BH thất nghiệp của Đảng và Nhà nước trong điều kiện mới./.                                         

                                                                                                        Đặng Thái

{loadposition baivietmoi}

Album ảnh hoạt động