Ấn tượng năm 2017
02/01/2018 09:42 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Tổng thu BHXH, BHYT, BHTN là 940,7 tỷ đồng, tăng 110,6 tỷ đồng (13,3%), vượt 6,32% kế hoạch thu.
Năm 2017, đã giải quyết cho 8.897 lượt người hưởng các chế độ BHXH, tăng 330 lượt (4%) so năm ngoái. Quản lý và chi trả cho trên 8.000 đối tượng hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng, trên 28 tỷ đồng mỗi tháng; trợ cấp thất nghiệp hơn 400 người, gần 1 tỷ đồng.
Rà soát, bàn giao sổ BHXH cho người lao động đạt 71,6% tổng số sổ phải bàn giao, vượt 11,6% kế hoạch năm 2017.
Cấp thẻ BHYT cho toàn bộ người tham gia BHYT theo mã số BHXH kịp thời, đảm bảo người tham gia có thẻ BHYT để đi KCB trong giao thời năm cũ năm mới. Phối hợp với ngành Y tế tổ chức tốt công tác KCB. Năm 2017, có 993.489 lượt người KCB được quỹ BHYT chi trả, tăng 9,2% so năm 2016. Quyền lợi của người tham gia BHYT nhìn chung được đảm bảo. Ngoài ra, BHXH tỉnh đã kịp thời tham mưu UBND tỉnh trích quỹ kết dư năm 2015 để mua thẻ BHYT cho đối tượng cận nghèo (phần cá nhân tự đóng), đảm bảo 100% hộ cận nghèo năm 2018 có thẻ BHYT.
Công tác cải cách thủ tục hành chính (TTHC) tiếp tục chuyển biến tích cực, cắt giảm thêm 04 TTHC, từ 32 xuống còn 28 TTHC và sẽ tiếp tục nghiên cứu cắt giảm từ 09 xuống còn 05 thủ tục đối với quy trình, thủ tục cấp, quản lý sổ BHXH, thẻ BHYT. Nhiều thủ tục được rút ngắn thời gian như cấp mới sổ BHXH, thẻ BHYT, xác nhận sổ được điều chỉnh từ 7 xuống còn 5 ngày. Thời gian cấp lại sổ BHXH do thay đổi các nội dung trên sổ (họ, tên, ngày, tháng, năm sinh) không quá 10 ngày (trước đây là 15 ngày). Việc cấp lại thẻ BHYT, cấp đổi giảm còn 3 ngày kể từ ngày nhận hồ sơ và nhận ngay trong ngày với trường hợp không thay đổi thông tin. Ngoài ra, việc triển khai giao dịch điện tử trong lĩnh vực thu BHXH, BHYT, BHTN, cấp sổ BHXH, thẻ BHYT được triển khai đến tất cả các đơn vị sử dụng lao động, giúp tiết kiệm chi phí, thời gian cho các tổ chức, cá nhân. Đến nay, có 1.927/1.927 đơn vị thực hiện giao dịch điện tử, đạt 100%.
Chủ động phối hợp với ngành Y tế đẩy mạnh tin học hóa trong công tác KCB và thanh, quyết toán chi phí KCB BHYT, việc liên thông dữ liệu KCB BHYT đạt 100%. Về phía BHXH, đã triển khai hệ thống thông tin giám định BHYT, nâng cao hiệu quả công tác giám định BHYT, giúp kiểm soát chặt chẽ chi phí KCB BHYT.
PV: Để đạt được những kết quả đáng khích lệ đó, trong điều kiện một tỉnh miền núi như Kon Tum, ngành BHXH phải đối mặt với những khó khăn nào, thưa ông?
Giám đốc Trần Văn Lực: Có nhiều khó khăn, trong đó đáng kể là: địa bàn Kon Tum rộng, người đồng bào dân tộc thiểu số chiếm trên 50%, thu nhập và nhận thức của người dân còn thấp nên việc tuyên truyền về chính sách BHXH, BHYT đến người dân vùng sâu, vùng xa chưa hiệu quả. Vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện rất khó khăn, số người tham gia loại hình bảo hiểm này rất thấp. Ngày 28/4/2017, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định 582/QĐ-TTg phê duyệt danh sách thôn đặc biệt khó khăn, xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2016-2020, theo đó, Kon Tum có một số xã thuộc khu vực II (xã khó khăn), khu vực III (xã đặc biệt khó khăn) thay đổi từ tháng 8/2017 dẫn đến giảm khoảng 15.000 người tham gia BHYT.
Tình trạng nợ đọng, trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động diễn ra trên diện rộng.
Việc lập danh sách cấp thẻ BHYT cho đối tượng được ngân sách đóng, hỗ trợ đóng hàng năm của các đơn vị liên quan để chuyển cho cơ quan BHXH in thẻ BHYT cho đối tượng này còn rất chậm.
Việc đồng bộ mã số BHXH cho đối tượng tham gia để cấp thẻ BHYT theo mã số BHXH còn gặp nhiều khó khăn, chẳng hạn như: người đồng bào dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ lớn so với dân số nên việc kê khai thông tin sai sót nhiều. Mặt khác, phần mềm nghiệp vụ chưa đáp ứng nhập các ký tự đặc biệt theo tiếng dân tộc thiểu số vào dữ liệu. Đây là hai khó khăn lớn, bất lợi cho việc cấp thẻ BHYT năm 2018.
Chi phí KCB tăng cao so với năm 2016 (53,6%) dẫn đến bội chi quỹ KCB năm 2017 khoảng 65,7 tỷ đồng, đây là năm đầu tiên tỉnh Kon Tum mất cân đối quỹ KCB.
Việc triển khai tin học hóa của các cơ sở y tế chưa được đồng bộ. Một số cơ sở KCB không gửi kịp thời dữ liệu lên Cổng Giám định ngay sau khi bệnh nhân ra viện nên chưa thực hiện được việc quản lý thông tuyến KCB, khó khăn trong việc kiểm soát lạm dụng thẻ BHYT khám nhiều lần trong một thời gian ngắn và chỉ định trùng lặp giữa các lần khám bệnh của cùng một cơ sở y tế và giữa các cơ sở y tế.
PV: Trước những khó khăn đó, BHXH tỉnh đã có những giải pháp gì để vượt qua, thưa ông?
Giám đốc Trần Văn Lực: Các giải pháp khắc phục chủ yếu có thể kể đến, đó là:
Công tác khai thác, phát triển đối tượng: Tham mưu HĐND, UBND đưa chỉ tiêu phát triển đối tượng tham BHXH, BHYT, BHTN vào Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh giai đoạn 2016 - 2018. Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về chính sách BHXH, BHYT đến mọi đối tượng. Phối hợp chặt chẽ với Cục Thuế tỉnh, Sở Kế hoạch - Đầu tư, Sở LĐ-TBXH, LĐLĐ tỉnh để phát triển đối tượng tham gia bắt buộc BHXH, BHYT. Mở rộng mạng lưới đại lý thu để vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện, BHYT của đối tượng tự đóng. Ký kết quy chế phối hợp với Kho bạc nhà nước về việc thu BHXH, BHYT, BHTN đối với các đơn vị thụ hưởng ngân sách. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra…
Việc xử lý nợ đọng: Cơ quan BHXH đã kịp thời báo cáo và tham mưu UBND tỉnh tổ chức cuộc họp chuyên đề bàn về giải pháp xử lý nợ đọng BHXH, BHYT, BHTN và phát triển đối tượng tham gia BHYT. Chủ tịch UBND tỉnh đã có kết luận chỉ đạo về vấn đề này và đã giải quyết cơ bản tình trạng nợ đọng. Cạnh đó, BHXH tỉnh đã tăng cường công tác thanh tra chuyên ngành đối với các đơn vị nợ đọng lớn, kéo dài.
Tính đến cuối năm, số nợ chỉ còn khoảng 32,77 tỷ đồng, trong đó, giảm 43,17 tỷ đồng so với tại thời điểm cuối tháng 9/2017 (trước thời điểm tổ chức cuộc họp, tổng số nợ là 75,94 tỷ đồng). Nếu không bao gồm cả khoảng kinh phí ngân sách chậm chuyển BHYT thì tỷ lệ nợ chiếm 2,79% kế hoạch thu do Bảo hiểm xã hội Việt Nam giao, giảm 0,15% so với tỷ lệ nợ năm 2016.
Đối với việc cấp thẻ BHYT năm 2018, BHXH tỉnh đã kịp thời báo cáo tình hình và tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo Sở Lao động - TBXH, UBND các huyện, thành phố đẩy nhanh tiến độ lập danh sách đề nghị cấp thẻ BHYT cho các đối tượng được ngân sách đóng, hỗ trợ đóng BHYT chuyển cơ quan BHXH để in thẻ và cấp phát kịp thời đến tay người dân trước ngày 31/12/2017; chỉ đạo ngành Y tế phối hợp với cơ quan BHXH đảm bảo quyền lợi cho người tham gia trong thời điểm chuyển tiếp giữa năm 2017 và 2018. Thành lập tổ hỗ trợ để kịp thời giải đáp các vướng mắc trong công tác cấp thẻ BHYT.
Về kiểm soát gia tăng chi phí KCB BHYT, hạn chế tình trạng bội chi quỹ KCB, BHXH tỉnh đã báo cáo trực tiếp với đồng chí Bí thư Tỉnh ủy về tình hình gia tăng chi phí để có chỉ đạo kịp thời. Tổ chức các đoàn công tác đi kiểm tra đánh giá, tìm nguyên nhân gia tăng chi phí và cách khắc phục, kiểm tra các máy xã hội hóa tại các cơ sở y tế, tăng cường công tác giám định, kiểm soát chặt chẽ chi phí KCB nhằm hạn chế tình trạng lạm dụng, trục lợi quỹ BHYT. Chủ động phối hợp với Sở Y tế tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc trong công tác KCB và thanh, quyết toán chi phí KCB BHYT.
PV: Xin ông cho biết một số nhiệm vụ trọng tâm năm 2018?
Giám đốc Trần Văn Lực: Cùng với việc thực hiện các nhiệm vụ thường xuyên, năm 2018, BHXH tỉnh sẽ tập trung thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm sau:
Tiếp tục thực hiện Nghị quyết 21-NQ/TW của Bộ Chính trị, Đề án của Chính phủ về "Lộ trình tiến tới BHYT toàn dân giai đoạn 2012-2015 và 2020".
Tổ chức thực hiện tốt Luật BHXH, Luật BHYT, Luật Việc làm, Luật an toàn vệ sinh lao động và Luật Dược.
Tham mưu với UBND tỉnh trích từ quỹ kết dư BHYT năm 2016 hỗ trợ (phần cá nhân tự đóng) mua thẻ BHYT cho nhóm đối tượng người cận nghèo, người nghèo thiếu hụt về BHYT và HSSV là người dân tộc thiểu số sinh sống ở khu vực I.
Đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền cả về nội dung và phương pháp tiếp cận vận động người dân tham gia, có các hình thức tuyên truyền phù hợp với từng nhóm đối tượng.
Phối hợp Sở Y tế thực hiện tốt chính sách BHYT. Giải quyết kịp thời các vướng mắc phát sinh trong công tác tổ chức KCB và thanh, quyết toán chi phí KCB BHYT.
Phấn đấu bàn giao sổ BHXH cho người lao động còn lại hoàn thành trước 30/6/2018.
Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và hoạt động nghiệp vụ. Triển khai tốt giao dịch BHXH điện tử trong giải quyết các chế độ BHXH ngắn hạn.
PV: Để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ đó, xin ông cho biết các giải pháp trong thời gian tới?
Giám đốc Trần Văn Lực: BHXH tỉnh sẽ triển khai tổng hợp, đồng bộ nhiều giải pháp đan xen hỗ trợ nhau, trong đó, chú trọng các giải pháp căn cơ sau:
Tranh thủ sự quan tâm lãnh chỉ đạo của BHXH Việt Nam và các cấp lãnh đạo địa phương trong thực hiện các chính sách về BHXH, BHYT.
Tăng cường phối hợp chặt chẽ các sở, ban, ngành liên quan tiếp tục đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền mở rộng phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT, thực hiện thắng lợi mục tiêu Nghị quyết 21-NQ/TW của Bộ Chính trị và Đề án tiến tới BHYT toàn dân theo Quyết định 538/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Tập trung công tác thu, giảm nợ BHXH, BHYT, BHTN. Mở rộng hệ thống mạng lưới đại lý thu nhằm khai thác mạnh đối tượng tham gia BHXH tự nguyện, BHYT của đối tượng tự đóng; kịp thời báo cáo, tham mưu UBND tỉnh có biện pháp xử lý tình trạng nợ đọng BHXH, BHYT, BHTN.
Quản lý tốt việc giải quyết và chi trả các chế độ BHXH, BHYT đảm bảo quyền lợi cho người tham gia; đẩy mạnh thanh tra việc chấp hành pháp luật về BHXH, hạn chế tình trạng trốn đóng, nợ đọng.
Tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin rà soát dữ liệu đầu vào, hạn chế cấp trùng thẻ BHYT; ứng dụng có hiệu quả các phần mềm do BHXH Việt Nam chuyển giao, tiếp tục triển khai có hiệu quả giao dịch BHXH điện tử và hệ thống thông tin giám định BHYT.
Tăng cường công tác thanh tra chuyên ngành, kiểm tra liên ngành việc chấp hành các quy định của pháp luật về BHYT, phòng chống các hành vi gian lận, trục lợi Quỹ BHYT tại các cơ sở KCB. Đảm bảo công khai, minh bạch trong quản lý, sử dụng quỹ BHYT, kịp thời phát hiện, chấn chỉnh và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.
Tập trung nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức, chuyển đổi mạnh mẽ tác phong từ hành chính sang phục vụ đối tượng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của ngành trong giai đoạn mới.
PV: Xin cảm ơn ông!
Ban Biên tập Trang tin điện tử BHXH tỉnh Kon Tum thực hiện
{loadposition baivietmoi}
Bảo hiểm xã hội tự nguyện
Hướng dẫn Cấp lại thẻ BHYT do hỏng, mất trên Cổng ...
Hướng dẫn đăng ký tài khoản trên Cổng Dịch vụ ...