Nỗ lực đưa chính sách BHXH, BHYT lan tỏa vào đời sống

26/01/2016 07:46 AM


Tính đến hết năm 2015, toàn tỉnh Kon Tum có 421.555 người tham gia BHXH, BHYT, BH thất nghiệp; trong đó cùng tham gia BHXH, BHYT bắt buộc là 36.513 người. Tổng số người dân có BHYT đạt tỷ lệ 85,01%, đảm bảo chỉ tiêu của Thủ tướng Chính phủ giao cho tỉnh Kon Tum. Năm 2015 tổng số thu là 731,789 tỷ đồng, vượt 2,21% kế hoạch BHXH Việt Nam giao; số nợ là 22,418 tỷ đồng. Các chế độ chính sách BHXH, BHYT được giải quyết kịp thời, đúng quy định; công tác quản lý tài chính và chi trả chế độ BHXH, BHYT được thực hiện đảm bảo an toàn, thuận tiện; quỹ BHYT được quản lý chặt chẽ, tiếp tục được cân đối và có kết dư; chú trọng đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng CNTT tạo thuận lợi tối đa cho người tham gia và thụ hưởng chính sách…

Phóng viên: Trong điều kiện của tỉnh nhà còn nhiều khó khăn, nhất là giao thông cách trở, đời sống kinh kế của người dân chưa cao; nhận thức về chính sách  BHXH, BHYT còn không ít hạn chế... BHXH tỉnh Kon Tum đã có những giải pháp, hoạt động thực tế nào để đưa chính sách đến với người dân?

Ông Trần Văn Lực:

Năm qua, hoạt động của BHXH tỉnh còn gặp một số khó khăn, trở ngại nhất định. Tình hình kinh tế của tỉnh còn nhiều khó khăn, việc sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp không thuận lợi, nhiều doanh nghiệp thu hẹp quy mô sản xuất, số doanh nghiệp thành lập mới tăng chậm, đa số là doanh nghiệp có quy mô nhỏ, do đó, việc khai thác, phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT bắt buộc rất hạn chế. Nợ đọng BHXH, BHYT của các doanh nghiệp còn nhiều. Việc điều tra nắm bắt số đối tượng thuộc diện phải tham gia BHXH, BHYT theo luật để đưa vào quản lý gặp không ít trở ngại. Mặt khác, đời sống nhiều người dân còn khó khăn, nhận thức về BHXH, BHYT còn hạn chế nên việc khai thác đối tượng tham gia BHXH tự nguyện, việc duy trì tỷ lệ đạt được và phát triển đối tượng tham gia BHYT vẫn còn là một thách thức lớn.

Trước thực tế trên, BHXH tỉnh đã phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, các đơn vị liên quan tiếp tục tuyên truyền Nghị quyết số 21-NQ/TW nhằm nâng cao nhận thức trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, các đoàn thể chính trị - xã hội và các tầng lớp nhân dân về BHXH, BHYT; thường xuyên củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của đội ngũ cộng tác viên tuyên truyền. Tăng cường đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, chú trọng tuyên truyền, cổ động trực quan như lắp đặt pano, áp phích, tổ chức tọa đàm, đối thoại trực tiếp tại cơ sở... Hàng quý, chủ động cung cấp thông tin, số liệu, kết quả thực hiện BHXH, BHYT, tình hình nợ đọng của các doanh nghiệp báo cáo cấp ủy, chính quyền địa phương, cung cấp cho cơ quan báo chí của ngành cũng như cơ quan thông tin đại chúng ở địa phương để kịp thời đưa tin, phản ánh.

Cạnh đó, BHXH tỉnh đẩy mạnh CCHC, nâng cao chất lượng phục vụ. Thể hiện qua việc niêm yết công khai, đầy đủ các thủ tục hành chính do BHXH Việt Nam ban hành; tiếp nhận, giao trả kết quả đúng thời hạn cho đối tượng tham gia, không để hồ sơ tồn đọng; hướng dẫn việc lập hồ sơ, tư vấn, giải đáp trực tiếp các ý kiến thắc mắc, tạo thuận lợi cho đối tượng trong giao dịch hành chính, tránh để đối tượng phải đi lại nhiều lần...  

Thường xuyên cải tiến hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2008 trong quản lý điều hành và hoạt động nghiệp vụ. Triển khai giao dịch hồ sơ đóng BHXH, BHYT qua mạng internet nhằm rút ngắn thời gian giao dịch. Thực hiện đơn giản hóa thủ tục tham gia BHYT theo hộ gia đình, tạo thuận lợi cho người dân đăng ký tham gia. Công tác cấp, đổi thẻ BHYT được thực hiện nhanh chóng, kịp thời, rút ngắn rất nhiều thời gian so với quy định, nhiều thẻ được cấp, đổi ngay trong ngày, đảm bảo quyền lợi cho nhân dân và người lao động khi đi KCB.

Giám đốc BHXH tỉnh Trần Văn Lực

Phóng viên: Thưa ông, đối với địa hình rộng, người đồng bào dân tộc thiểu số đông, việc cấp thẻ BHYT cho người dân được thực hiện ra sao, công tác giám sát KCB BHYT được thực hiện thế nào để đảm bảo quyền lợi người tham gia?

Ông Trần Văn Lực:

Ngay từ đầu năm 2015 BHXH tỉnh đã triển khai kịp thời công tác cấp thẻ BHYT mới theo các Quyết định 1313 và 1314 của BHXH Việt Nam. Phối hợp các ngành liên quan lập danh sách, in, phát hành thẻ BHYT năm 2015, 2016 kịp thời. Đặc biệt là đối tượng người nghèo, người dân tộc thiểu số đảm bảo cho người dân có thẻ khi đi KCB giữa giao thời năm cũ sang năm mới. Đẩy mạnh công tác ứng dụng CNTT vào việc rà soát dữ liệu đầu vào trước khi in thẻ, hạn chế tối đa thẻ trùng. Đẩy mạnh việc phân cấp quản lý cấp sổ, thẻ về BHXH cấp huyện.

Bên cạnh đó, đề xuất UBND tỉnh gia hạn thẻ BHYT năm 2016 cho các nhóm đối tượng được NSNN đóng, hỗ trợ đóng BHYT, thông báo việc gia hạn thẻ năm 2016 kịp thời đến các cơ sở KCB BHYT để đảm bảo quyền lợi cho đối tượng trong khi chờ văn bản mới của các cấp có thẩm quyền. Thực hiện việc đổi thẻ BHYT cho nhóm đối tượng người thuộc hộ gia đình cận nghèo có hạn sử dụng đến 30/6/2016 kịp thời, đúng quy định.

Đối với công tác giám định, cơ quan BHXH ký hợp đồng KCB BHYT với các cơ sở KCB trong toàn tỉnh theo nội dung của Luật BHYT; tham gia Tổ đấu thầu thuốc năm 2015 của 3 hội đồng thuốc: Sở Y tế, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Y học cổ truyền. Thường xuyên phối hợp với Sở Y tế kiểm tra, giám sát tại các cơ sở KCB BHYT, nhất là các cơ sở có chi phí lớn, kịp thời phát hiện và chấn chỉnh những sai phạm trong công tác KCB BHYT, hạn chế tình trạng lạm dụng quỹ BHYT.

Triển khai công tác giám định tập trung, hạn chế các sai sót như: Trùng đợt điều trị, ghi sai số thẻ BHYT, thanh toán sai quyền lợi BHYT, tần suất KCB, quy chế chuyên môn, thống kê sai chi phí KCB BHYT... Công tác giám định chi BHYT ngày được thực hiện chặt chẽ; việc giám sát, quản lý chi phí KCB đúng quy định; các thủ tục KCB BHYT được thực hiện nhanh chóng, tiện lợi.

Phóng viên: Năm 2016, BHXH tỉnh sẽ tập trung thực hiện những nhiệm vụ trọng tâm nào và đưa ra những giải pháp nào để thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu nhiệm vụ được giao, thưa ông?

Ông Trần Văn Lực:

Mục tiêu năm 2016 của BHXH tỉnh là tiếp tục đẩy mạnh mở rộng, phát triển đối tượng; tăng cường công tác thu, giảm tỷ lệ nợ đọng BHXH, BHYT; cấp thẻ BHYT kịp thời, nhất là đối tượng người nghèo, người dân tộc thiểu số, trẻ em dưới 6 tuổi. Phấn đấu đạt tỷ lệ bao phủ BHYT năm 2016 của tỉnh Kon Tum là 85,7% theo Quyết định 1584/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Tăng cường phối hợp với các sở, ban, ngành có liên quan tiếp tục tuyên truyền, mở rộng phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu Nghị quyết 21 của Bộ Chính trị. Chủ động phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng, các tổ chức đoàn thể đẩy mạnh đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, trong đó tiếp tục ưu tiên hình thức tuyên truyền trực quan, mở rộng tuyên truyền đến vùng sâu, vùng xa, nội dung tập trung vào những điểm mới của Luật BHXH sửa đổi, Luật BHYT sửa đổi.

Tăng cường quản lý việc giải quyết và chi trả các chế độ BHXH, BHYT đảm bảo quyền lợi cho người tham gia, ngăn chặn các hành vi lạm dụng quỹ. Triển khai công tác in, phát hành thẻ kịp thời nhằm đảm bảo quyền lợi KCB cho đối tượng, chú trọng các nhóm đối tượng người nghèo, người dân tộc thiểu số, học sinh sinh viên; đẩy mạnh việc ứng dụng CNTT vào việc rà soát dữ liệu đầu vào hạn chế cấp trùng thẻ BHYT giữa các  nhóm đối tượng. Tăng cường đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; cải tiến hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001:2008. Đẩy mạnh giao dịch BHXH điện tử, phấn đấu 100% các đơn vị sử dụng lao động trên địa bàn tỉnh tham gia giao dịch. Công khai, minh bạch các quy định về hồ sơ, quy trình thủ tục trong giao dịch điện tử và đảm bảo thời hạn trả kết quả giải quyết theo quy định.

Bên cạnh đó, chủ động xây dựng kế hoạch, phối hợp với các ngành chức năng tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật về BHXH, BHYT, hạn chế tình trạng trốn đóng, nợ đọng, lạm dụng quỹ. Khởi kiện ra toà một số đơn vị nợ đọng kéo dài để bảo vệ quyền lợi chính đáng, hợp pháp của người lao động./.

Phóng viên: Xin cảm ơn ông!

                                                                                                    Trần Đức (thực hiện)

{loadposition baivietmoi}

Album ảnh hoạt động