Đăk Tô: Phấn đấu đạt 100% học sinh tham gia BHYT

19/08/2019 01:11 PM


Năm học 2018 - 2019 vừa qua, toàn huyện có 8.763 lượt học sinh đi khám, chữa bệnh (KCB) được quỹ BHYT chi trả với số tiền 1.091.844.000 đồng, trong đó, có nhiều em được thanh toán số tiền rất lớn, điển hình như em Hồ Thu Nguyên- lớp 10, trường Phổ thông trung học Nguyễn Văn Cừ, điều trị bệnh Ung thư trực tràng trong 2 đợt, với tổng số tiền  100.487.200 đồng; em Đỗ Đức Nhất- lớp 12 Trường Trung học phổ thông Nguyễn Văn Cừ, điều trị bệnh Chấn thương do tai nạn giao thông, với 23.786.615 đồng…

Tưng bừng ngày khai giảng

Khẳng định về giá trị thiết thực của tấm thẻ BHYT, cô giáo Đặng Thị Quế  - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Nguyễn Văn Cừ, nơi có bệnh nhân là em Đỗ Đức Nhất và em Hồ Thu Nguyên cho biết, nhiều em có hoàn cảnh gia đình rất khó khăn, nhưng lại mắc bệnh và phải điều trị dài ngày, nhờ tấm thẻ BHYT chia sẻ gánh nặng chi phí điều trị, giúp các em có điều kiện vượt qua bệnh tật, để cùng chúng bạn đến trường, đến lớp. Với nhận thức tương tự, chị/anh Phạm Anh Tuấn - phụ huynh em Phạm Quỳnh Như, lớp 7a1, trường THCS Lương Thế Vinh, huyện Đăk Tô cũng bày tỏ quan điểm- Không ai mong con em mình đi KCB, nhưng tham gia BHYT vừa là quyền lợi, vừa là trách nhiệm. Nhỡ ốm đau thì được cộng đồng chia sẻ, còn khỏe mạnh thì là mình chung tay chia sẻ với những người không may vậy. Tuy nhiên, bên cạnh những nhân tố tích cực, còn nhiều phụ huynh chưa nhận thức đầy đủ tính nhân văn của chính sách BHYT, chưa ý thức hết tính cộng đồng chia sẻ rủi ro, tham gia BHYT là được bảo vệ về mặt tài chính khi có những rủi ro không mong đợi xảy ra với thân nhân của mình, nên vẫn còn không ít phụ huynh tỏ ra thờ ơ. Đến nay, huyện Đăk Tô vẫn còn 967 em chưa đăng ký tham gia BHYT, số học sinh này thuộc 14/26 trường học các cấp, trong đó, một số trường có nhiều học sinh chưa tham gia, chẳng hạn như: trường THCS Lương Thế Vình còn 142 em, trường THCS 24/4 còn 115 em, trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm còn 96 em…

Cô giáo Hiệu trưởng trường THCS 24/4 Nguyễn Thị Hoàng Oanh cho biết: ngoài vấn đề về nhận thức thì nhiều gia đình học sinh trên địa bàn huyện thuộc diện có điều kiện kinh tế khó khăn, mà đầu năm học phải đóng nhiều khoản tiền nên đối với những gia đình đông con, họ không đủ khả năng trang trải kinh phí và tạm thời chưa tham gia BHYT cho con em mình.

Với thực trạng đó, trước thềm năm học mới 2019- 2020, để đảm bảo 100% học sinh tham gia BHYT theo đúng quy định của Luật BHYT, một mặt, BHXH huyện đề xuất UBND huyện trình HĐND huyện xem xét tăng mức hỗ trợ đóng cho học sinh tham gia BHYT (hiện tại đang là 30%); UBND huyện ban hành công văn chỉ đạo việc thực hiện BHXH, BHYT, BH thất nghiệp, trong đó có BHYT học sinh; Ban Tuyên giáo huyện ủy ban hành công văn đề nghị các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, cơ quan thông tin đại chúng tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo công tác tuyên truyền thực hiện có hiệu quả kế hoạch của Tỉnh ủy về triển khai thực hiện Chỉ thị 38-CT/TW của Ban Bí thư về đẩy mạnh công tác BHYT trong tình hình mới. Mặt khác, BHXH huyện chủ động phối hợp với phòng Giáo dục và Đào tạo giao chỉ tiêu đến từng trường học và xem đây là một trong những tiêu chí để chấm điểm thi đua khen thưởng; chủ động phối hợp với các hội phụ huynh học sinh triển khai mạnh mẽ hình thức tuyên truyền trực diện đến các bậc phụ huynh trong các kỳ họp đầu năm học mới, để họ hiểu hết ý nghĩa của việc tham gia BHYT mà tạo điều kiện cho chính con em mình được tham gia, thụ hưởng quyền lợi chăm sóc sức khỏe- cái vốn quý nhất của con người. Đặc biệt, BHXH huyện tập trung đổi mới nội dung truyền thông, đẩy mạnh đa dạng hóa các hình thức, trong đó chú ý ưu tiên hình thức đối thoại trực tiếp tại các khu dân cư, tạo chuyển biến nhận thức tích cực, thúc đẩy số người tham gia BHXH, BHYT, trong đó có BHYT học sinh, cụ thể như: tổ chức tư vấn truyền thông để cung cấp, trao đổi thông tin về BHXH, BHYT; thăm hộ gia đình để hướng dẫn, giải thích về chế độ, quyền lợi tham gia và thụ hưởng BHXH, BHYT, hỗ trợ đối tượng thay đổi hành vi, đạt được cam kết tham gia; thảo luận nhóm để chia sẻ những khó khăn và giải pháp khắc phục trong áp dụng quy định về BHXH, BHYT, đông thời hỗ trợ, động viên, khuyến khích đối tượng; nói chuyện theo chủ đề để cung cấp kiến thức, thông tin mới nhằm thay đổi nhận thức hướng tới thay đổi thái độ và hành vi; đối thoại chính sách để “trao đi đổi lại”, giúp người nghe phát huy tính chủ động trong quyết định tham gia…

Ngoài ra, BHXH huyện tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ sở KCB BHYT nâng cao chất lượng KCB BHYT tại địa phương gắn với tăng cường cải cách thủ tục hành chính, vươn tới mục tiêu “BHYT- chất lượng và sự hài lòng của người bệnh”. Tin rằng, trước thềm năm học mới 2019- 2020, với sự vận dụng tổng hợp nhiều biện pháp, sẽ mở ra cho Đăk Tô những triển vọng mới trong thực hiện BHYT học sinh theo luật./.

                                                                                      Đặng Thái


{loadposition baivietmoi}