BHXH huyện Đăk Tô: Tích cực chung tay xây dựng huyện Đăk Tô ngày càng phồn vinh và phát triển
28/04/2017 01:23 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Thành lập sau chiến thắng Đăk Tô-Tân Cảnh 23 năm, đến nay BHXH huyện đã trải qua 22 năm xây dựng và phát triển, có bề dày lịch sử so với nhiều ngành khác trong huyện.
Trao đổi với chúng tôi, Giám đốc BHXH huyện Đăk Tô Vũ Tuấn Khang cho biết: bước đầu thành lập, thiếu thốn mọi bề là hẳn nhiên, nhưng cái nan giải nhất vẫn là mặt bằng nhận thức về BHXH còn rất hạn chế. Vậy nên, BHXH huyện xác định đẩy mạnh công tác tuyên truyền là nhiệm vụ hàng đầu, tạo chuyển biến nhận thức tích cực đối với các cấp, ngành, đơn vị sử dụng lao động và người lao động, hướng chuổi hoạt động trong lĩnh vực quản lý vào quỹ đạo chung của ngành, từng bước khẳng định vai trò trụ cột trong hệ thống chính sách an sinh xã hội.
Hồi đó, BHXH chỉ vẻn vẹn 4 người. Nay, đã có 14 người, trong đó 12 người có trình độ đại học, 6 đảng viên. Hưởng ứng các phong trào thi đua do BHXH tỉnh phát động, toàn đơn vị đã quyết tâm chuyển đổi tác phong từ hành chính thụ động sang chủ động phục vụ đối tượng, thực hiện tốt vai trò "nhịp cầu" kết nối chủ sử dụng lao động và người lao động. Nhiều năm trở lại đây, hồ sơ tham gia và thụ hưởng chế độ BHXH, BHYT trên địa bàn huyện không ngừng gia tăng, năm sau cao hơn nhiều lần so với năm trước. BHXH huyện không ngừng đẩy nhanh tốc độ chu chuyển trong tiếp nhận, giải quyết dứt điểm hồ sơ tham gia và thụ hưởng các chế độ BHXH, BHYT, tạo sự đồng thuận cao trong dư luận xã hội.
Giám định viên BHXH huyện Đăk Tô tác nghiệp tại bệnh viện
Năm 1995 - lúc mới thành lập, số hồ sơ hưởng các chế độ BHXH trên địa bàn chưa nhiều, nhưng sau mỗi năm hồ sơ phát sinh mới với số lượng lớn và ngày càng tăng. Năm 2016, chỉ tính riêng số hồ sơ hưởng trợ cấp BHXH một lần, ốm đau, thai sản, dưỡng sức và phục hồi sức khỏe lên trên 400 lượt và đều được giải quyết kịp thời, với số tiền xấp xỉ 5,7 tỷ đồng. Song song với việc nâng cao chất lượng giải quyết hồ sơ, công tác chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH thường xuyên và quản lý đối tượng cũng được quan tâm đúng mức. Trong nhiều năm qua, BHXH huyện đã kết hợp cả 2 hình thức chi trả là trực tiếp từ cán bộ BHXH và ký hợp đồng với đại diện chi trả. Qua chi trả trực tiếp, cán bộ BHXH có điều kiện tiếp cận thường xuyên với đối tượng, giải đáp những thắc mắc và thực hiện tuyên truyền chính sách BHXH, BHYT một cách trực diện, hiệu quả. Cũng qua đó, nắm bắt, quản lý chặt chẽ tình hình biến động tăng, giảm đối tượng để tổ chức chi trả đúng, đủ, kịp thời, chính xác, tận tay đối tượng tại địa bàn cư trú và đảm bảo an toàn quỹ tiền mặt. Thay vì năm 1995, BHXH huyện chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH thường xuyên với số tiền gần 740 triệu đồng thì đến năm 2016 tổng số tiền chi trả cho hơn 680 đối tượng thụ hưởng, với trên 25 tỷ đồng, tăng trên 24 tỷ đồng, gấp gần 34 lần.
Cũng theo Giám đốc Khang, mấy năm trở lại đây, công tác tiếp nhận, giải quyết và trả kết quả thủ tục hành chính được thực hiện tại đơn vị sử dụng lao động thông qua dịch vụ bưu điện. Công tác chi trả cũng được triển khai qua dịch vụ bưu điện và hệ thống ngân hàng bằng tài khoản ATM, mở rộng tiện lợi, an toàn và chủ động cho đối tượng về thời gian lĩnh lương và trợ cấp.
Nhiều nội dung về giải quyết các thủ tục hành chính được BHXH tỉnh phân cấp mạnh mẽ, nhất là công tác cấp thẻ BHYT đã tạo chủ động cho cơ quan BHXH huyện trong phối hợp, tác nghiệp với các đơn vị ở tất cả các khâu: lập danh sách, tiếp nhận, rà soát, kiểm tra xử lý thông tin cá nhân cho đến tập trung cấp thẻ kịp thời, hạn chế tối đa việc sai lệch thông tin cá nhân trên thẻ BHYT, vừa tiết kiệm được phôi thẻ vừa thuận lợi cho tất cả các nhóm đối tượng trong đi khám chữa bệnh BHYT. Cạnh đó, lĩnh vực Giám định BHYT được chú trọng thường xuyên, kịp thời phối hợp với cơ sở KCB giải quyết những vướng mắc, đảm bảo quyền lợi thụ hưởng chế độ BHYT cho đối tượng. Đưa công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu về 100% trạm y tế xã, thuận lợi cho nhân dân trên địa bàn, nhất là người đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng khó khăn và đặc biệt khó khăn được tiếp cận, thụ hưởng các quyền lợi BHYT ngay từ tuyến y tế cơ sở, góp phần giảm áp lực cho các bệnh viện huyện và tỉnh. Thực hiện Luật BHYT, quyền lợi của người bệnh BHYT ngày càng được mở rộng và nâng cao. Năm 2016, toàn huyện có gần 56.000 lượt người khám và điều trị bệnh được quỹ BHYT chi trả với số tiền trên 9,6 tỷ đồng, tăng hơn 7,9 tỷ đồng (tăng hơn 6%) so với năm trước liền kề năm thực hiện Luật BHYT (2008).
Từ năm 2015, thực hiện chủ trương giao dịch BHXH điện tử và qua mạng internet, BHXH huyện Đăk Tô là đơn vị dẫn đầu trong toàn tỉnh về tiến độ thực hiện và tỷ lệ phủ rộng số đơn vị tham gia giao dịch, tạo bước đột phá mới, góp phần nâng cao chất lượng giải quyết TTHC, phát huy vai trò ngành phục vụ con người, tạo sự kết nối hệ thống trong chuỗi công việc liên hoàn, thông qua ứng dụng tốt công nghệ thông tin trong điều kiện mới.
Bằng những việc làm cụ thể trên từng lĩnh vực hoạt động trong suốt chặng đường gần 22 năm qua, chính là phương thức tuyên truyền hữu hiệu theo phương châm “hữu xạ tự nhiên hương”, BHXH huyện thiết thực góp phần cùng các ngành chung tay xây dựng huyện Đăk Tô ngày càng phồn vinh và phát triển./.
Thái Đông Hải
{loadposition baivietmoi}
Bảo hiểm xã hội tự nguyện
Hướng dẫn Cấp lại thẻ BHYT do hỏng, mất trên Cổng ...
Hướng dẫn đăng ký tài khoản trên Cổng Dịch vụ ...