Xây dựng xã đặc biệt khó khăn Sa Sơn - hành trình 15 năm đầy tâm sức
24/01/2017 01:10 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Thực hiện Nghị quyết của Tỉnh ủy, Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh thành lập Tổ giúp xã kết nghĩa (Tổ 04), do 1 Phó giám đốc làm Tổ trưởng, các thành viên được lựa chọn là những cán bộ có năng lực và kinh nghiệm về công tác cơ sở, am hiểu tập tục sinh hoạt của người dân tộc thiểu số (DTTS). Trong 15 năm qua, có trên 300 lượt cán bộ BHXH tỉnh về tận cơ sở, chủ động phối hợp với địa phương tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách pháp luật của Nhà nước; làm tốt công tác dân vận, tạo chuyển biến nhận thức, thay đổi hành vi theo hướng tích cực trong mọi tầng lớp nhân dân; vận động nhân dân chăm lo sản xuất, ổn định đời sống; bảo đảm an ninh trật tự an toàn xã hội.
BHXH tỉnh thống nhất cùng địa phương xây dựng mô hình vườn cây cao su, lựa chọn 5 hộ nghèo ở làng Bar Gok để hỗ trợ toàn bộ kinh phí trồng, chăm sóc mỗi hộ 1 héc-ta, hướng dẫn quy trình kỹ thuật bằng ngôn ngữ địa phương, làm mẫu ở tất cả các khâu, từ chuẩn bị đất, thiết kế, xây dựng vườn cây, cách chống xói mòn và chống úng cho đến công đoạn đào hố, bón lót, xuống giống và trồng dặm kịp thời vụ, xen canh hoa màu để lấy ngắn nuôi dài nhưng đảm bảo sinh trưởng cho cây. Đến nay, đã có 2 hec-ta đưa vào khai thác, 3 hec-ta còn lại đang trong thời kỳ kiến thiết cơ bản, từng bước nhân rộng mô hình xóa nghèo bền vững cho nhân dân. Ngoài thể hiện trực tiếp bằng việc làm, BHXH tỉnh còn tham gia vào các kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của địa phương, công tác quy hoạch, xây dựng NTM.
Công tác chăm lo các gia đình chính sách được quan tâm đúng mức, công chức, viên chức đóng góp xây dựng 1 căn nhà tình nghĩa; tặng 537 suất quà trị giá hơn 100 triệu đồng cho các gia đình chính sách vào các dịp lễ, tết và 27/7 hàng năm; hỗ trợ 7 triệu đồng cho công tác xã hội hóa giáo dục.
PGĐ BHXH tỉnh Nguyễn Thị Hồng Chính tặng quà gia đình chính sách xã Sa Sơn, huyện Sa Thầy
Chi đoàn Thanh niên BHXH tỉnh đã cử hơn 130 lượt đoàn viên, thanh niên tham gia các động tình nguyện thiết thực tại địa phương, trao tặng 1 dàn máy vi tính và tổ chức tập huấn tin học văn phòng cho cán bộ xã đoàn, tổ chức 4 đợt giao lưu văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao; tặng 170 suất quà cho các em học sinh nghèo ở làng Bar Gok, tổ chức tặng và trồng 50 cây ăn quả giống ghép cao sản, hướng dẫn, hỗ trợ hạt giống và trực tiếp giúp dân làm mô hình "vườn rau xanh an toàn"; cắt tóc và vệ sinh cho thanh thiếu niên, hướng dẫn bà con ăn chín, uống sôi, ngủ có mùng, phun thuốc phòng dịch...
Bí thư Đảng ủy xã Sa Sơn Ngô Công Phương (trái) tặng quà BHXH tỉnh
Theo ông Trần Lệnh Tuyến - Phó Bí thư thường trực Đảng ủy xã Sa Sơn, cùng với sự quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc xã Sa Sơn, BHXH tỉnh đã phát huy cao độ vai trò của một đơn vị kết nghĩa, luôn kề vai sát cánh cùng địa phương để tạo nên những bước chuyển mạnh mẽ và kết quả là từ 1 xã đặc biệt khó khăn, sau 15 năm xây dựng và phát triển, tháng 3/2016 vừa qua Sa Sơn đã trở thành xã về đích đầu tiên của huyện Sa Thầy trong công cuộc xây dựng NTM.
Ở lĩnh vực trồng trọt, trước đây không có cây công nghiệp, nay toàn xã có 1.600 ha, chủ lực là cao su. Mô hình chuyển đổi giống lúa chất lượng cao được thực hiện liên tục qua nhiều năm và đến nay đã chiếm ¾ diện tích lúa nước, giống nông sản truyền thống hầu hết đều được thay bằng giống cao sản, ngắn ngày, mạnh dạn áp dụng các kỹ thuật tiến bộ về cung cấp dưỡng chất, kỹ thuật bảo vệ cây trồng… giúp nông dân dần thay đổi tập quán sản xuất truyền thống, áp dụng khoa học kỹ thuật phổ biến vào sản xuất từ khâu chuẩn bị đất trồng cho đến các khâu chăm sóc, thu hoạch và sau thu hoạch.
Trong lĩnh vực chăn nuôi, bà con đầu tư giống gia súc, gia cầm cho năng suất cao, chất lượng tốt; áp dụng các biện pháp khoa học trong phòng trừ dịch bệnh... nhờ đó giảm được rủi ro, mang lại lợi nhuận cao hơn, số lượng bò, dê ngày càng phát triển, đến nay có trên 500 con.
Nhờ mạnh dạn ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào trồng trọt và chăn nuôi đã góp phần quan trọng trong cải thiện thu nhập, ổn định đời sống của nhân dân. Thu nhập đầu người năm 2016 đạt hơn 24 triệu đồng, gấp 22 lần so với năm 2001. Mức tăng trưởng tuy không cao, nhưng đạt được trong bối cảnh kinh tế nông nghiệp vốn dĩ là lĩnh vực gặp nhiều khó khăn, nhất là trong điều kiện của một huyện biên giới thuộc tỉnh miền núi thì quả là một thành công lớn. Thay vì năm 2001, Sa Sơn có tỷ lệ hộ nghèo chiếm 73% dân số thì nay chỉ còn 5,6%.
Vườn cao su đã đưa vào khai thác
Với những thay đổi căn cơ đó đã thúc đẩy Sa Sơn "bung ra" trong một diện mạo mới, 100% đường làng, ngõ xóm được bê tông hóa, nhựa hóa; 100% thôn làng có cổng chào, nhà văn hóa, sân thể thao; 100% hộ gia đình được sử dụng điện và có phương tiện nghe, nhìn; xã có trạm truy cập Internet cộng đồng, sóng điện thoại được phủ tới tất cả các thôn làng; 99% hộ gia đình có nhà ở đảm bảo "3 cứng", tức các bộ phận nền-khung-mái được làm từ các loại vật liệu có chất lượng tốt; 2/3 số lượng trường học đạt chuẩn, duy trì phổ cập THCS, Tiểu học đúng độ tuổi và trẻ em 5 tuổi; 100% trẻ em được đến trường; trạm y tế đã có bác sỹ phục vụ khám chữa bệnh cho nhân dân...
Hành trình 15 năm đầy tâm sức của đơn vị nhận đỡ đầu cùng địa phương và nhân dân các dân tộc trên địa bàn xã đã làm cho Sa Sơn bật dậy sức sống mới dưới sự dẫn đường của Nghị quyết 04.
Khép lại hành trình 15 năm ở Sa Sơn, đội ngũ công chức, viên chức làm công tác 04 của BHXH tỉnh lại tiếp tục "lên đường" tham gia vào một hành trình mới trên mặt trận xây dựng bộ mặt nông thôn tại xã Đăk Long, huyện Đăk Hà theo sự phân công của Ban Chỉ đạo 04 Tỉnh ủy Kon Tum./.
Nhi Hồng
{loadposition baivietmoi}
Bảo hiểm xã hội tự nguyện
Hướng dẫn Cấp lại thẻ BHYT do hỏng, mất trên Cổng ...
Hướng dẫn đăng ký tài khoản trên Cổng Dịch vụ ...