Giám đốc BHXH tỉnh Kon Tum Trần Văn Lực trả lời Chuyên mục “Dân hỏi - Thủ trưởng cơ quan chức năng trả lời” trên Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh
25/12/2017 12:45 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
PV: Hiện nay, một số doanh nghiệp không đóng BHXH cho người lao động (NLĐ) trong khi hàng tháng vẫn trừ tiền BHXH của cá nhân NLĐ. Vậy, làm thế nào để đảm bảo quyền lợi của NLĐ? Thưa ông!
Giám đốc Trần Văn Lực: Hàng tháng, vẫn trừ tiền BHXH của NLĐ nhưng đơn vị sử dụng lao động (SDLĐ) không đóng BHXH cho NLĐ là vi phạm Luật Lao động. Trong trường hợp này, NLĐ cần có ý kiến với công đoàn cơ sở nơi NLĐ đang làm việc và có ý kiến với chủ SDLĐ để được đảm bảo quyền lợi chính đáng theo quy định.
PV: Có doanh nghiệp nhận người vào làm việc nhưng không đóng BHXH vì chỉ ký hợp đồng trong thời gian ngắn. Sau đó vẫn tiếp tục nhiều lần ký hợp đồng như ban đầu và không đóng BHXH, có biện pháp nào để giải quyết vấn đề này?Thưa ông!
Giám đốc Trần Văn Lực trả lời phỏng vấn
Giám đốc Trần Văn Lực: Trước hết, NLĐ phải xem lại hợp đồng lao động (HĐLĐ) là hợp đồng mùa vụ hay hợp đồng có thời hạn, hợp đồng không xác định thời hạn.
Nếu là hợp đồng mùa vụ thì đơn vị ký với người lao động dưới 03 tháng và 01 năm không ký quá 02 lần theo Luật Lao động quy định (trong trường hợp này cả NLĐ và người SDLĐ không phải đóng BHXH, BHYT, BHTN).
Ngoài HĐLĐ mùa vụ nói trên, thì tất cả HĐLĐ còn lại mà đơn vị SDLĐ đã ký với NLĐ mà không đóng BHXH cho họ thì NLĐ làm việc lại với chủ SDLĐ và có ý kiến với công đoàn nơi mình đang làm việc để được can thiệp và đóng BHXH theo quy định.
PV: Tiền lương ngoài cơ bản có đóng BHXH không, nếu có, xin ông cho biết cách tính?
Giám đốc Trần Văn Lực: Đối với NLĐ thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định (làm việc ở các đơn vị đảng, đoàn thể, hành chính, sự nghiệp) thì tiền lương tháng đóng BHXH là tiền lương theo ngạch, bậc và các khoản phụ cấp chức vụ, phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp thâm niên nghề (nếu có), hệ số chênh lệch bảo lưu (nếu có). Tiền lương này tính trên mức lương cơ sở, sau đó nhân với tỷ lệ đóng BHXH thì ra số tiền đóng BHXH.
Đối với NLĐ do đơn vị SDLĐ quyết định tiền lương thì tiền lương đóng BHXH là tiền lương ghi trong hợp đồng lao động và phụ cấp lương, sau đó nhân với tỷ lệ đóng BHXH thì ra số tiền đóng BHXH.
Từ ngày 01/01/2018, tiền lương đóng BHXH bao gồm: tiền lương ghi trong HĐLĐ, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác.
Tiền lương đóng BHXH không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng đối với NLĐ làm công việc giản đơn nhất; trường hợp qua học nghề thì phải cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu vùng; làm công việc nặng nhọc, độc hại nguy hiểm phải cao hơn ít nhất 5%, đặc biệt nặng nhọc, độc hại nguy hiểm phải cao hơn ít nhất 7% so với mức lương công việc.
PV: Cơ sở nhỏ chỉ có khoảng 5-7 lao động có được chủ SDLĐ đóng BHXH không, nếu có thì hình thức thế nào? Thưa ông!
Quang buổi phỏng vấn
Giám đốc Trần Văn Lực: Theo quy định của Luật BHXH thì NLĐ làm việc theo hợp đồng lao động từ 3 tháng trở lên (Từ ngày 01/01/2018 thì hợp đồng lao động từ đủ 1 tháng trở lên) thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc. Như vậy, chủ SDLĐ phải có trách nhiệm đóng BHXH, BHYT, BHTN cho NLĐ.
Hình thức đóng BHXH: Đơn vị sử dụng liên hệ với cơ quan BHXH, lập danh sách tham gia cho NLĐ gửi cơ quan BHXH; đơn vị SDLĐ đóng tiền BHXH, BHYT, BHTN vào tài khoản của cơ quan BHXH.
Tỷ lệ đóng: BHXH đóng 25,5% (NLĐ đóng 8%, đơn vị đóng 17,5%); BHYT đóng 4,5% (NLĐ đóng 1,5%, đơn vị đóng 3%); BHTN đóng 2% (NLĐ đóng 1%, đơn vị đóng 1%).
PV: Cách tính lương hưu hiện nay có gì khác gì so với trước, cách tính? Thưa ông!
Giám đốc Trần Văn Lực: Theo Khoản 2 Điều 56 Luật BHXH năm 2014, cách tính lương hưu từ ngày 01/01/2018 có khác so với trước, cụ thể là:
Lao động nam được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH khi có thời gian đóng BHXH đủ 16 năm và nghỉ hưu năm 2018; đủ 17 năm và nghỉ hưu năm 2019; đủ 18 năm và nghỉ hưu năm 2020; đủ 19 năm và nghỉ hưu năm 2021; đủ 20 năm và nghỉ hưu từ năm 2022 trở đi.
Lao động nữ nghỉ hưu từ năm 2018 trở đi thì 15 năm đóng BHXH được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH.
Sau đó cứ thêm mỗi năm đóng BHXH, người lao động gồm cả nam và nữ được tính thêm 2% mức tối đa bằng 75%.
Như vậy, để đạt tỉ lệ tối đa là 75% thì lao động nữ đủ 55 tuổi nghỉ hưu từ ngày 01/01/2018 trở đi phải đủ 30 năm đóng BHXH mới được hưởng tối đa 75% (trước đây cho đến hiện nay chỉ cần đủ 25 năm). Đối với lao động nam, nghỉ hưu năm 2018 phải đủ 31 năm đóng BHXH, nghỉ hưu năm 2019 phải đủ 32 năm; nghỉ hưu năm 2020 phải đủ 33 năm; nghỉ hưu năm 2021 phải đủ 34 năm và nghỉ hưu từ năm 2022 trở đi phải đủ 35 năm đóng BHXH mới được hưởng tỉ lệ tối đa 75% (trước đây cho đến hiện nay chỉ cần đủ 30 năm)
Như vậy, việc điều chỉnh tỷ lệ lương hưu từ 01/01/2018 đối với lao động nam thì có lộ trình 5 năm, còn lao động nữ thì không có lộ trình.
PV: Xin chân thành cảm ơn ông, nhân dịp năm mới sắp về, kính chúc ông và gia đình cùng toàn thể công chức, viên chức cơ quan BHXH tỉnh năm mới An khang - Thịnh vượng!
BBT Trang tin điện tử BHXH tỉnh
{loadposition baivietmoi}
Bảo hiểm xã hội tự nguyện
Hướng dẫn Cấp lại thẻ BHYT do hỏng, mất trên Cổng ...
Hướng dẫn đăng ký tài khoản trên Cổng Dịch vụ ...