Để BHXH là “trụ cột” trong hệ thống chính sách An sinh xã hội

14/06/2017 01:39 AM


Bám sát những chính sách…

Mục đích lớn nhất của BHXH là bảo đảm đời sống cho người lao động (NLĐ) và gia đình họ, giúp họ yên tâm cống hiến và không phải lo lắng nhiều về những rủi ro mà mình có thể gặp phải trong hoạt động lao động sản xuất (LĐSX), công tác, sinh hoạt. Không những thế, BHXH còn góp phần làm hạn chế và điều hoà các mâu thuẫn giữa người tham gia BHXH và người sử dụng lao động (SDLĐ), tạo môi trường làm việc ổn định, đảm bảo cho hoạt động LĐSX, côngtác với hiệu quả cao, từ đó góp phần tăng trưởng và phát triển kinh tế đất nước. Có thể khẳng định, BHXH là trụ cột quan trọng trong hệ thống chính sách ASXH, là một chính sách lớn thể hiện tính nhân văn sâu sắc, được Đảng và Nhà nước hết sức quan tâm. Chính vì vậy, Quốc hội khóa 12 năm 2008, Luật BHYT lần đầu được ban hành; đến Quốc hội khóa 13, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều như quan tâm đến những đối tượng chính sách xã hội (là đối tượng Bảo trợ xã hội, người nghèo, đồng bào dân tộc từ hưởng 95% chi phí KCB theo Luật cũ sang hưởng 100% chi phí KCB từ ngày 1/1/2015). Cũng từ ngày 01/01/2015, Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật BHYT có những điểm mới, đó là BHYT có hình thức bảo hiểm bắt buộc tham gia theo 5 nhóm đối tượng; mở rộng quyền lợi, nâng mức hưởng BHYT; quy định cụ thể việc quản lý, sử dụng quỹ BHYT và bổ sung trách nhiệm của các bên liên quan.

Giám đốc BHXH tỉnh Trần Văn Lực phát động phong trào thi đua

“Qua hơn 02 năm triển khai Luật BHYT sửa đổi bổ sung, BHXH tỉnh Kon Tum đã đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận. Số người tham gia BHYT ngày càng tăng, năm sau cao hơn năm trước, tỷ lệ bao phủ BHYT cao, vượt chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao. Năm 2016, toàn tỉnh có hơn 455,6 nghìn người tham gia, đạt tỷ lệ 89,6% dân số (vượt 3,9% so KH được giao). Đặc biệt, trong năm 2016, BHXH tỉnh đã chi trợ cấp ốm đau cho hơn 2,07 nghìn lượt người; trợ cấp thai sản cho hơn 2,7 nghìn lượt người; giải quyết chế độ hưu trí cho 431 người…” - Ông Trần Văn Lực, Giám đốc BHXH tỉnh Kon Tum cho biết. Cùng với toàn ngành, BHXH tỉnh đã tích cực triển khai thực hiện các nội dung của Luật BHXH, như Nghị định 115/2015/NĐ-CP, Nghị định 134/2015/NĐ-CP của Chính phủ; Thông tư số 59/2015/TT-BLĐTBXH và Thông tư số 01/2016/TT-BLĐTBXH của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội. Để qua đó không chỉ bám sát chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước; mà còn thi hành tốt một số điều của Luật BHXH về BHXH tự nguyện đến toàn thể công chức, viên chức trong ngành, đơn vị SDLĐ và NLĐ trên địa bàn tỉnh.

Để triển khai thực hiện Luật BHXH số 58 (có hiệu lực từ ngày 01/01/2016), toàn Ngành đã tích cực tổ chức nhiều hội nghị tập huấn trong và ngoài ngành. Tổ chức tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng, phát hành tờ gấp, trực tiếp xuống đến tổ dân phố, thôn, làng để tuyên truyền, đối thoại chính sách với người dân, mở rộng mạng lưới đại lý thu BHXH, BHYT để tuyên truyền, vận động nhằm tạo điều kiện thuận lợi để người dân tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình. Đồng thời thực hiện tốt việc cải cách thủ tục hành chính, giao dịch điện tử đối với các đơn vị và cá nhân tham gia BHXH, BHYT.

Xác định tình hình, khẳng định vị thế

Một quy luật tất yếu là sự phát triển nhanh chóng của nền KT-XH, dân số tăng nhanh kéo theo lực lượng lao động tăng nhanh và các nhu cầu về ASXH cũng ngày càng cao vì vậy các chính sách ASXH của nhà nước phải thay đổi liên tục để phù hợp với tình hình hiện tại. Ngoài ra, phương thức làm việc cũ không còn hiệu quả, nhu cầu cấp thiết là cần có sự cải cách và nâng cao hiệu quả bộ máy làm việc. Do vậy, việc CCTTHC và ứng dụng CNTT trong công tác quản lý và hoạt động nghiệp vụ chính là một trong những công tác trọng tâm luôn được ngành BHXH tỉnh đầu tư ngay từ khi thành lập. “Và đến nay, Ngành đã triển khai đầu tư nhiều hoạt động ứng dụng CNTT, các phần mềm hỗ trợ nghiệp vụ; từng bước xây dựng hệ thống dữ liệu tập trung  của ngành, hệ thống tích hợp, tập trung dữ liệu cấp quốc gia tuân thủ theo khung Kiến trúc Chính phủ điện tử, đồng thời gắn kết chặt chẽ với quá trình CCTTHC…” - Ông Lực chia sẻ.

Chính vì đẩy mạnh công tác này, năm 2016 vừa qua Ngành đã cắt giảm được 01 TTHC, từ 33 thủ tục xuống còn 32 thủ tục; giảm 38% thành phần hồ sơ; giảm 42%  tiêu thức trên tờ khai, biểu mẫu; giảm 54% quy trình, thao tác thực hiện. Theo đó, BHXH tỉnh Kon Tum đã tiến hành rà soát chuẩn hóa, niêm yết công khai đúng qui định các TTHC kịp thời bổ sung vào bộ TTHC theo tiêu chuẩn ISO 9001: 2008 của đơn vị. BHXH Tỉnh cũng đã triển khai thực hiện theo cơ chế một cửa với đầy đủ các TTHC mà Ngành đã công bố, đáp ứng được yêu cầu đơn giản hoá. Bên cạnh đó, BHXH tỉnh Kon Tum đã ban hành Quy trình tiếp nhận hồ sơ, giải quyết và trả kết quả TTHC về BHXH, BHYT, BHTN kèm theo Quyết định  số 401/QĐ-BHXH ngày 01/12/2016 nhằm rút ngắn hơn nữa thời gian giải quyết cho từng TTHC mà BHXH Việt Nam đã quy định để tạo điều kiện  tối đa cho NLĐ và doanh nghiệp đến giao dịch. Song song với đó, bằng việc xác định yếu tố tiên quyết để mọi công tác đi vào “guồng” hoạt động ổn định chính là “nguồn nhân lực” thì thời gian qua, Ngành đã không ngừng chú trọng nâng cao và tạo chuyển biến rõ nét về nhận thức của đội ngũ công chức viên chức về tinh thần phục vụ người dân và doanh nghiệp. Thực hiện chuyển đổi mạnh mẽ tác phong công tác từ hành chính sang phục vụ. Xây dựng được đội ngũ công chức viên chức có phẩm chất đạo đức và năng lực chuyên môn nghiệp vụ tốt đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của Ngành trong điều kiện mới.

Năm 2017 này sẽ tiếp tục là năm Ngành BHXH Việt Nam quyết liệt đổi mới trong các mặt hoạt động, cũng là năm Ngành đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân hiểu được lợi ích của việc tham gia BHXH, BHYT (nhất là BHXH tự nguyện). Trước nhiệm vụ chung này, Giám đốc Lực cho biết BHXH tỉnh Kon Tum không ngừng đẩy mạnh tuyên truyền cho NLĐ à nhân dân hiểu rõ chính sách BHXH, BHYT là hai chính sách xã hội quan trọng, là trụ cột chính của hệ thống chính sách ASXH, góp phần thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo đảm ổn định CT-XH và phát triển KT-XH. Cũng như không ngừng đề cao trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền trong lãnh đạo, chỉ đạo việc thực hiện các chính sách, chế độ BHXH, BHYT. Tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước và cơ quan BHXH từ Trung ương đến địa phương trong việc tổ chức thực hiện chế độ BHXH, BHYT. Đổi mới và nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT; chủ động truyền tải thông tin tới cán bộ, học sinh, sinh viên, người dân; người SDLĐ thấy rõ vị trí, vai trò, ý nghĩa của BHXH, BHYT đối với NLĐ trong doanh nghiệp./

                                                                                Công Luận

                                                          (Báo Thế giới và Việt Nam - Bộ Ngoại giao)

{loadposition baivietmoi}