Chủ động đưa chính sách BHXH, BHYT đến với bà con nông dân

03/10/2016 02:30 AM


Tuyên truyền tại cơ sở

Điểm nổi bật trước tiên là công tác phối hợp truyền thông, tổ chức nhiều hội nghị tuyên truyền hướng về cơ sở, trực tiếp đối thoại chính sách BHYT với bà con nông dân gắn với phát hành rộng rãi tờ gấp tuyên truyền, làm chuyển biến nhận thức và thay đổi hành vi, thúc đẩy tiến độ phủ rộng số người tham gia BHYT. Thay vì vào thời điểm 31/8/2012 - năm đầu triển khai Chương trình 02, toàn tỉnh có 351.346 người tham gia BHYT thì đến cuối tháng 8/2016 đã có 445.257 người, đảm bảo chỉ tiêu do Thủ tướng Chính phủ giao cho tỉnh Kon Tum tại Quyết định số 1167/QĐ-TTg ngày 28/6/2016, tăng 93.911 người (26,7%) so với 4 năm trước, tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm trên 6%, trong đó, tỷ trọng nhóm đối tượng nông dân tham gia BHYT chiếm khá lớn.

Từ khi Chương trình số 02 có hiệu lực, số lượt người thụ hưởng BHYT, số kinh phí chi trả cũng tăng lên hàng năm. Chỉ tính riêng năm 2015, tỉnh ta có 785.367 lượt người KCB được quỹ BHYT chi trả với số tiền xấp xỉ 133 tỷ đồng, tăng gần 15 tỷ đồng (12,2%) so với năm đầu thực hiện Chương trình 02 (2012). Trong đó, nhiều bệnh nhân thuộc nhóm đối tượng hộ nông dân được Quỹ BHYT thanh toán với số tiền khá lớn, điển hình như: ông Nguyễn Văn Đến ở huyện Đăk Tô được thanh toán 25.856.000 đồng; bà Nguyễn Thị Mùa ở thôn Phương Quý I, xã Vinh Quang, thành phố Kon Tum được thanh toán 115.479.086 đồng.

Từ năm 2012, BHXH tỉnh đã triển khai mở rộng cơ sở khám chữa bệnh (KCB) ban đầu có sự tham gia của 6 cơ sở quân y, góp phần tăng cường khả năng phân bố nguồn lực cung cấp dịch vụ KCB BHYT về số lượng cơ sở, quy mô và cả chất lượng giữa khu vực thành thị, nông thôn, khuyến khích các cơ sở y tế trong và ngoài quân đội tích cực thi đua nâng cao chất lượng KCB BHYT, mở ra nhiều cơ hội tiếp cận và thụ hưởng các quyền lợi về BHYT cho nhân dân nói chung và người nông dân nói riêng. Qua đó, tích cực góp phần thực hiện chủ trương xóa đói giảm nghèo, từng bước ổn định đời sống nhân dân ở nông thôn miền núi.

Theo ước tính của BHXH tỉnh thì năm 2016, tổng chi BHYT toàn tỉnh sẽ trên 206 tỷ đồng, giải quyết cơ bản công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân trong thời giá viện phí tăng cao như hiện nay. Đặc biệt, việc tổ chức rộng khắp cơ sở KCB BHYT ban đầu tại 100% trạm y tế xã, đã tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế khó khăn, đặc biệt khó khăn, nhất là người DTTS được tiếp cận và sử dụng dịch vụ y tế ngay từ tuyến cơ sở, tiết kiệm chi phí và thời gian đi lại.

Năm nay, toàn ngành BHXH đã triển khai lập danh sách BHYT hộ gia đình, trên cơ sở đó "phân luồng" đối tượng, xây dựng kế hoạch, chương trình truyền thông tương thích để làm chuyển biến nhận thức, thay đổi hành vi tích cực của người dân, giúp mọi người dân có thẻ BHYT để được cộng đồng chia sẻ gánh nặng tài chính giữa thời giá viện phí tăng cao mỗi khi mắc phải rủi ro ốm đau, bệnh tật.

Nhằm tiếp tục thúc đẩy tiến độ mở rộng, phát triển đối tượng tham gia BHYT nói chung và người nông dân nói riêng, ngày 26/9/2016 lãnh đạo cơ quan Hội Nông dân tỉnh và Bảo hiểm xã hội tỉnh ký kết Chương trình phối hợp số 25-CTPH/HND-BHXH thực hiện tuyên truyền, vận động nông dân tham gia BHXH, BHYT giai đoạn 2016 - 2020, phấn đấu đạt mục tiêu đến năm 2020 có trên 90% hội viên nông dân có thẻ BHYT và 10% lao động nông thôn tham gia BHXH tự nguyện. Theo đó, hai cơ quan cam kết cùng phối hợp thực hiện có hiệu quả công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho hội viên nông dân về chính sách BHXH, BHYT; tổ chức xây dựng, duy trì và nhân rộng các mô hình "BHYT toàn dân" và mô hình vận động nông dân tham gia "BHXH tự nguyện"; xây dựng hệ thống đại lý thu BHXH, BHYT do Hội Nông dân thực hiện; thực hiện chính sách BHXH, BHYT đối với nông dân, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các thủ tục, giải quyết các chế độ BHXH, BHYT nhằm bảo đảm quyền lợi chính đáng cho nông dân. Hàng năm, hai đơn vị cụ thể hóa Chương trình bằng kế hoạch chi tiết. Trước mắt, trong 3 tháng còn lại năm nay, tập trung đẩy mạnh tuyên truyền hướng về cơ sở, trực tiếp đối thoại với nông dân và phát hành khoảng 40.000 tờ gấp "Những điều cần biết về BHYT hộ gia đình" và "Những điều cần biết về BHXH tự nguyện", mỗi loại 20.000 tờ. Tin rằng, thực hiện Chương trình này sẽ đem lại những khởi sắc mới cho công tác phát triển đối tượng nông dân tham gia BHXH tự nguyện và BHYT hộ gia đình trên địa bàn tỉnh, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu Chương trình số 49-CTr/TU ngày 02/5/2013 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Kon Tum thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 22/11/2012 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BHXH, BHYT giai đoạn 2012 - 2020./.

                                                                                                Nhi Hồng

{loadposition baivietmoi}