Thực hiện BHYT HSSV: Trách nhiệm của cả hệ thống chính trị

18/09/2015 01:02 AM


 

Thực hiện hiệu quả công tác BHYT HSSV

Theo ông Phạm Lương Sơn, Trưởng Ban Thực hiện chính sách BHYT, BHXH Việt Nam, trong các năm qua, công tác BHYT HSSV luôn được tổ chức thực hiện hiệu quả với sự phối hợp giữa ngành BHXH, Giáo dục và Đào tạo, Y tế. Tỷ lệ HSSV tham gia BHYT tăng dần qua các năm, nếu như năm học 2010-2011, toàn quốc mới chỉ có gần 70% HSSV tham gia BHYT, năm học 2012-2013 là khoảng 80%, năm học 2013-2014 là 85% đến năm học 2014-2015, tỷ lệ này là 88,5% tương ứng với khoảng 15 triệu HSSV có thẻ BHYT (trong đó 12,3triệu HSSV đang tham gia tại nhà trường và 3,7 triệu HSSV tham gia BHYT tại các nhóm khác).

Trên cơ sở kế hoạch triển khai Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT, BHXH Việt Nam đã tổ chức tập huấn đến BHXH các tỉnh, thành phố về nội dung của Luật, trong đó lưu ý quy định một số điểm mới  liên quan, trong đó có đối tượng HSSV tham gia BHYT. Cụ thể, các cơ sở giáo dục và đào tạo, cơ sở dạy nghề có trách nhiệm lập danh sách tham gia BHYT của các đối tượng do ngành Giáo dục và Đào tạo quản lý, gửi tổ chức BHXH chậm nhất là ngày 31 tháng 10 hằng năm. Tổ chức BHXH nhận được danh sách tham gia BHYT có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị quản lý đối tượng rà soát trước khi cấp thẻ BHYT.

Mức đóng BHYT HSSV từ 3% mức lương cơ sở tăng lên 4,5%; HSSV được ngân sách nhà nước hỗ trợ tối thiểu 30% mức đóng, còn lại 70% học sinh phải tự đóng, áp dụng từ 01/01/2015; các trường hợp đóng trước năm 2015 cho năm 2015 theo mức 3% không phải điều chỉnh lên mức 4,5%.

Trưởng Ban THCS BHYT Phạm Lương Sơn trao đổi với các phóng viên

Thời hạn sử dụng ghi trên thẻ BHYT HSSV thực hiện theo năm tài chính (từ ngày 01 tháng 01 đến ngày 31 tháng 12 của năm). Những năm học trước, thẻ BHYT HSSV thực hiện theo năm học (đầu tháng 9 hoặc tháng 10 và hết hạn vào cuối tháng 8 hoặc tháng 9 năm sau).

 Đối với học sinh vào lớp một và sinh viên năm thứ nhất thời hạn sử dụng ghi trên thẻ BHYT từ ngày nhập học hoặc ngày hết hạn của thẻ BHYT được cấp lần trước đến 31 tháng 12 năm sau; đối với học sinh lớp 12 và sinh viên năm cuối thời hạn sử dụng ghi trên thẻ BHYT từ ngày 01 tháng 01 đến ngày cuối của tháng kết thúc năm học đó.

Riêng việc triển khai BHYT HSSV năm học 2015-2016, BHXH Việt Nam đã chỉ đạo BHXH tỉnh phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, các cơ sở giáo dục tăng cường thực hiện BHYT cho HSSV và tổ chức thực hiện phù hợp với tình hình thực tế địa phương, có thể thực hiện thu và phát hành thẻ BHYT thành nhiều đợt (3 tháng và 12 tháng hoặc 6 tháng và 9 tháng hoặc 15 tháng...) đảm bảo từ 2016 trở đi thực hiện theo năm tài chính như quy định tại Thông tư 41.

Tại các địa phương, BHXH tỉnh đã chủ động phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo kịp thời tham mưu, báo cáo cấp ủy, chính quyền địa phương, nên công tác thu BHYT HSSV luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát của cấp ủy, chính quyền địa phương. BHXH tỉnh phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức tổng kết đánh giá tình hình thực hiện BHYT HSSV năm học 2014 -  2015 để kịp thời tháo gỡ những vướng mắc trong quá trình thực hiện. Đồng thời, ký kết Liên ngành giữa Sở Giáo dục Đào tạo và BHXH tỉnh trong việc hướng dẫn, chỉ đạo triển khai thực hiện BHYT cho HSSV, đảm bảo đúng quy định và tháo gỡ được những vướng mắc trong quá trình thực hiện của những năm trước; Ban hành văn bản chỉ đạo tổ chức triển khai thu BHYT đối với HSSV, đảm bảo theo đúng thời gian quy định.
Chỉ có 8 tỉnh, thành phố thu BHYT HSSV cả 15 tháng
Theo Trưởng Ban Thu BHXH Việt Nam Trần Đình Liệu, hiện nay, BHXH các tỉnh, thành phố đang triển khai đa dạng các hình thức thu và chỉ có 08 tỉnh, thành phố thu BHYT HSSV cả 15 tháng.

Trưởng Ban Thu Trần Định Liệu trao đổi với các phóng viên

Giải thích về nguyên nhân dẫn tới sự khác biệt tại các địa phương trong việc thu BHYT HSSV của năm nay, ông Liệu cho biết: Hầu hết thẻ BHYT của HSSV năm học 2014- 2015 có thời hạn kết thúc vào 30/9/2015. Do đó, năm học 2015- 2016, là năm chuyển giao thực hiện thu BHYT HSSV theo năm tài chính theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT, HSSV tham gia sẽ phải đóng phí BHYT của năm học này lên tới 15 tháng (kể từ ngày 1/10/2015 đến ngày 31/12/2016) với số tiền phải đóng là 543.375 đồng.

Việc thu BHYT hoàn toàn phụ thuộc vào điều kiện của từng nhà trường, địa phương, mỗi nơi chủ động cách thu khác nhau cho phù hợp.Tại nhiều địa phương, cơ quan BHXH phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Tài chính tham mưu, xin ý kiến chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND hướng dẫn thu đóng BHYT phù hợp với điều kiện địa phương. Cho đến nay, có 58 tỉnh, thành phố chọn thu theo năm tài chính nhưng theo các hình thức linh hoạt khác nhau, trong đó nhiều địa phương tạm thời thu 3 tháng cuối của năm 2015, rồi thực hiện thu tiếp của năm 2016 theo 6 tháng hoặc 1 năm. Thông tư liên tịch 41/2014/TTLT-BYT-BTC ngày 24/11/2014 của Bộ Y tế và Bộ Tài chính quy định về thời hạn sử dụng thẻ của nhóm HSSV theo năm tài chính. Lường trước những khó khăn phát sinh trong năm học 2015- 2016- giai đoạn chuyển tiếp hai phương thức đóng này, từ ngày 8/6/2015, BHXH Việt Nam đã có Công văn trong đó đề nghị Bộ Y tế tiếp tục cho thực hiện thu BHYT HSSV linh hoạt nhiều hình thức như: theo năm tài chính hoặc năm học, khóa học.

Nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe ban đầu

Theo Trưởng Ban Thực hiện chính sách BHYT, BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn, năm 2015, cơ quan BHXH đã ký hợp đồng KCB BHYT với 44 y tế cơ quan thuộc các trường học, tương đương tuyến xã và tuyến huyện và 9 bệnh viện thuộc các trường đại học tương đương tuyến tỉnh, tuyến TW; Các cơ sở KCB này nhận đăng ký khám chữa bệnh ban đầu cho HSSV thuộc trường học đó và các đối tượng khác.

Đầu năm học, khóa học, BHXH các tỉnh, thành phố đã gửi danh sách các cơ sở KCBBĐ đến nhà trường để HSSV lựa chọn, thuận lợi nơi cư trú và học tập và được thay đổi nơi đăng ký KCB ban đầu vào đầu mỗi quý khi có nhu cầu.

Năm 2014 đã có 8.799.937 số lượt HSSV khám chữa bệnh BHYT với số chi là 1.819 tỷ đồng, trong đó chi chăm sóc sức khỏe ban đầu là 582 tỷ đồng. 6 tháng đầu năm 2015, ước tính số lượt HSSV khám chữa bệnh BHYT là 3.955.441 với số chi là 887 tỷ đồng, trong đó chi chăm sóc sức khỏe ban đầu là 285 tỷ đồng.

Ông Phạm Lương Sơn cho biết, việc sử dụng kinh phí  chăm sóc sức khỏe ban đầu tại các trường học được thực hiện theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT dùng để mua thuốc, VTYT tiêu hao, trang thiết bị và dụng cụ y tế thông thường để tổ chức KCB trong công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho HSSV.

Tuy nhiên, trước thực trạng nguồn nhân lực và cơ sở vật chất của y tế trường học chưa đầy đủ. Vì vậy, để đảm bảo việc sử dụng nguồn kinh phí chăm sóc sức khỏe ban đầu hiệu quả, đúng mục đích, kịp thời chăm sóc sức khỏe ban đầu cho HSSV, BHXH Việt Nam đang đề nghị liên Bộ Y tế - Tài chính sửa đổi Thông tư 41 theo hướng: Đối với trường học không đủ điều kiện trích chuyển kinh phí chăm sóc sức khỏe ban đầu thì được ký hợp đồng với cơ sở y tế đủ điều kiện KCB BHYT để thực hiện KCB trong chăm sóc sức khỏe ban đầu của HSSV.

Cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị


Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Minh nhấn mạnh, HSSV luôn là mối quan tâm hàng đầu của Đảng và Nhà nước trong thực hiện chính sách BHYT. Chính sách này được cụ thể bằng Luật và các văn bản hướng dẫn thực hiện, trong đó quy định rõ trách nhiệm của các cấp, các ngành trong tổ chức thực hiện. Thực hiện chính sách BHYT HSSV là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị.

Thứ trưởng, Tổng GĐ BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Minh phát biểu tại Hội nghị

BHYT HSSV không chỉ là nguồn hỗ trợ tài chính khi HSSV bị ốm đau, bệnh tật, mà còn là công tác chăm sóc sức khỏe cho nguồn nhân lực của đất nước trong tương lai. Để chính sách BHYT cho HSSV thật sự phát huy hiệu quả, cần có sự chỉ đạo đồng bộ của các cấp, các ngành, từ chính quyền địa phương đến các đoàn thể. Ở địa phương nào, lãnh đạo ngành giáo dục, lãnh đạo nhà trường quan tâm chỉ đạo sát sao thì ở nơi đó tỷ lệ HSSV tham gia nhiều hơn.

Hiện nay, quyền lợi BHYT đã được mở khá rộng, với HSSV, nhiều bệnh, tật học đường đã được điều chỉnh đưa vào danh mục KCB BHYT: tổn thương thể chất tinh thần do hành vi vi phạm pháp luật, điều trị tật khúc xạ đối với trẻ em dưới 6 tuổi… Đối tượng là người nghèo, người dân tộc thiểu số không còn phải cùng chi trả 5% chi phí KCB. Việc mở thông tuyến điều trị theo lộ trình cũng làm tăng cơ hội tiếp cận cơ sở y tế tốt hơn cho mọi đối tượng tham gia BHYT, trong đó có HSSV... Thực tế, kỹ thuật chẩn đoán điều trị liên tục được ứng dẫn đến chi phí y tế có xu hướng gia tăng, việc điều chỉnh mức phí để phù hợp với sự gia tăng này. Phí BHXH tăng sẽ đi liền với chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh cũng tăng lên.

Thứ trưởng, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam nhấn mạnh, BHYT nói chung và BHYT HSSV nói riêng là nhu cầu thiết yếu của mỗi người dân. Người dân tham gia là vì quyền lợi của chính mình, của con em mình.

Thứ trưởng, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam cũng mong muốn, các cơ quan báo chí chia sẻ và đồng hành cùng BHXH Việt Nam trong tổ chức thực hiện để chính sách an sinh xã hội đầy nhân văn này thực sự “thấm” vào cuộc sống, góp phần chăm sóc sức khỏe cho người dân nói chung và thế hệ tương lai của đất nước nói riêng./.

                                                                                                       baohiemxahoi.gov.vn

{loadposition baivietmoi}