BHXH TỈNH KON TUM 20 NĂM XÂY DỰNG VÀ TRƯỞNG THÀNH

10/02/2015 09:17 AM


Nét nổi bật đầu tiên có thể kể đến là đối tượng gia BHXH, BHYT tăng mạnh hàng năm. Thay vì năm đầu thành lập - 1995, số đối tượng tham gia BHXH chỉ dừng lại 11.194 lao động thì đến cuối năm 2014 là 36.796 lao động, tăng 25.602 người, gấp 3,3 lần. Năm 2003, khi BHYT vừa sáp nhập vào BHXH, số phiếu khám chữa bệnh (KCB) chỉ ở con số 30.088 thì đến nay đã nhảy vọt lên 405.883 thẻ BHYT, gấp 13,5 lần. Theo đó, số thu tăng tương ứng. Số thu BHXH từ 3,303 tỷ đồng năm 1995 thì đến năm 2014 đã là 420,905 tỷ đồng, tăng 417,602  tỷ đồng, gấp 127,4 lần. Số thu BHYT năm 2003 - năm đầu sáp nhập BHYT vào BHXH, là 41,596 tỷ đồng, đến cuối năm 2014 là 303,469 tỷ đồng, tăng 261,873 tỷ đồng, gấp 7,3 lần.

Trong 20 năm qua, BHXH đã giải quyết kịp thời 4.202 hồ sơ hưởng chế độ BHXH hàng tháng (trong đó có 3.377 người hưởng chế độ hưu trí), 7.953 người hưởng trợ cấp 1 lần,  37.599 lượt người hưởng trợ cấp ốm đau, 32.983 lượt người hưởng trợ cấp thai sản, 21.852 lượt người hưởng trợ cấp dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ.

Trước đây, chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH được thực hiện dưới hai hình thức: trực tiếp từ cán bộ BHXH, gián tiếp qua đại lý chi trả địa bàn cư trú của đối tượng nhằm đảm bảo an toàn quỹ tiền mặt, tiết kiệm chi phí và thời gian đi lại cho đối tượng. Trong nhiều năm trở lại đây, mở rộng thêm kênh chi trả qua dịch vụ công của hệ thống bưu điện, thanh toán qua ngân hàng theo phương thức thẻ ATM, tạo tiện ích cho việc rút tiền, kiểm tra số dư, chuyển khoản... Tổng số đối tượng quản lý và chi trả thường xuyên của toàn tỉnh tính đến nay trên 7.600 người.

Quang cảnh tiếp nhận và giải quyết hồ sơ tại BHXH tỉnh

Tổng số tiền chi trả cho các chế độ BHXH trong 20 năm qua lên đến 7.924 tỷ đồng. Trước năm 1995, quỹ BHXH từ chỗ chỉ tồn tại trên danh nghĩa, nay đã có đủ để chi cho các đối tượng do quỹ đảm bảo, đồng thời giảm dần sự bao cấp từ ngân sách nhà nước (NSNN) dùng chi cho BHXH. Cụ thể, năm 1995 số chi là 2,98 tỷ đồng, trong đó nguồn NSNN cấp là 2,97 tỷ đồng, chiếm 99,7% thì nay, số chi trong năm 2014 đã lên đến 312,14 tỷ đồng, tăng 309,16 tỷ đồng, gấp 105 lần, trong đó nguồn kinh phí do NSNN đảm bảo là 92,52 tỷ đồng, chiếm 29,6%. Như vậy, nguồn NSNN bao cấp ở mức 99,7% trong năm 1995 thì nay đã giảm xuống chỉ còn 29,6%. Theo đà này, trong thời gian không xa nữa toàn bộ kinh phí chi trả lương hưu và trợ cấp BHXH sẽ do quỹ BHXH đảm bảo hoàn toàn, giảm được gánh nặng cho NSNN.

Trong những năm qua BHXH tỉnh Kon Tum luôn thực hiện tốt chương trình cấp thẻ BHYT, đảm bảo kịp thời, thuận lợi cho tất cả các nhóm đối tượng đi khám chữa bệnh (KCB), tích cực góp phần nâng cao hiệu quả thực thi cam kết của Chính phủ về hỗ trợ toàn bộ hoặc phần lớn mức đóng BHYT cho từng nhóm đối tượng. Tính đến nay, toàn tỉnh có 405.883 người tham gia BHYT, chiếm xấp xỉ 84% dân số, tạo tiền đề quan trọng thúc đẩy tiến trình BHYT toàn dân.

Chất lượng giám định BHYT đạt nhiều bước tiến mới, từng bước đáp ứng sự hài lòng của tất cả các nhóm đối tượng. Hệ thống KCB ban đầu được mở rộng đến các cơ sở quân y, 100% trạm y tế xã, góp phần tăng cường khả năng phân bố nguồn lực cung cấp dịch vụ KCB BHYT về số lượng cơ sở, quy mô và cả chất lượng giữa khu vực thành thị, nông thôn, đồng thời giảm tải cho các cơ sở tuyến trên. Qua đó, khuyến khích các cơ sở y tế trong và ngoài quân đội tích cực thi đua nâng cao chất lượng KCB BHYT, mở ra nhiều cơ hội tiếp cận và thụ hưởng các quyền lợi về BHYT cho nhân dân, nhất là người đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn. Tính từ năm 2003 đến 2014, BHXH tỉnh đã thực hiện chi cho hàng trăm ngàn lượt người KCB, với tổng số tiền lên trên 582,7 tỷ đồng, trong đó, năm 2014 là 131,8 tỷ đồng, tăng 129,3 tỷ đồng, gấp 52 lần so với năm đầu vừa  sáp  nhập BHYT vào BHXH (2003). Tuy chi phí tăng lên hàng năm, nhưng luôn đảm bảo cân đối quỹ BHYT.

Chất lượng cải cách hành chính không ngừng được cải thiện và nâng cao, đơn giản hoá dần các giấy tờ, thủ tục; niêm yết công khai quy trình, biểu mẫu, tạo cơ chế kiểm tra, giám sát từ phía đối tượng, từng bước khắc phục tình trạng khép kín, phòng ngừa tiêu cực. Từ năm 2009, phòng Tiếp nhận - Quản lý hồ sơ ra đời thực hiện tốt vai trò đầu mối xử lý cả “đầu vào, đầu ra” các loại hồ sơ. Năm 2012, mỗi BHXH huyện, thành phố bố trí từ 1 đến 2 cán bộ chuyên trách tiếp nhận và trả kết quả theo nguyên tắc “một cửa”, đảm bảo mọi hoạt động diễn ra thông suốt và chặt chẽ. Tất cả hồ sơ được tiếp nhận đều có giấy hẹn trả kết quả, tiết kiệm được thời gian và chi phí đi lại cho đối tượng, tạo được sự đồng thuận từ phía người tham gia và thụ hưởng. Thiết lập Đường dây nóng, giải quyết thấu triệt những thắc mắc, ghi chép đầy đủ các phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức; giải quyết các đơn thư khiếu nại, tố cáo kịp thời, không để xảy ra bức xúc, nổi cộm hoặc khiếu kiện vượt cấp. Nhiều năm trước, các nghiệp vụ được thực hiện bằng phương thức thủ công thì mấy năm trở lại đây mọi hoạt động đều được vi tính hóa. Hạ tầng kỹ thuật được đầu tư phát triển theo hướng nâng cao hiệu quả khai thác các mục tiêu ứng dụng CNTT. Mỗi công chức, viên chức đều được trang bị máy vi tính riêng đảm bảo các thông số kỹ thuật, cấu hình; trang bị máy chủ đủ mạnh, đáp ứng công tác quản lý cơ sở dữ liệu tập trung; mạng vi tính được kết nối liên thông giữa huyện, tỉnh và các phòng nghiệp vụ; các phần mềm ứng dụng thường xuyên được nâng cấp... tạo nên hệ thống công cụ bổ trợ đắc lực, nâng cao hiệu quả khai thác sử dụng trong điều hành, quản lý và tác nghiệp, đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa hành chính. Đặc biệt, năm 2014 BHXH toàn tỉnh chính thức triển khai hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2008 và xúc tiến triển khai thực hiện giao dịch điện tử trong tiếp nhận và giao trả hồ sơ tại đơn vị sử dụng lao động, tạo bước đột phá mới, nâng cao chất lượng làm việc từ hành chính thụ động sang chủ động phục vụ đối tượng tham gia và thụ hưởng BHXH, BHYT trong điều kiện mới.

Song song với hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn, công tác xây dựng Đảng và các đoàn thể, tổ chức các phong trào thi đua, chăm lo đời sống công chức, viên chức cũng được đặc biệt quan tâm, phong trào văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao diễn ra sôi động. Nhiều năm liền, tổ chức Đảng đạt danh hiệu trong sạch vững mạnh tiêu biểu, công đoàn vững mạnh xuất sắc, chi đoàn vững mạnh tiêu biểu, cơ quan được công nhận cơ quan văn hóa. Những hoạt động này đã thổi bùng lên luồng sinh khí mới và thật sự trở thành động lực khơi dậy tinh thần đoàn kết, công tác tốt, góp phần quan trọng vào việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của ngành.

Ghi nhận những thành quả mà tập thể công chức, viên chức đạt được trong 20 năm qua, BHXH tỉnh Kon Tum đã vinh dự nhận được nhiều danh hiệu cao quý của Đảng và Nhà nước trao tặng, những tặng thưởng nổi bật là: Huân chương Lao động hạng Ba giai đoạn 2008-2012; Cờ thi đua của Chính phủ năm 2010; Cờ thi đua của UBND tỉnh năm 2001, 2005 và 2012; Cờ thi đua của BHXH Việt Nam năm 2013.

Cùng với BHXH các tỉnh, thành phố trong cả nước, BHXH tỉnh Kon Tum ra đời và hoạt động theo cơ chế mới vừa tròn 20 năm. Hai mươi năm so với bề dày của nhiều ban ngành chức năng trọng yếu khác chỉ mới là khoảng thời gian khiêm tốn, mới chỉ là chặng khởi đầu trên con đường dài kiến tạo sự nghiệp của Cách mạng Việt Nam. Nhưng trong ngần ấy thời gian, với những thành tựu mà ngành BHXH tỉnh nhà đạt được càng thêm khẳng định vai trò trụ cột của chính sách BHXH, BHYT trong hệ thống chính sách an sinh xã hội, góp phần quan trọng vào sự nghiệp ổn định chính trị - kinh tế - xã hội tỉnh cực Bắc của Tây Nguyên, vùng chiến lược ngã ba Đông Dương./.

                                                                                                                       T.V.L

{loadposition baivietmoi}